8 họa sĩ bị “đạo” tranh gửi văn bản đòi công lý

VietTimes – Đến hôm nay, đã có tới 8 họa sĩ phát hiện tranh mình bị xâm phạm. Các họa sĩ đồng lòng làm văn bản khiếu nại về vi phạm này. 
Đã có tới 8 họa sĩ phát hiện tác phẩm nghệ thuật bị xâm phạm bản quyền
Đã có tới 8 họa sĩ phát hiện tác phẩm nghệ thuật bị xâm phạm bản quyền

Không chỉ 5 họa sĩ bị vi phạm bản quyền

Sự việc khởi phát từ nhóm 5 họa sĩ tố cáo các đơn vị vi phạm bản quyền tranh nghệ thuật, có mục đích thương mại, in lên sản phẩm bán tràn lan ngoài thị trường. Tới hôm nay, số họa sĩ biết được tranh mình bị xâm phạm bản quyền đã lên tới 8 người: họa sĩ Nguyễn Quý Tâm (Huế), Bùi Trọng Dư (Hà Nội), Lâm Đức Mạnh (Hà Nội), Ngụy Đình Hà (Hà Nội), Nguyễn Thu Huyền (Hà Nội), Nguyễn Đăng Sơn (Huế), Lê Phan Quốc (Huế) và Phan Linh Bảo Hạnh (Bình Dương).

Giới họa sĩ đánh giá con số sẽ vẫn còn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới, vì nhiều họa sĩ đã vào cuộc rà soát lại các mẫu áo dài trên mạng để tìm kiếm xem có đơn vị nào xâm phạm bản quyền tranh của mình hay không.

Họa sĩ Phan Linh Bảo Hạnh trước khi phát hiện ra lần xâm phạm bản quyền này cũng đã từng bị một công ty start-up khác “đạo” tranh, khi họa sĩ liên lạc tới thì bên vi phạm đã xin lỗi và hứa không lặp lại sai phạm.

Tác phẩm nguyên gốc của họa sĩ Phan Linh Bảo Hạnh (Bình Dương) bị xâm phạm bản quyền đưa lên áo dài
Tác phẩm nguyên gốc của họa sĩ Phan Linh Bảo Hạnh (Bình Dương) bị xâm phạm bản quyền đưa lên áo dài

Họa sĩ Bùi Trọng Dư cũng từng bị vi phạm nhiều lần bức tranh sơn mài Ao sen. Họa sĩ Lâm Đức Mạnh, bị xâm phạm bản quyền bức tranh sơn dầu Đêm thu. Họa sĩ Ngụy Đình Hà, bị “copy” bức tranh sơn dầu Hai chị em. Họa sĩ Nguyễn Quý Tâm đau đớn phát hiện đứa con tinh thần của mình bị người khác nagng nhiên “copy”, “đạo” lại.

Các đơn vị bị phát hiện vi phạm bản quyền tranh của các họa sĩ gồm có: In vải kỹ thuật số Phan Trần (số 96 Hiền Vương, P. Phú Thạnh, Q. Tân Phú, TP.HCM), Áo dài Lotus – Lotus House (số 22 đường số 3, khu phố 2, phường An Lạc A, quận Bình Tân, TP.HCM), Áo dài Phương Mai và Công ty In vải Lan Anh.

Hoa sĩ Phạm An Hải ủng hộ các họa sĩ phản đối việc ngang nhiên xâm phạm bản quyền, in tranh nghệ thuật lên sản phẩm áo dài, bán thu lời; đặc biệt là khi chưa được sự đồng thuận của các họa sĩ. Còn họa sĩ Phạm Hà Hải mạnh mẽ khẳng định: “Hiển nhiên vi phạm như thế là có tội. Đây là vi phạm sở hữu trí tuệ, bản quyền tác giả, cần truy tố”.

