Trong lúc Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi kêu gọi hủy bỏ Điều 370 để tước quyền tự trị đặc biệt đối với vùng Kashmir nằm ở khu vực biên giới tranh chấp với Trung Quốc và Pakistan, Bộ trưởng Nội vụ nước này Amit Shah công bố các dự luật mới tuyên bố bang Jammu và Kashmir (J&K), vùng đất do Ấn Độ quản lý tại khu vực Kashmir, sẽ được tách thành hai "lãnh thổ liên bang" - Jammu và Kashmir, và Ladakh - nằm dưới sự quản lý trực tiếp của chính quyền trung ương.
Sự thay đổi đầy bất ngờ và gây sốc này được ông Shah hoan nghênh như một "quyết định lịch sử", nhưng lại vấp phải phản ứng cực kỳ gay gắt của Bắc Kinh và Islamabad - hai quốc gia đã xích lại gần nhau hơn trong nhiều năm gần đây và đều có tranh chấp lãnh thổ căng thẳng với New Delhi.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói trong cuộc họp báo hôm 6/8 rằng đất nước bà "luôn phản đối việc Ấn Độ đặt vùng lãnh thổ của Trung Quốc ở khu vực phía Tây biên giới Trung Quốc - Ấn Độ dưới quyền quản lý của họ", nhắc tới khu vực Aksai Chin mà Ấn Độ tuyên bố chủ quyền nhưng lại thuộc quyền quản lý của Trung Quốc ở phía Tây Tân Cương và Tây Tạng.
"Mới đây, Ấn Độ tiếp tục làm ảnh hưởng tới chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc bằng việc đơn phương thay đổi luật pháp trong nước họ" - bà Hoa nói - "Hành động như vậy là không thể chấp nhận và sẽ không có hiệu lực. Chúng tôi kêu gọi Ấn Độ thận trọng về lời nói và hành động liên quan tới vấn đề biên giới, tuân thủ chặt chẽ các thỏa thuận giữa hai bên và tránh đưa ra thêm động thái có thể khiến cho vấn đề biên giới phức tạp hơn".
Trung Quốc và Ấn Độ từng suýt lao vào một cuộc chiến biên giới trong mùa Hè năm 2017 tại một điểm tranh chấp mà Ấn Độ gọi là Doklam, còn Trung Quốc gọi là Donglang. Điểm giao biên giới giữa ba bên kết nối bang Sikkim của Ấn Độ, khu vực Tây Tạng của Trung Quốc và thung lũng Ha của Bhutan. Chính quyền New Delhi từng cáo buộc Bắc Kinh qua mặt Vương quốc Bhutan để xây dựng một tuyến đường cao tốc mới, dẫn tới một số cuộc đụng độ bằng tay giữa binh sỹ Trung Quốc và Ấn Độ, tuy nhiên không có tiếng súng nào vang lên.
Hai nước sau đó nỗ lực giảm căng thẳng, nhưng các luận điệu dân tộc chủ nghĩa tiếp tục trỗi dậy trước và sau sự kiện đó.
Trung Quốc và Ấn Độ có lịch sử xung đột và các hành động thù địch liên quan tới tranh chấp biên giới, đặc biệt là trong những năm 1960 khi hai nước lao vào một cuộc chiến đẫm máu trên cả hai mặt trận.
Thế nhưng phần lớn lịch sử về vấn đề biên giới của Ấn Độ chủ yếu là tranh chấp với đối thủ Pakistan, đất nước được thành lập sau khi Anh chia tách đất nước Ấn Độ vào năm 1947, nhanh chóng dẫn tới nhiều cuộc chiến giữa hai nước ở khu vực Nam Á. 2 cuộc xung đột xảy ra vào năm 1965 và năm 1999 đều bắt nguồn từ các tuyên bố chủ quyền ở khu vực Kashmir, trong khi cuộc xung đột năm 1971 là do Ấn Độ ủng hộ làn sóng đòi độc lập ở Đông Pakistan, giờ là Bangladesh.
Các cuộc đụng độ đẫm máu vẫn thường xuyên xảy ra giữa lực lượng vũ trang Ấn Độ và Pakistan tại mặt trận Kashmir, nơi mà các nhóm phiến quân Hồi giáo mà New Delhi cho là do Islamabad hậu thuẫn đã tăng cường sự hiện diện. Một trong số các nhóm này, Jaish-e-Mohammed (JeM) đã tuyên bố nhận trách nhiệm một vụ đánh bom tự sát hồi tháng 2 năm nay, khiến hàng chục binh sỹ Ấn Độ thiệt mạng. Vụ việc khiến Ấn Độ thực hiện nhiều vụ tấn công hiếm thấy dọc biên giới nhằm vào các trại phiến quân. Để phản ứng, Pakistan tấn công đáp trả, khiến Ấn Độ mất 1 chiến đấu cơ, phi công được trả tự do sau đó như một cử chỉ hòa bình.
Trong một tuyên bố được đưa ra trước Quốc hội hôm thứ Ba vừa qua, Thủ tướng Pakistan Imran Khan bác bỏ các cáo buộc của Ấn Độ cho rằng Islamabad liên quan tới vụ đánh bom tự sát ở Pulwama, Kashmir. Về quyết định tước bỏ quyền tự trị đặc biệt của Kashmir mà Ấn Độ mới đưa ra, ông Khan cảnh báo "sẽ có thêm một sự kiện kiểu Pulwama khác, trong khi chúng tôi không liên quan gì".
Ông Khan nói ông lo sợ hàng loạt các sự kiện xảy ra có thể làm bùng phát một cuộc chiến hạt nhân giữa hai nước láng giềng, mà trong cuộc chiến đó "không ai là bên chiến thắng"; tuy nhiên ông tuyên bố sẽ bảo vệ người dân Kashmir, cáo buộc đảng cánh hữu Bharatiya Janata của ông Modi cùng tổ chức dân tộc chủ nghĩa Rashtriya Swayamsevak Sangh - tổ chức mà ông Modi từng là một thành viên - là theo đuổi "hệ tư tưởng phân biệt chủng tộc".
Lãnh đạo Ấn Độ cũng kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong việc giải quyết vấn đề ở Kashmir. Trước đó, trong cuộc gặp giữa ông Khan và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng, ông Trump cho hay ông được Thủ tướng Modi đề nghị làm trung gian hòa giải giữa Pakistan và Ấn Độ. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar sau đó nói rằng "không có đề nghị như vậy".
Theo Newsweek