9 yếu tố phân biệt một nhà tiếp thị giỏi với một nhà tiếp thị "hạng xoàng"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes - Một nhà tiếp thị giỏi là người sáng tạo và có khả năng suy nghĩ vượt trội để đưa ra những ý tưởng độc đáo, hấp dẫn cho các chiến dịch tiếp thị, thu hút sự chú ý của đối tượng mục tiêu.

9 yếu tố phân biệt một nhà tiếp thị giỏi với một nhà tiếp thị "hạng xoàng"

Ông Dave Kaufman - Giám đốc tiếp thị toàn cầu về VR (thực tế ảo), MR (thực tế hỗn hợp) và Metaverse (vũ trụ số) tại Meta - đã nêu ra những đặc điểm phân biệt một nhà tiếp thị giỏi với một nhà tiếp thị "hạng xoàng". Những lập luận của ông được lấy từ bài viết nổi tiếng “Giám đốc sản phẩm tốt/Giám đốc sản phẩm tồi” của Ben Horowitz.

1. Sự khác biệt về chiến lược, tầm nhìn

Những nhà tiếp thị giỏi biết sự khác biệt giữa chiến lược, tầm nhìn, chiến thuật và sứ mệnh. Các nhà tiếp thị tồi sử dụng các thuật ngữ này thay thế cho nhau. Các nhà tiếp thị giỏi coi trọng việc giáo dục, học hỏi và trau dồi chuyên môn. Các nhà tiếp thị tồi coi lĩnh vực này chỉ đơn giản là đòi hỏi bản năng tốt.

2. Hiểu rõ quy tắc 4P

Các nhà tiếp thị giỏi hiểu rõ quy tắc 4P (Product, Price, Place, Promotion) và tập trung vào chẩn đoán, sau đó là chiến lược và thực hiện. Những nhà tiếp thị tồi tập trung vào chiến thuật quảng cáo trước tiên. Các nhà tiếp thị giỏi hiểu giá trị của việc định hướng thị trường, nghiên cứu, phân khúc, nhắm mục tiêu và định vị. Các nhà tiếp thị tồi đánh giá thấp tầm quan trọng của những tác vụ này, cho rằng chúng lỗi thời, không liên quan đến “thời đại kỹ thuật số”.

Các nhà tiếp thị giỏi hiểu được bối cảnh cạnh tranh, sự phức tạp của thị trường, công ty của họ, lợi thế cạnh tranh, điểm yếu và đối tượng khách hàng. Các nhà tiếp thị tồi nói về những khái niệm này bằng những lời sáo rỗng.

3. Sản phẩm là yếu tố quan trọng

Những nhà tiếp thị giỏi hiểu rằng “sản phẩm” yếu tố quan trọng và tham gia vào quá trình phát triển sản phẩm ngay từ những khâu đầu tiên. Những nhà tiếp thị tồi nghĩ rằng công việc của họ sẽ bắt đầu khi sản phẩm đã được phát triển. Những nhà tiếp thị giỏi được các nhà quản lý sản phẩm xem như một đối tác thiết yếu. Những nhà tiếp thị tồi sẽ không được các nhà quản lý sản phẩm nghĩ đến cho đến lúc phải thực hiện một quảng cáo.

4. Nắm trong tay dữ liệu và các công cụ phân tích

Các nhà tiếp thị giỏi biết làm chủ dữ liệu và thường xuyên làm việc với các con số. Những nhà tiếp thị tồi không thể cho bạn biết mục tiêu của họ. Các nhà tiếp thị giỏi thường xuyên sử dụng các công cụ phân tích dữ liệu và theo dõi thương hiệu. Các nhà tiếp thị tồi ăn mừng khi một chiến dịch mới khởi động và sau đó cho rằng mọi thứ sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch.

Các nhà tiếp thị giỏi được tin cậy trong toàn công ty và với các giám đốc điều hành. Những nhà tiếp thị tồi không kiếm được sự tin tưởng vì họ nói nhiều về Tháp nhu cầu của Maslow hơn là báo cáo lãi lỗ.

