1. Hải Phòng: Ngừng tiếp nhận các công nhân từ tỉnh Hải Dương
Ngày 15/2, UBND TP. Hải Phòng ra thông báo số 61, trong đó nhấn mạnh: Đối với các công nhân làm việc tại các nhà máy tại Hải Phòng về các địa phương ăn tết, thành phố sẽ tạm dừng tiếp nhận các công nhân từ tỉnh Hải Dương.
Đối với các địa phương đang có ca dương tính ngoài cộng đồng, thành phố chỉ tiếp nhận công nhân khi có kết quả xét nghiệm âm tính lần 2 bằng phương pháp PCR.
Đối với các chốt kiểm soát tại các cửa ngõ thành phố, tăng cường công tác kiểm soát đối với các công dân từ các địa phương có dịch bệnh đến thành phố, đặc biệt các công dân đến từ tỉnh Hải Dương và Hà Nội. Trường hợp cần thiết vào thành phố thì bố trí vào cơ sở cách ly tập trung phải trả chi phí cách ly.
Tăng cường bố trí lực lượng kiểm soát chặt chẽ tại các đường mòn, lối mở trước các chốt kiểm soát ra vào thành phố, đặc biệt là khu vực tiếp giáp với tỉnh Hải Dương; xử phạt nghiêm khắc đối với các trường hợp vi phạm theo quy định.
2. Quảng Ninh: Yêu cầu người đang ở Hải Dương ở nguyên tại chỗ
Ngày 15/2, UBND tỉnh Quảng Ninh khuyến cáo người dân Quảng Ninh đang ở Hải Dương cần ở nguyên tại chỗ để thực hiện nghiêm các biện pháp giãn cách toàn xã hội tại đây.
Cụ thể, UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị những người hiện đang ở Hải Dương tiếp tục ở lại địa phương này để thực hiện giãn cách xã hội toàn tỉnh theo quy định, tạm thời không di chuyển về Quảng Ninh thời gian này. Đối với những người vẫn đi về Quảng Ninh sẽ phải cách ly y tế tập trung theo quy định.
Những người từ Hải Dương vào Quảng Ninh, những người đến từ tỉnh khác đi qua Hải Dương nhưng khai báo không trung thực khi bị phát hiện sẽ xử lý nghiêm.
UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đề nghị người dân tham gia giám sát, phát hiện kịp thời các trường hợp từ Hải Dương vào Quảng Ninh để báo cáo cơ quan chức năng có biện pháp xử lý kịp thời.
Ngay ngày 15/2, hai phụ nữ vi phạm nghiêm trọng về các quy định phòng dịch COVID-19 khi thuê thuyền vượt sông từ Hải Dương sang thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh chiều tối 15/2 đã bị lực lượng chức năng phát hiện và yêu cầu buộc cách ly tự trả tiền đối với 2 phụ nữ này.
Ngoài ra, Quảng Ninh cũng có văn bản đề ra các biện pháp:
Đối với người từ tỉnh ngoài vào Quảng Ninh: Tỉnh bố trí cơ sở cách ly tập trung theo hình thức tự trả phí đối với tất cả người đến Quảng Ninh từ toàn tỉnh Hải Dương và các ổ dịch tại các tỉnh, thành phố khác trong nước (là những khu vực có quyết định phong tỏa hoặc giãn cách xã hội)
Tại 12 chốt kiểm soát giáp các tỉnh, thành phố: Áp dụng toàn bộ khai báo y tế điện tử tại các chốt kiểm soát và với mọi người đi qua các chốt trên địa bàn toàn tỉnh.
Người qua lại các chốt kiểm soát phải xuất trình đủ chứng minh thư nhân dân, hoặc thẻ căn cước công dân hay giấy tờ tương đương kèm theo sổ hộ khẩu hoặc sổ đăng ký tạm trú (có thể sử dụng bản photo).
3. Bắc Giang: Tăng cường chốt chặn các đường mòn lối mở
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chiều 15/2 về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn đã cấp tốc tăng cường nhân lực, vật lực chốt chặn các khu vực giáp ranh với tỉnh Hải Dương. Trong đó, huyện Lục Nam là trọng điểm.
