AI không chỉ thông minh nhưng cũng có lúc "ảo giác", "đãng trí"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Đó là chia sẻ của các chuyên gia truyền thông và công nghệ tại Tọa đàm "Ứng dụng AI trong truyền thông" do Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức ngày 14/6.

Những rủi ro khi sử dụng AI

Trí tuệ nhân tạo đang phát triển rất mạnh mẽ trong 2 năm trở lại đây, với sự xuất hiện của các chatbot AI "đình đám" như ChatGPT, Gemini, Copiliot hay các ứng dụng tạo ảnh, tạo video như DALL-E, Sora...

Khỏi phải bàn về độ thông minh của các chatbot và ứng dụng AI này. Chỉ cần thông qua câu lệnh (prompt), người dùng có thể yêu cầu chatbot tra cứu thông tin, tổng hợp tài liệu, thậm chí tạo ảnh theo chủ đề, tạo video nhảy múa lắc lư từ một tấm ảnh...

Tuy nhiên, chatbot AI cũng có nhược điểm của nó, đó là đôi khi nó bị "ảo giác" và "đãng trí". Đây cũng chính là những rủi ro khi chúng ta sử dụng AI để tìm kiếm thông tin.

Theo ông Đặng Hải Lộc, Giám đốc điều hành AIV Group - một công ty nghiên cứu chuyên sâu về AI trong lĩnh vực truyền thông - khi truy vấn AI, một số trường hợp AI có thể đưa ra kết quả không chính xác và tự suy diễn, hay còn gọi là hallucination - "ảo giác". Ông Lộc dẫn chứng một trường hợp ở Mỹ khi các luật sư yêu cầu một chatbot AI tổng hợp các vụ án đã từng xảy ra ở địa phương. Sau khi có kết quả, các luật sư đã kiểm tra lại và phát hiện có 2 vụ án do AI tưởng tượng ra.

vt_dang hai loc.jpg
Ông Đặng Hải Lộc chia sẻ về "ảo giác" của AI

Ông Lộc nói thêm rằng ngay cả Apple cũng từng thừa nhận có thể không bao giờ giải quyết được tình trạng AI "nói dối" như vậy. "Chúng ta phải dần làm quen với thực tế là khi đã sử dụng AI thì đôi khi không có sự chính xác 100%", ông Lộc nói.

Các chuyên gia công nghệ thế giới đã từng tiến hành khảo sát một vài chatbot AI chuyên ngành tài chính và luật. Những chatbot này được tạo ra (được dạy) bằng nguồn dữ liệu "sạch". Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá rằng chatbot này chỉ nhỉnh hơn ChatGPT và Gemini một chút về độ tin cậy, còn lại nó vẫn mắc sai sót. Ông Lộc nhấn mạnh rằng đối với các vấn đề cần sự phân tích chuyên sâu, AI có thể cho ra kết quả sai tới 10%.

Bổ sung cho ý kiến của ông Lộc, ông Đặng Phạm Thiên Duy, giảng viên Đại học RMIT nói rằng AI còn có nhược điểm là "đãng trí". Chẳng hạn như khi tạo một truyện tranh với nhân vật hành động theo logic tuyến tính thời gian, AI sẽ không nhớ được nhân vật đã từng có các hành động gì trong quá khứ. Điều này chỉ được cải thiện trong tương lai khi AI phát triển thông minh hơn, giống người thực hơn.

Để hạn chế rủi ro khi sử dụng thông tin do AI cung cấp, theo ông Duy, người dùng cần double check - kiểm chứng lại thông tin từ nhiều nguồn, hoặc sử dụng công cụ fact check do các hãng như Microsoft, Google... cung cấp.

Có một cách khác để kiểm chứng, theo ông Đặng Hải Lộc, là có thể "hỏi vặn" AI để bắt nó phải suy luận, chẳng hạn như một sự kiện có thật sự xảy ra vào năm đó không, từ đó tránh được các thông tin sai lệch kiểu "râu ông nọ cắm cằm bà kia".

