Ai đã phá hủy chiếc máy bay vận tải lớn nhất thế giới AN-225?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sau những tin đồn khác nhau về số phận của chiếc máy bay vận tải lớn nhất thế giới AN-225 Mriya mà Ukraine sở hữu, hôm nay (4/3) Đài truyền hình Nga Россия-1 (Russia-1) xác nhận nó đã bị đạn pháo phá hỏng nặng.
Phần đầu chiếc AN-225 bị phá nát (Ảnh trích video của Russia-1).
Phần đầu chiếc AN-225 bị phá nát (Ảnh trích video của Russia-1).

Theo The Paper, ngày 4/3, theo giờ địa phương, Đài truyền hình Nga Russia-1 đã phát phóng sự cảnh phóng viên đài này đến thăm sân bay Gostomel, cách thủ đô Kiev hơn 20 km. Theo nữ phóng viên của đài này, sau khi quân dù Nga chiếm được sân bay, quân đội Ukraine đã tiến hành một cuộc pháo kích quy mô lớn vào sân bay; đạn pháo đã bắn trúng nhà chứa chiếc máy bay lớn nhất thế giới - máy bay vận tải AN-225, khiến nó hư hỏng nặng. Kể từ lúc đó AN-225 đã không còn tồn tại trên thế giới nữa.

Về cáo buộc này của truyền thông Nga, phía Ukraine chưa có phản hồi.

Ngoài ra, hôm nay (4/3) trên mạng cũng xuất hiện một đoạn video được cho là phía Nga tung ra đưa lại thời điểm chiếc AN-225 trúng đạn pháo đang bốc cháy trong nhà chứa máy bay. Cùng lúc một số phương tiện quân sự trên sân bay cũng đang bị cháy vì đạn pháo.

Phóng sự hiện trường của Russia-1 cho thấy chiếc AN-225 đã bị hư hỏng nặng.

Trước đó, Tập đoàn Công nghiệp Quốc phòng Ukraine ngày 27/2 đã cho đăng tải trên mạng xã hội thông tin chiếc máy bay vận tải lớn nhất thế giới AN-225 đã bị quân đội Nga phá hủy tại sân bay Gostomel gần thành phố Kiev. Sau đó, các nguồn tin truyền thông Nga đã bác bỏ những tin đồn cho rằng cái gọi là bức ảnh quân đội Nga phá hủy chiếc AN-225 được lan truyền trên mạng là tin sai sự thật.

Antonov AN-225 Mriya được chế tạo từ thời Liên Xô nhưng đến nay vẫn là chiếc máy bay vận tải lớn nhất thế giới. AN-225 có trọng tải vận chuyển tối đa là 250 tấn.

Video lan truyền trên mạng về thời điểm chiếc AN-225 bị trúng đạn pháo.

Trong tiếng Ukraine, tên gọi Mriya của chiếc máy bay có nghĩa là "giấc mơ". AN-225 được thiết kế dựa trên một mẫu máy bay sẵn có là AN-124 Ruslan có 4 động cơ. So với AN-124, máy bay AN-225 được bổ sung thêm 2 động cơ. AN-225 được trang bị 6 động cơ phản lực cánh quạt với sải cánh gần bằng một chiều dài của một sân bóng đá, đem lại lực nâng cực lớn và được dùng vào vận tải những “mặt hàng đặc biệt” mà ít máy bay khác có thể thực hiện được. AN-225 đã từng được huy động vào vận chuyển vũ khí, khí tài như xe thiết giáp, máy bay trực thăng… và gần đây nhất là thiết bị bảo hộ cho công tác phòng chống dịch Covid-19.

Phóng viên Russia-1 tại sân bay Gostomel, phía sau là chiếc AN-225 bị hư hại nặng trong nhà chứa máy bay.

Phóng viên Russia-1 tại sân bay Gostomel, phía sau là chiếc AN-225 bị hư hại nặng trong nhà chứa máy bay.

AN-225 lần đầu cất cánh vào năm 1988, từng bị "đắp chiếu" suốt 7 năm trước khi được "hồi sinh" vào 2001. Mỗi giờ bay của AN-225 tốn hơn 20 tấn nhiên liệu, tương đương với 6.700 USD theo thời giá năm 2020.

Nhưng, ít ai biết AN-225 được ra đời với sứ mệnh chính là phục vụ chương trình thăm dò vũ trụ của Liên Xô: vận chuyển tàu con thoi Buran và tên lửa phóng của nó là Energiya từ cơ sở chế tạo gần Moscow đến Sân bay vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan, cách xa 1.300 dặm.

Tuy nhiên, khi AN-225 ra đời và thực hiện chuyến bay chính thức đầu tiên cõng tàu con thoi của mình vào cuối năm 1988 và sau khi thực hiện khoảng hơn chục lần bay thử nghiệm cõng tàu con thoi thì nhiệm vụ này của nó cũng chính thức đóng lại.

Sau khi cõng Buran đưa tới Triển lãm Hàng không Paris năm 1989, kể từ đó, AN-225 đã không còn đảm đương nhiệm vụ chính thức ban đầu của nó nữa. Đề xuất biến chiếc máy bay khổng lồ thành một khách sạn trên không có bể bơi và không gian cho 1.500 khách đã không bao giờ trở thành hiện thực và An-225 lừng danh ngậm ngùi lui vào nhà chứa máy bay và nằm đó gỉ sét trong suốt 7 năm cho đến khi được “đánh thức”.

Chiếc AN-225 cõng tàu con thoi Buran trên lưng (Ảnh: TASS).

Chiếc AN-225 cõng tàu con thoi Buran trên lưng (Ảnh: TASS).