5. Sự sáng tạo

nha-tiep-thi-6354.jpg

Các nhà tiếp thị giỏi hiểu những gì cần thiết để viết một bản tóm tắt ý tưởng kinh doanh tuyệt vời. Những nhà tiếp thị tồi nghĩ rằng việc viết một bản tóm tắt cũng dễ như điền vào một biểu mẫu.

Những nhà tiếp thị giỏi được các nhà sáng tạo và đại lý tin tưởng vì họ hiểu sự khác biệt giữa vai trò của họ và vai trò của một giám đốc sáng tạo. Những nhà tiếp thị tồi tự coi mình là Don Draper - biểu tượng của nhà quảng cáo sáng tạo.

Các nhà tiếp thị giỏi hiểu giá trị của sự sáng tạo tuyệt vời và điều gì khiến nó mang lại doanh thu cho doanh nghiệp. Các nhà tiếp thị tồi coi sáng tạo như một lớp sơn bóng bẩy cuối cùng. Các nhà tiếp thị giỏi hiểu “thương hiệu” thực sự có nghĩa là gì và giá trị kinh doanh mà nó tạo ra. Các nhà tiếp thị tồi nghĩ rằng thương hiệu có nghĩa là lựa chọn phông chữ và thiết kế logo.

6. Đo lường hiệu quả tiếp thị

Các nhà tiếp thị giỏi hiểu được hiệu quả và đo lường trong tiếp thị. Những nhà tiếp thị tồi cho rằng bộ phận phân tích của doanh nghiệp sẽ làm việc đó. Các nhà tiếp thị giỏi nghĩ về sự gia tăng doanh thu, đo lường tác động lâu dài và kết hợp cả hai. Các nhà tiếp thị tồi chỉ có thể nói chuyện với các số liệu phù phiếm và tập trung vào phân bổ lần chạm cuối cùng. Các nhà tiếp thị giỏi tự đo lường sự thành công trên thị trường. Những nhà tiếp thị tồi đánh giá bản thân qua các bằng khen.

Các nhà tiếp thị giỏi hiểu cách thúc đẩy sự tương tác, giữ chân và giới thiệu khách hàng. Những nhà tiếp thị tồi nghĩ rằng công việc của họ kết thúc khi khách hàng bỏ tiền ra mua sản phẩm.

7. Chịu trách nhiệm

Các nhà tiếp thị giỏi chịu trách nhiệm về chiến dịch tiếp thị đem lại doanh thu ra sao mà không đưa ra lời bào chữa nào. Các nhà tiếp thị tồi đổ lỗi cho việc thiếu ngân sách,thiếu nhận sự hoặc một số nguyên nhân khách quan, chủ quan khác gây ra mọi trở ngại. Những nhà tiếp thị giỏi luôn thử thách mình trong những dự án khó. Những nhà tiếp thị tồi nhận công lao khi thành công và đổ lỗi cho người khác khi thất bại.

8. Tầm quan trọng của chia sẻ thông tin

Các nhà tiếp thị giỏi hiểu tầm quan trọng của dữ liệu, kết nối và chia sẻ thông tin. Các nhà tiếp thị tồi cho rằng thật phiền toái và mất thời gian khi ghi chép và chia sẻ thông tin. Các nhà tiếp thị giỏi liên tục cải tiến quy trình và xác định các công cụ và cơ sở hạ tầng có thể mở rộng. Các nhà tiếp thị tồi sử dụng đi sử dụng lại các bước thủ công giống nhau ngay cả khi chúng không đem lại hiệu quả cao.

9. Tôi không biết

Những nhà tiếp thị giỏi không ngại nói “Tôi không biết”. Họ sẵn sàng học hỏi từ những người khác. Họ là những người trực tiếp thách thức các giả định và suy nghĩ theo cách mới. Những nhà tiếp thị tồi thường rụt rè và che đậy sự thiếu hiểu biết, và thường dẫn đến các quyết định sai lầm.

Những nhà tiếp thị giỏi rất khó tìm. Những nhà tiếp thị tồi có hàng tá.