AI là công cụ nâng tầm báo chí

Khi nói về tác động của AI đối với các tòa soạn báo nói chung và nhà báo nói riêng, ông Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng biên tập VietnamPlus cho rằng đây chính là một công cụ giúp nâng tầm báo chí.

Vừa qua, báo VietnamPlus đã thực hiện chương trình "user need" - nghiên cứu phổ độc giả và thói quen của họ - bằng công nghệ AI. Từ chương trình này tờ báo đã thay đổi nội dung để hấp dẫn độc giả hơn.

Báo chí đã để lỡ chuyến tàu 4.0 nên để thua các mạng xã hội. Vậy thì báo chí đừng nên bỏ lỡ chuyến tàu AI.

Bà Ladina Heimgartner - Chủ tịch Hiệp hội Báo chí thế giới

Ông Hoàng Nhật nói rằng báo chí ngày xưa đi sai hướng khi quá coi trọng đến các tin tức nóng, khiến cho nhiều người cảm thấy ngán, hình thành xu hướng né tránh tin tức. Gần đây, nhờ khảo sát qua các công cụ AI, nội dung tờ báo đã hướng tới những thứ giản dị, nhân văn hơn, phù hợp với sở thích người xem như công thức nấu các món ăn dành cho mùa hè, các loại thời trang phù hợp với mùa thu...

"Ngày nay giá trị của tin tức không tính bằng lượt view, lượt hit, mà tính bằng lượt tương tác của người xem, việc người xem thả biểu tượng cảm xúc", ông Nhật nói.

Ông Hoàng Nhật chia sẻ thêm rằng ông thường xuyên sử dụng trợ lý AI để hỗ trợ công việc tòa soạn hàng ngày.

vt_nguyen hoang nhat.jpg
Ông Nguyễn Hoàng Nhật chia sẻ về xu hướng sử dụng AI trong ngành báo chí

Đồng tình với nhận định trên, ông Trần Vũ Nguyên, đồng sáng lập công ty AI Education, đối tác của Google for Education tại Việt Nam, nói rằng trong thời đại 4.0, người xem cần đến các bản tin, các bài báo premium (cao cấp) - là những thông tin chưa có trên báo khác hoặc chưa có trên Internet.

Để có được những bài viết như vậy, nhà báo cần sử dụng năng lực của mình cộng với các công cụ AI tạo sinh để phân tích, tổng hợp dữ liệu, từ đó tạo ra các tác phẩm báo chí cao cấp.

"Khi thông tin được cung cấp ngày một nhiều, khắp mọi nơi từ báo chính thống đến mạng xã hội, nhu cầu người đọc luôn cần đến các thông tin chất lượng cao. Người đọc sẽ dần biết chọn lọc thông tin và hướng đến các nguồn tin có giá trị", ông Nguyên chia sẻ.

Trước câu hỏi rằng trong tương lai AI có thể thay thế hoàn toàn vai trò của nhà báo, ông Trần Vũ Nguyên cho rằng nhà báo ít có khả năng bị mất việc bởi AI. Nhà báo có thể phản ánh góc nhìn của xã hội, cũng như đưa ra các quan điểm, ý kiến đánh giá, trong khi AI không có khả năng này.

Ngoài ra, chỉ có nhà báo mới có những mối quan hệ, có khả năng kết nối các chuyên gia tốt nhất trong ngành để nói về các chủ đề mà độc giả quan tâm, xây dựng cộng đồng người đọc với những nhóm quan tâm khác nhau, tạo ra sự tiến bộ cho xã hội.

AI trong tương lai gần sẽ phát triển như thế nào?

Các chuyên gia đều đồng tình với nhận định rằng rất khó để dự đoán một công nghệ thay đổi rất nhanh như AI. Tuy nhiên, trong ngắn hạn 6 tháng đến 1 năm, theo ông Đặng Hải Lộc, AI có thể phát triển theo 3 xu hướng chính.

