Các nhà chức trách Đức có kế hoạch cung cấp cho Ukraine nhiều hơn nữa viện trợ vũ khí và trang thiết bị và đã quyết định cung cấp cho Ukraine 2.700 tên lửa phòng không di động 9K38 "Iagla". Những tên lửa do Liên Xô sản xuất này có từ thời Cộng hòa Dân chủ Đức và hiện đang được niêm cất bảo quản trong các kho đạn dược.
Một nguồn tin nói với tờ Süddeutsche Zeitung (Nam Đức) rằng Hội đồng An ninh Liên bang vẫn chưa thông qua hoạt động này, nhưng "tên lửa đã sẵn sàng được vận chuyển (tới Ukraine)."
Tên lửa phòng không di động 9K38 "Iagla" là một loại tên lửa phòng không tầm thấp kiểu vác vai đã qua cải tiến do Liên Xô sản xuất, được Bộ Quốc phòng Mỹ gọi là SA-18 và NATO đặt tên là “Grouse”. Loại tên lửa phòng không vác vai này đã được sản xuất từ thời CHDC Đức, nhưng sau khi hai nước Đức hợp nhất vào năm 1989, Đức đã cơ bản ngừng sản xuất chúng.
Báo Nam Đức ngày 3/3 đưa tin về vụ việc. |
Tuần trước, các nhà chức trách Đức đã thay đổi lập trường về vấn đề Ukraine, quyết định cung cấp cho Ukraine 1.000 tên lửa chống tăng và 500 tên lửa phòng không vác vai "Stinger" do Mỹ chế tạo, đồng thời chấp thuận cho Hà Lan và Estonia cung cấp cho Ukraine những vũ khí trang bị do Đức sản xuất hoặc sản xuất bằng công nghệ của Đức.
Tên lửa 9K38 Igla (hay SA-18 Grouse) được đưa vào biên chế Quân đội Liên Xô năm 1983. Điểm khác biệt lớn nhất so với các phiên bản khác là nó có thể đối phó hiệu quả các loại pháo sáng mồi bẫy và dây kim loại gây nhiễu, cũng như có các thiết bị cảm biến nhạy cảm hơn. Tầm bắn của đạn tên lửa này được tăng lên, lực xuyên mạnh hơn, tên lửa bắn nhanh có tốc độ tức thời cao hơn (phù hợp với tầm bắn), loại thuốc phóng mới có thể khiến đầu đạn lao vào mục tiêu trước khi phát nổ.
Các cuộc thử nghiệm của Phần Lan cho thấy so với tên lửa Mistral của Pháp, tên lửa SA-18 vẫn kém hơn về độ nhạy và tầm theo dõi, đầu đạn nhỏ hơn nhưng khả năng đối phó với việc đối phương gây nhiễu lại tốt hơn.
Binh sĩ Quân đội Đông Đức trước đây tập bắn tên lửa SA-18 Iagla (Ảnh: Sohu). |
Phiên bản 9K38 Igla của Hải quân được NATO đặt tên là SA-N-10 Grouse xuất hiện sau của 9K38 Igla, có thể gắn cố định vào tàu hoặc xuồng để làm nhiệm vụ phòng không.
Theo New York Times ngày 2/3, nhiều quốc gia NATO đang vận chuyển vũ khí viện trợ Ukraine: Hà Lan chuyển các bệ phóng tên lửa; Estonia vận chuyển tên lửa chống tăng Javelin; Ba Lan và người Latvia đang vận chuyển tên lửa đất đối không Stinger; Cộng hòa Séc đang chuyển súng máy, súng bắn tỉa, súng ngắn và đạn dược. Ngay cả những quốc gia trung lập trước đây như Thụy Điển và Phần Lan cũng đang vận chuyển vũ khí tới hỗ trợ Ukraine.
Đức, lâu nay vốn "dị ứng" về việc cung cấp vũ khí cho các khu vực xung đột, hiện nay đang vận chuyển tên lửa Stinger cũng như các loại tên lửa vác vai khác giúp Ukraine.
Theo The New York Times, hiện đã có tổng cộng khoảng 20 quốc gia (đại đa số, nhưng không phải tất cả các thành viên của NATO và Liên minh châu Âu) đang gửi vũ khí đến Ukraine để giúp đẩy lùi quân Nga và vũ trang cho một cuộc nổi dậy (nếu cuộc chiến diễn biến đến mức đó).