Năm 2001, AN-225 được nâng cấp toàn diện với nhiều trang thiết bị hiện đại và đưa vào sử dụng trở lại. Cũng trong năm này, AN-225 đã lập 124 kỷ lục thế giới về năng lực chở, trần bay và lượng hàng hóa vận chuyển. Cụ thể, ngày 11/9/2001, AN-255 đã vận chuyển 5 chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực, mỗi chiếc nặng 50 tấn.

Mặt hàng nguyên khối nặng nhất AN-225 từng vận chuyển là một chiếc máy phát điện có trọng lượng 187 tấn được đưa từ Đức đến Armenia năm 2009. AN-225 cũng lập kỷ lục khác như chở 2 tuabin gió dài gần 42m mỗi chiếc từ Trung Quốc đến Đan Mạch. Đây là mặt hàng được vận chuyển bằng đường không dài nhất trong lịch sử vận tải. Ngoài ra, AN-225 cũng giành được kỷ lục Guinness thế giới khi Ukraine tổ chức một cuộc triển lãm nghệ thuật gồm 500 bức tranh của 120 họa sĩ ở trên độ cao hơn 10km.

Tháng 4/2020, AN-225 thiết lập thêm một kỷ lục nữa khi vận chuyển 100 tấn trang bị bảo hộ, thuốc và kít xét nghiệm Covid-19 từ Thiên Tân (Trung Quốc) đến Warsaw (Ba Lan). Trong suốt hơn hai tháng rưỡi trong giai đoạn đó, AN-225 đã thực hiện 10 chuyến bay phục vụ hoạt động chống Covid-19 đến các địa điểm khác nhau trên thế giới.

AN-225 trên bầu trời (Ảnh: Toutiao).

AN-225 trên bầu trời (Ảnh: Toutiao).

AN-225 rất ít khi bay do chi phí vận hành cao. Nó tiêu thụ hơn 20 tấn nhiên liệu cho mỗi giờ bay, tương đương 6.700 USD theo thời giá 2020. Do đó, nó chỉ được sử dụng đến đối với những đơn hàng vận chuyển có yêu cầu khắt khe nhất.

Năm 2019, chiếc máy bay vận tải chiến lược này thực hiện 20 chuyến bay. Năm 2020, AN-225 bay 10 chuyến và vào tháng 6/2021, nó bay trở lại sau 10 tháng ngừng bay, rất có thể là do Covid-19.

Mặc dù Hãng Antonov hiện có sẵn mọi trang bị cần thiết để sản xuất chiếc AN-225 thứ hai, nhưng nó chưa bao giờ được ra đời và Antonov cũng không có kế hoạch sớm sản xuất một chiếc máy bay như vậy. Trung Quốc đã từng đề nghị mua các trang bị và bộ phận từ Ukraine để họ chế tạo chiếc AN-225 thứ hai, nhưng việc vận chuyển những trang bị này ra nước ngoài hết sức phức tạp nên kế hoạch này cũng chưa bao giờ thành hiện thực. Trên thực tế, AN-225 là chiếc máy bay vận tải chiến lược lớn nhất và chỉ có duy nhất một chiếc trên thế giới. Điều này càng làm tăng thêm vẻ huyền bí của nó.

Theo Phó Giám đốc Hãng Antonov Vitaly Shost: “Chiếc máy bay này là niềm tự hào và nguồn hạnh phúc của chúng tôi. Nó là tấm danh thiếp, là bộ mặt của công ty Antonov và cả Ukraine…”

Hình ảnh phía Ukraine đưa ra hôm 27/2 cho rằng quân Nga đã phá hoại chiếc AN-225 (Ảnh: Sohu).

Hình ảnh phía Ukraine đưa ra hôm 27/2 cho rằng quân Nga đã phá hoại chiếc AN-225 (Ảnh: Sohu).

Antonov đã không ngừng nâng cấp chiếc AN-225 theo kịp các quy định và yêu cầu hàng không quốc tế để có thể phục vụ trong ngành vận tải hàng không ít nhất 25 năm nữa. Tuy nhiên, những diễn biến chiến sự gần đây ở Ukraine đã khiến điều này không bao giờ trở thành hiện thực được nữa. Hình ảnh vệ tinh của Maxar Technologies ngày 28/2 cho thấy một phần nhà chứa chiếc máy bay AN-225 ở sân bay Gostomel đã bị phá hủy. Đến ngày 4/3 thì đài truyền hình Nga Russia-1 chính thức xác nhận chiếc AN-225 độc nhất này đã bị hư hại nghiêm trọng và hiện còn chưa rõ bên nào, Nga hay Ukraine đã gây ra vụ việc này.

Hình ảnh còn lại của chiếc AN-225 (Ảnh: trích video Russia-1).

Hình ảnh còn lại của chiếc AN-225 (Ảnh: trích video Russia-1).

Một số thông số kỹ thuật của AN-225:

Phi hành đoàn: 6 người

Trọng tải: 250.000 kg

Kích thước cửa: 440 x 640 cm

Chiều dài: 84 m

Sải cánh: 88.40 m

Chiều cao: 18.1 m

Diện tích cánh: 905.0 m²

Trọng lượng rỗng: 175.000 kg

Trọng lượng cất cánh tối đa: 600.000 kg

Động cơ: 6 động cơ phản lực cánh quạt đẩy ZMKB Progress D-18, 229 kN (mỗi chiếc)

Độ dài đường băng cất cánh: 3.500 m

Vận tốc cực đại: 850 km/h

Tốc độ hành trình: 750 km/h

Tầm bay: Tối đa nhiên liệu: 14.000 km; Tối đa trọng tải: 4.000 km

Trần bay: 10.000 m

Vận tốc lên cao: (480m/phút)

Lực nâng của cánh: 662.9 kg/m²