1. Ván trượt Hoverboard
Loại ván trượt tự cân bằng này còn được gọi với cái tên hoverboard, sử dụng trong nhiều video ca nhạc và được coi là “mốt” của các bạn trẻ. Một khi nhảy lên ván trượt, thiết bị sẽ sử dụng hai con quay hồi chuyển bằng điện (mỗi con ở dưới một bên miếng ván) để cân bằng tự động, cho phép người sử dụng tiến, lùi và quay vòng bằng cách nhấn chân và tạo nên nhiều chuyển động thú vị. Maxx Yellin, đồng sáng lập của PhunkeeDuck, một trong số hơn 20 công ty sản xuất các phiên bản của thiết bị này cho biết: “Đây có thể trở thành một phương tiện vận chuyển mới cho các thành phố hoặc các trường học”. Tuy nhiên, sản phẩm này hiện đang bị cấm ở rất nhiều nơi trên thế giới và giá bán thì cũng rất đắt đỏ, khoảng 350 – 1.700 USD tùy theo thương hiệu và tính năng.
2. Công viên dưới lòng đất
Dan Barasch, nhà phát triển ý tưởng công viên dưới lòng đất của công ty Lowline cho biết: “Nó không giống bất cứ công viên nào mà bạn đã từng nhìn thấy”. Từ một trạm tàu điện bỏ hoang của thành phố New York, Barasch và kiến trúc sư James Ramsey đã biến nó thành một không gian xanh, với đầy đủ thực vật, hoa, cỏ xanh, và một khu vực để nghỉ ngơi thư giãn dưới ánh nắng. Để làm được điều này công viên đã được trang bị một hệ thống đĩa “ánh sáng mặt trời” có thể thu ánh sáng mặt trời từ các mái nhà xung quanh và đổ xuống dưới lòng đất thông qua một hệ thống cáp quang. Hiện ý tưởng này cần khoảng 70 triệu USD để hoàn thiện. Hiện Barasch đã thu hút được 3.300 người hỗ trợ kinh phí cũng như những lời động viên để hoàn thiện dự án này.
3. Tai nghe sinh học
Nếu bạn mắc kẹt ở đâu đó với những tiếng ồn không thể chịu nổi, có lẽ bạn sẽ có hai lựa chọn: hoặc là bịt tai lại hoặc là bỏ đi. Nhưng nếu bạn có thể loại bỏ những tiếng ồn khó chịu và thậm chí tắt hoàn toàn, giảm âm lượng của chúng thì sao? Theo nhà sản xuất Doppler Labs có trụ sở tại New York, thiết bị Here Active Listening System là một đôi nút tai đặc biệt. Với chức năng khuếch đại âm thanh hoặc giảm tiếng ồn cùng lúc, vi xử lý của Here đồng bộ với một ứng dụng trên smartphone, vì thế người sử dụng có thể lựa chọn tần số mà mình muốn lọc. Điều này có nghĩa là bạn có thể đứng trên ga tàu và trò chuyện bình thường với mọi người mà không bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn xung quanh hoặc bạn có thể “vặn nhỏ” tiếng trẻ em khóc trên máy bay. Hiện thiết bị đã được bán thương mại tại một số nước và nhận được phản hòi khá tích cực của người dùng.
4. Kính thực tế tăng cường HoloLens
Năm 2014 có lẽ bạn đã được nghe thấy cái tên kính thực tế ảo Oculus Rift. Chỉ cần đeo những thiết bị này vào, bạn sẽ thấy mình đột nhiên bơi giữa đại dương đầy cá heo hay đang đứng giữa trận Waterloo. Thế nhưng kính thực tế tăng cường HoloLens của Microsoft lại khác. Theo nhà thiết kế Alex Kipman, sản phẩm này có khả năng đặt chồng những lớp hình ảnh ba chiều và dữ liệu vào chính môi trường xung quanh bạn, vì vậy bạn không cảm thấy mình bị “nhốt” trong thế giới ảo. Trên thực tế, kính HoloLens đã được trung tâm nghiên cứu vũ trụ NASA dùng để mô phỏng lại địa hình sao Hỏa trong phòng thí nghiệm; giúp các sinh viên y khoa mổ xẻ cơ thể người trong quá trình thực nghiệm
5. Xe tải trong suốt
Mỗi năm, hàng ngàn người bị thương hoặc chết vì những tai nạn giao thông, một phần trong đó xuất phát từ việc bị ảnh hưởng tầm nhìn do vật cản lớn, ví dụ như những chiếc xe tải cồng kềnh. Để khắc phục điều này, Samsung và công ty quảng cáo Leo Burnett đã hợp tác với nhau để đưa ra một giải pháp sáng tạo: Một hệ thống thu lại những video quay được qua một chiếc camera ở đầu xe và phát những video đó trực tiếp qua 4 màn hình lớn được lắp đặt ở đuôi xe, giúp tài xe quan sát rõ những chiếc xe hoặc địa hình nào ở phía trước họ. Trong suốt cuộc thử nghiệm đầu tiên, chiếc xe tải Safety Truck đã chạy một quãng đường dài 1.000 km trong suốt 3 ngày mà không gây ra bất cứ tai nạn nào. Samsung hiện đang điều chỉnh lại công nghệ này và hy vọng sẽ phổ biến rộng rãi tới các nước.
6. Máy “hút bụi” đại dương
Có hàng tấn rác thải nhựa trôi nổi giữa Thái Bình Dương và số lượng rác đó vẫn tăng lên mỗi ngày. Tuy nhiên, quy trình loại bỏ nó vẫn rất thủ công là dùng lưới để gom, vừa mất thời gian và tốn kém. Thế nhưng, một dự án có tên gọi Ocean Cleanup Project đã giải quyết được vấn đề này khi có thể vớt sạch rác trong vòng 100 km nhờ một loại hàng rào gỗ nổi có khả năng tận dụng dòng nước tự nhiên để thu gom rác. Loại “lưới” này được thả sâu 3 mét bên dưới mặt nước và đủ nông để các loại cá có thể bơi xung quanh. Chi phí cho món “đồ chơi” này là 15 triệu USD và nó đã được thử nghiệm tương đối thành công công. Dự án sẽ được hoàn thiện tới năm 2020 và sẽ giảm 42% lượng rác trong vòng 10 năm tới.
7. Kính thực tế ảo bằng bìa Google Cardboard
Hầu hết những gì liên quan đến thực tế ảo đều xoay quanh những thiết bị đắt tiền. Ví dụ, hai sản phẩm Oculus Rift và HTC Vive đều có mức giá lên tới vài trăm USD. Thế nhưng Google Cardboard lại là một cuộc cách mạng đưa thực tế ảo đến gần người dùng hơn nhờ mức giá phải chăng. Được giới thiệu chính thức vào năm 2014, loại kính này hoàn toàn được làm từ bìa các-tông. Chỉ cần sở hữu một chiếc smartphone và xem những hướng dẫn miễn phí trên mạng internet, chính bạn cũng có thể tự làm một chiếc kính cho mình. Có rất nhiều ứng dụng cho Cardboard cho phép bạn xái xe, xem hòa nhạc và thậm chí chơi cả những video game 3 chiều…
Theo Ictnews.vn