Báo The New York Times ngày 2/3 đưa tin các nước NATO viện trợ vũ khí cho Ukraine chống Nga (Ảnh: Toutiao). |
Dưới đây là chi tiết một phần bản tin của The New York Times:
Ngày 25/2, Nhà Trắng đã phê chuẩn viện trợ cho Ukraine gói vũ khí và trang bị trị giá 350 triệu USD, bao gồm tên lửa chống tăng Javelin và tên lửa đất đối không Stinger. Các quan chức Lầu Năm Góc cho biết trong vòng vài ngày, vật tư sẽ bắt đầu được chuyển từ các kho quân sự ở Đức tới Ba Lan và Romania, từ đó chúng được vận chuyển qua đường bộ tới Ukraine qua phía Tây Ukraine.
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đã cam kết viện trợ Ukraine hàng chục nghìn quả đạn pháo, tên lửa phòng không, súng cối hạng nhẹ, máy bay không người lái trinh sát và các loại vũ khí do thám khác.
Thụy Điển không phải là nước thành viên của NATO, nhưng nước này đã tuyên bố sẽ cung cấp 5.000 vũ khí chống tăng, 5.000 mũ bảo hiểm, 5.000 áo giáp chống đạn và 135.000 khẩu phần ăn dã chiến, cộng với khoảng 52 triệu USD tiền mặt cho quân đội Ukraine.
Tương tự, Phần Lan cho biết họ sẽ cung cấp cho nước này 2.500 súng trường tấn công và 150.000 viên đạn, 1.500 vũ khí chống tăng và 70.000 khẩu phần ăn dã chiến.
Theo Đài Pháp RFI, ngoài những quốc gia trên đây, một số nước khác cũng đã viện trợ quân sự cho Ukraine:
Pháp: Hôm thứ Bảy (27/2), Pháp đã quyết định gửi một lô vũ khí và nhiên liệu quốc phòng khác tới Ukraine.
Bỉ cung cấp 2.000 súng máy, 3.800 tấn nhiên liệu, thêm 3.000 súng tự động và 200 tên lửa chống tăng.
Hà Lan thông báo rằng họ đã gửi một lô hàng vũ khí "có độ chính xác cao" và mũ bảo hiểm tới Ukraine vào 27/2, và 200 tên lửa Stinger sẽ được cung cấp trong thời gian sớm nhất.
Cộng hòa Séc cam kết cung cấp 30.000 súng lục, 7.000 súng trường tấn công, 3.000 súng máy và hàng chục súng bắn tỉa, cũng như 1 triệu viên đạn, trị giá 7,6 triệu euro cho Ukraine. Vào cuối tháng 1, Praha đã thông qua việc tài trợ 4.000 quả đạn pháo trị giá 1,5 triệu euro cho Kiev, số đạn này vẫn chờ được chuyển giao.
Chính phủ Canada hôm Chủ nhật (28/2) đã thông báo về việc cung cấp các thiết bị quân sự bảo vệ, chẳng hạn như mũ bảo hiểm và áo chống đạn CHO Ukraine.
Đan Mạch hôm 28/2 thông báo sẽ cung cấp 2.700 vũ khí chống tăng và cho phép các tình nguyện viên gia nhập Binh đoàn Quốc tế phòng vệ chống Nga mà Ukraine đang thành lập.
Tên lửa phòng không tầm thấp Stinger do Mỹ chế tạo đang được các nước NATO ồ ạt viện trợ cho Ukraine (Ảnh: AP). |
Romania sẽ gửi "nhiên liệu, áo chống đạn, mũ bảo hiểm, đạn dược và các thiết bị quân sự khác với tổng chi phí 3 triệu euro". Mười một bệnh viện quân sự của Romania đã sẵn sàng tiếp nhận những người Ukraine bị thương.
Bồ Đào Nha sẽ cung cấp "áo khoác chống đạn, mũ bảo hiểm, kính nhìn đêm, lựu đạn, đạn dược các cỡ nòng khác nhau" và thậm chí cả "súng trường tự động G3".
Croatia sẽ cung cấp đồ bảo hộ và vũ khí hạng nhẹ trị giá 16 triệu euro.
Slovenia hứa cung cấp súng, đạn dược và mũ bảo hiểm.
Na Uy cho biết họ sẽ "kịp thời" cung cấp các thiết bị như mũ bảo hiểm và áo chống đạn.
Italy đã tuyên bố việc cung cấp thiết bị quân sự, nhưng hiện chưa công bố chi tiết.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, những khoản viện trợ khổng lồ này cho Ukraine có thể dẫn đến điều gì?