66% doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức

Theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, qua khảo sát PCI năm 2015 ghi nhận những cải thiện ở lĩnh vực như gia nhập thị trường, tính minh bạch, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và chi phí thời gian. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề nhức nhối như có đến 66% DN phải trả chi phí không chính thức...
66% doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức

Cải thiện nhiều mặt

Sáng 31.3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Viện trợ Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã tổ chức Lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2015 tại Hà Nội. Đây là lần thứ 11 liên tiếp VCCI công bố bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng về chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố tại Việt Nam.

Theo ông Ted Osius, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, bộ chỉ số đánh giá này đã giúp các địa phương đẩy mạnh khai thác môi trường kinh doanh, tích cực làm việc với cộng đồng doanh nghiệp, đối tác từ đó có những cải thiện và cách làm sáng tạo để nâng cao thứ tự xếp hạng.

Nhận xét về những cải thiện tích cực, TS Vũ Tiến Lộc cho biết, qua khảo sát PCI năm nay ghi nhận những cải thiện ở lĩnh vực như gia nhập thị trường, tính minh bạch, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và chi phí thời gian. Theo ông Lộc, trong vấn đề gia nhập thị trường, thời gian chờ đăng ký và cấp giấy đăng ký doanh nghiệp đã được rút ngắn ở mức kỷ lục trong vòng 11 năm điều tra PCI. Hiện nay, kể cả thời gian chuẩn bị hồ sơ và đi lại, một doanh nghiệp trung bình chỉ mất 8 ngày để có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay vì 10-12 ngày như trước.

Thời gian để chuẩn bị và hoàn tất sửa đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp cũng giảm mạnh từ 7 xuống 5 ngày. Lưu ý rằng con số này đo lường thời gian thực tế mà doanh nghiệp thực hiện chứ không phải thời gian thủ tục ghi nhận tại các phòng đăng ký kinh doanh.

Về tính minh bạch, ông Lộc cũng đánh giá khả năng tiếp cận các tài liệu kế hoạch cấp tỉnh như bản đồ quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng được cải thiện.

Đặc biệt, điểm số website trung bình của các địa phương tăng cao nhất trong 3 năm qua (30/54 điểm), khi website, cổng thông tin điện tử của chính quyền các tỉnh, thành phố dần trở thành kênh cung cấp thông tin hữu ích cho doanh nghiệp.

“Tỷ lệ doanh nghiệp truy cập vào cổng thông tin điện tử các tỉnh, thành phố tăng mạnh từ 64% (2014) lên 72%. Các hiệp hội doanh nghiệp địa phương cũng dần nâng cao được vai trò của mình trong công tác xây dựng và phản biện chính sách, với 43% số doanh nghiệp tham gia khảo sát đánh giá cao vai trò này của các hiệp hội”, TS Lộc cho biết.

Bên cạnh đó, về chi phí thời gian thực hiện các thủ tục hành chính cũng có những cải thiện đáng kể. Công tác cải cách hành chính với nhiều doanh nghiệp nhỏ ghi nhận thủ tục, giấy tờ đơn giản hơn (51%), doanh nghiệp không phải đi lại nhiều lần để lấy con dấu và chữ ký (61%), cán bộ nhà nước làm việc hiệu quả (67%) và thân thiện, nhiệt tình (59%).

Đặc biệt, các nỗ lực cải cách thủ tục hành chính của ngành thuế cũng được ghi nhận rõ nét. Hiện nay, thời gian thanh tra thuế đã giảm đáng kể từ 8 giờ xuống còn 4,5 giờ đối với trung bình một cuộc thanh tra, mức thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.

Cạnh tranh chưa bình đẳng

Ông Lộc cho rằng trong PCI 2015, môi trường đầu tư và sự cạnh tranh vẫn chưa bình đẳng và mong muốn 2 chỉ số này sẽ có sự thay đổi trong các cuộc điều tra PCI các năm sau. Bên cạnh đó, còn nhiều vấn đề nhức nhối chưa được cải thiện.

Chủ tịch VCCI dẫn ra, về chi phí không chính thức, tỉ lệ doanh nghiệp cho biết chi trả chi phí này tăng qua các năm, từ 50% (2013) lên tới 64,5% (2014) và 66% (2015). Hơn 11% doanh nghiệp tham gia điều tra năm nay cho biết các khoản chi cho riêng mục này chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của họ, tăng nhẹ so với 2014 (10%). Vẫn có 65% doanh nghiệp cho biết tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến.

Bên cạnh đó là tình trạng cạnh tranh chưa bình đẳng. Tại tỉnh trung vị trong khảo sát PCI 2015, 39% doanh nghiệp vẫn cho biết “tỉnh ưu ái cho các tổng công ty, tập đoàn của Nhà nước gây khó khăn cho doanh nghiệp”, tăng 4% (có ý nghĩa về mặt thống kê) so với năm 2014.

Đồng thời, gần 49% doanh nghiệp cho rằng “tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài hơn là phát triển khu vực tư nhân trong nước”, tăng 6% so với năm trước đó.

Theo ông Lộc, sự kiện này là tiếng trống thể hiện không khí gấp gáp, thúc giục các tỉnh, thành phố cần nhanh chóng cải cách, mau chóng đổi mới chất lượng điều hành, gấp rút cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp.

Theo Một thế giới