Thứ nhất, AI được tích hợp sâu rộng vào các thiết bị thông minh, chẳng hạn như ChatGPT sẽ được tích hợp trong smartphone. Nếu như hiện tại các chatbot AI là một ứng dụng mà người dùng có thể thích hoặc không thích dùng, thì tương lai gần nó sẽ có ở trong mọi thiết bị điện tử cá nhân. Chẳng hạn như Microsoft mới đây đã tuyên bố tích hợp Copilot vào các dòng máy tính chạy hệ điều hành Windows, hay Apple cũng sẽ đưa ChatGPT vào iPhone như tuyên bố tại sự kiện WWDC hôm 11/6.

Theo ông Đặng Hải Lộc, bên cạnh sự thay đổi của các thiết bị điện tử cá nhân, thì các phần mềm thông dụng như Word, Excel cũng sẽ thay đổi. Cũng nhờ AI, sẽ có một cuộc cách mạng về phần cứng, chẳng hạn như xuất hiện những robot có biểu cảm giống như người thật. Bên cạnh đó, AI cũng sẽ can thiệp sâu rộng vào cuộc sống con người. Dữ liệu của mỗi người sẽ bị thu thập dễ dàng hơn.

Nếu chúng ta cung cấp thông tin cho độc giả, chúng ta sẽ có độc giả. Nếu chúng ta giải quyết được nhu cầu của độc giả, chúng ta sẽ có độc giả trung thành.

Đại diện Google News Initiative

Thứ hai là sự xuất hiện của thế hệ chatbot GPT-5. Đây là một mẫu AI thế hệ mới, còn gọi là Trí tuệ nhân tạo tổng quát - AGI. Ông Sam Altman, CEO của hãng OpenAI từng nói rằng, nếu như GPT-4 được coi là chatbot thông minh nhất hiện nay, thì với sự xuất hiện của GPT-5, lúc đó GPT-4 sẽ trở thành "chatbot ngu ngốc nhất". GPT-5 có khả năng đọc hình ảnh, lắng nghe, cảm nhận cảm xúc.

Xu hướng thứ ba là công nghệ sinh hình ảnh và sinh video sẽ có những bước tiến mới. Theo ông Đặng Hải Lộc, nếu như hiện tại chúng ta cung cấp 1 bức ảnh và ứng dụng sẽ tạo ra 1 video ngắn có chuyển động từ bức ảnh đó, thì trong 1 năm tới công nghệ này sẽ hoàn thiện hơn nhiều. Nó sẽ giúp người dùng tạo được 1 video hoặc một bộ phim hoạt hình hấp dẫn.

"Trong 1 năm tới người dùng chỉ cần mô tả là có thể tạo ra một không gian 3D thay vì phải đo đạc và dựng 3D mất thời gian như hiện nay. Tương lai người dẫn chương trình có thể yêu cầu thay đổi không gian trường quay theo các chủ đề mong muốn", ông Lộc dự đoán.

Ông Đặng Phạm Thiên Duy cho rằng trong tương lai gần AI sẽ thông minh hơn, không bị "ảo giác" nhiều, sẽ tạo ra những nội dung chân thực hơn, giống người hơn. Ngoài ra, AI cũng sẽ có bộ nhớ tốt hơn để giảm thiểu tình trạng "đãng trí".

Trong một khảo sát mới đây của Hội Nhà báo Việt Nam về việc áp dụng bộ quy tắc sử dụng AI tại các cơ quan báo chí, kết quả cho thấy có 20 cơ quan báo chí nói rằng chưa áp dụng, 5 cơ quan báo chí chưa biết đến bộ quy tắc này, 5 cơ quan báo chí khác nói rằng đang tự xây dựng và áp dụng bộ quy tắc riêng, một số tòa báo nói rằng đang tham khảo các quy tắc của nước ngoài.