Ai là chủ USC Interco - siêu DN với vốn điều lệ 144.000 tỷ đồng?

VietTimes -- Một doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tại Hà Nội có quy mô vốn đăng ký lên tới 144.000 tỷ đồng, tương đương quy mô vốn của 4 nhà băng nhà nước lớn cộng lại, đang gây xôn xao cộng đồng tài chính.
Doanh nghiệp bí ẩn có vốn điều lệ 144.000 tỷ đồng (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)
Doanh nghiệp bí ẩn có vốn điều lệ 144.000 tỷ đồng (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)

Theo thông tin từ Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch Đầu tư) trong tháng 1/2020, số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm trong khi số vốn đăng ký tăng và đạt mức cao nhất so với cùng kỳ của các năm trước đây.

Cụ thể, cả nước có 8.276 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 267.178 tỷ đồng, giảm 17,9% về số doanh nghiệp, tăng 76,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2019 (số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập trong tháng 1/2020 giảm mạnh do thời gian giáp Tết Nguyên đán Canh Tý). Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 01 năm 2020 đạt 32,3 tỷ đồng, tăng 115,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Nguyên nhân của sự tăng đột biến về vốn đăng ký, theo lý giải của Cục Đăng ký kinh doanh là trong tháng 1/2020 có một doanh nghiệp đăng ký thành lập tại Hà Nội với số vốn 144.000 tỷ đồng, chiếm 53,9% tổng vốn đăng ký thành lập mới của doanh nghiệp cả nước.

Ở trong nước, hiện chỉ có một số tập đoàn kinh tế nhà nước là PVN, EVN và Viettel mới có quy mô vốn điều lệ trên 100.000 tỷ đồng, chưa kể tới 2 doanh nghiệp FDI lớn là Formosa Hà Tĩnh và Vietnam Beverage (thành viên của ThaiBev - công ty mẹ của Sabeco).

Ở một so sánh khác, quy mô vốn đăng ký của doanh nghiệp bí ẩn trên tương đương với tổng vốn điều lệ của “Big 4” nhà băng lớn là Vietcombank, Agribank, BIDV và VietinBank.

Cũng cần lưu ý rằng, con số này mới chỉ là số vốn đăng ký, không phải doanh nghiệp nào cũng góp đủ vốn ngay từ khi thành lập.

Số liệu từ Cục Đăng ký kinh doanh cho thấy, trong tháng 1/2020, có 147 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (chiếm 1,8%) với tổng số vốn đăng ký là 2.437 tỷ đồng (chiếm 0,9%); có 2.413 doanh nghiệp thuộc khu vực Công nghiệp và Xây dựng (chiếm 29,2%) với tổng số vốn đăng ký là 44.859 tỷ đồng (chiếm 16,8%), giảm 10,6% về số doanh nghiệp, tăng 0,1% về số vốn.

Đáng chú ý, có 5.716 doanh nghiệp thuộc khu vực Dịch vụ (chiếm 69,1%) với tổng số vốn đăng ký là 219.882 tỷ đồng (chiếm 82,3%), giảm 21,0% về số doanh nghiệp, tăng 110,8% về số vốn.

Chân dung doanh nghiệp bí ẩn

Theo dữ liệu của VietTimes, doanh nghiệp có quy mô 144.000 tỷ đồng nêu trên có tên là CTCP Tư vấn đầu tư quốc tế và dịch vụ thương mại USC (USC Interco), thành lập ngày 17/1/2020, đăng ký hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.

USC Interco có trụ sở chính tại Số 10, ngõ 234 đường Thôn Lai Xá, Xã Kim Chung, Huyện Hoài Đức, Hà Nội. Dù có quy mô vốn “khủng” nhưng cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp này gồm 3 cá nhân. Trong đó, ông Nguyễn Hoàn Sơn (SN 1972) góp 57.600 tỷ đồng sở hữu 40% vốn điều lệ. Số cổ phần còn lại được chia đều cho ông Trần Gia Phong (SN 1979) và bà Kim Thị Phương (SN 1963) mỗi người sở hữu 30% vốn.

Ông Trần Gia Phong (SN 1979) đảm nhiệm cương vị giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của USC Interco.

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, ông Phong hiện còn là người đại diện của Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Xây dựng và Phát triển thương mại Xuất nhập khẩu USC (USC IETDACI).

Doanh nghiệp này thành lập vào tháng 2/2016, đăng ký địa chỉ ở xã Liên Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội. Cuối tháng 12/2019, USC IETDACI tăng vốn từ 9,9 tỷ đồng lên 140 tỷ đồng.

Nếu vốn của USC Interco là “ảo”...

Việc đăng ký vốn điều lệ "khủng" của Công ty USC Interco đặt ra dấu hỏi về khả năng tài chính của các cổ đông. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, các cổ đông phải góp đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Trường hợp không góp đủ vốn điều lệ trong thời hạn quy định, cổ đông của công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng giá trị số vốn thực góp trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ vốn điều lệ. 

Trong trường hợp này, cổ đông phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước khi công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ.

Luật Doanh nghiệp cũng nghiêm cấm các hành vi kê khai khống vốn điều lệ, không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký; cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị.

Ngoài ra, Nghị định 50/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư quy định: Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn điều lệ như đã đăng ký.