Tranh gốc của họa sĩ Nguyễn Quý Tâm (Huế) bị xâm phạm bản quyền đưa lên áo dài
Tranh gốc của họa sĩ Nguyễn Quý Tâm (Huế) bị xâm phạm bản quyền đưa lên áo dài

Mạnh mẽ lên tiếng

Nhận định về vụ việc, luật sư Nguyễn Giang Nam (Đoàn Luật sư Hà Nội) đã vào cuộc sát cánh cùng nhóm họa sĩ soạn văn bản gửi tới các đơn vị vi phạm để đòi lại công lý. Luật sư Nguyên Giang Nam khẳng định: “Căn cứ theo các điều 158, 163 và 164 - Bộ Luật Dân sự (2015); căn cứ Điều 13, Điều 14, Điều 37 đến Điều 42 của Luật Sở hữu trí tuệ (2013) và Nghị định số 22/2018/NĐ-CP ngày 23/2/2018 của Chính phủ đã ban hành, thì các tác giả, tác phẩm luôn được bảo hộ quyền sở hữu. Các tác giả có tác phẩm bị xâm phạm bản quyền hoàn toàn có quyền yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm bản quyền tác giả và phải bồi thường thiệt hại (nếu có); đồng thời, phải công khai xin lỗi tác giả trên các phương tiện thông tin đại chúng về hành vi xâm phạm bản quyền”.

“Để tránh tình trạng bị xâm phạm quyền tác giả tác phẩm, các họa sĩ nên đăng ký bảo hộ quyền tác giả tác phẩm theo quy định của pháp luật”- Luật sư Nguyễn Giang Nam khuyến cáo.

Trong văn bản mới đây vừa được chuyển tới ông Trần Quốc Nhân – chủ sở hữu, đại diện pháp luật của Công ty Phan Trần, họa sĩ Bùi Trọng Dư viết: “Tôi là người sáng tác và vẽ các bức tranh sơn mài trong bộ sưu tập Ao Sen, Thiếu nữ và sen. Theo đó, các tác phẩm này đang được bảo hộ cho quyền tác giả tác phẩm căn cứ tại các Điều 158, Điều 163, Điều 164 của Bộ Luật Dân Sự. Theo quy định pháp luật, các bức tranh này của tôi đã được pháp luật bảo hộ quyền tác giả trên toàn lãnh thổ Việt Nam và thế giới. Hiện nay, tôi có đầy đủ chứng cứ chứng minh quý Công ty đang sử dụng các hình ảnh của các tác phầm để quảng cáo, giới thiệu, chào bán các sản phẩm tại website và trên facebook cũng như trong các catalogue chào bán các sản phẩm này”.

Họa sĩ Bùi Trọng Dư (Hà Nội) có tới 4 bức tranh nghệ thuật bị vi phạm bản quyền đưa lên rất nhiều mẫu áo dài
Họa sĩ Bùi Trọng Dư (Hà Nội) có tới 4 bức tranh nghệ thuật bị vi phạm bản quyền đưa lên rất nhiều mẫu áo dài 

Từ căn cứ và cơ sở pháp lý đã nêu, bằng văn bản, họa sĩ Bùi Trọng Dư yêu cầu công ty Phan Trần chấm dứt ngay lập tức và không điều kiện việc sử dụng hình ảnh trái phép, cam kết không tái phạm, xin lỗi bằng văn bản.

“Sau ngày 19/5/2019, nếu Công ty Phan Trần không thực hiện đầy đủ các yêu cầu của tôi, phía chúng tôi sẽ thực hiện những biện pháp pháp lý để xử lý hành vi xâm phạm bản quyền, trong đó có thể phải kiện ra tòa án có thẩm quyền” – Họa sĩ Bùi Trọng Dư cương quyết nhấn mạnh.

Được biết, ngoài văn bản gửi Công ty Phan Trần, nhóm các họa sĩ đang tiếp tục làm văn bản gửi các đơn vị còn lại, đòi công lý.