Trên tuyến quốc lộ 37 thuộc địa bàn thôn Bưởi, xã Đan Hội tiếp giáp với tỉnh Hải Dương, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện Lục Nam đã thiết lập một chốt kiểm soát dịch tại dốc Bưởi để cấm tất cả người và phương tiện lưu thông qua khu vực này.
4. Bắc Ninh: Lập danh sách người đi lại từ Hải Dương
Ngày 14/2, Sở Y tế - Cơ quan thường trực phòng, chống dịch tỉnh Bắc Ninh đã ra công văn khẩn gửi các Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, trước diễn biến phức tạp biến của COVID-19, đặc biệt là sự lây nhiễm bệnh trong đồng có liên quan đến huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh đã yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo triển khai rà soát, lập danh sách những trường hợp từng đến/về từ huyện Cẩm Giàng, tinh Hải Dương trong thời gian từ ngày 15.1.2021 đến nay thực hiện khai báo y tế, được lấy mẫu thử nghiệm SARS-CoV-2.
Kiểm soát danh sách gửi về Trung tâm y tế trên địa bàn để điều khiển dịch vụ, thực hiện lấy mẫu kiểm tra SARS-CoV-2 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
5. Thái Bình: Lập chốt quân sự kiểm soát người đi lại
Để chủ động kiểm soát, ngăn chặn, phòng, chống dịch COVID-19, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình chỉ đạo hoạt động trở lại 7 Tổ công tác liên ngành tại 7 khu vực cầu, cửa ngõ vào tỉnh Thái Bình, gồm: Cầu Tân Đệ, cầu Nghìn, cầu Hiệp, cầu Thái Hà, cầu Triều Dương, cầu La Tiến, cầu Sông Hóa để kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19.
6. Hưng Yên: Xét nghiệm tất cả những người về từ Cẩm Giàng
Ngày 14/2, Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành Công văn số 310/UBND-KGVX về việc tổ chức xét nghiệm đối với tất cả người từ huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) về Hưng Yên từ ngày 15/1.
Theo đó, Ủy ban nhân tỉnh chỉ đạo: Tất cả người từ huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) về các địa phương trong tỉnh từ ngày 15/1 chủ động đến và thông tin với trạm y tế nơi lưu trú hoặc trung tâm y tế cấp huyện để được khai báo y tế, lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện thông điệp 5K, các thông báo tìm người của Bộ Y tế và các địa phương liên quan trên cả nước để người dân biết, tự giác khai báo và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Rà soát, yêu cầu khai báo y tế và thực hiện ngay việc xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với tất cả đối tượng từ huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) về các địa phương trong tỉnh từ ngày 15/1, lấy mẫu xét nghiệm cả người sống cùng nhà các đối tượng trên; ngành y tế thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch trong bệnh viện, các cơ sở y tế; tổ chức điều tra dịch tễ, xét nghiệm SARS-CoV-2 tất cả các trường hợp có triệu chứng viêm phổi đến khám bệnh.
Xử phạt nghiêm các trường hợp không khai báo y tế, không đeo khẩu trang và vi phạm quy định phòng, chống dịch khác theo quy định.
Theo cập nhật của Hải Dương, đến 6h sáng 17/2, tổng số ca mắc trong toàn tỉnh Hải Dương là 539 ca ở 75 xã, phường, thị trấn, tại tất cả 12 huyện, thị xã, thành phố.
Hiện trên địa bàn có 5 ổ dịch lớn tại các địa phương gồm: Chí Linh, Cẩm Giàng, Kinh Môn, Nam Sách và TP Hải Dương. Ổ dịch tại Cẩm Giàng vẫn diễn biến phức tạp.
Ổ dịch Cẩm Giàng đã ghi nhận 66 ca mắc, trong đó 7 ngày đây phát sinh 52 ca. Tại ổ dịch này đã có 21 ca mắc liên quan đến Công ty TNHH Kuroda Kagaku Việt Nam, ngoài Cẩm Giàng còn liên đới các địa phương khác như TP Hải Dương (4 ca), Bình Giang (3 ca), Thanh Hà (3 ca), các huyện Kim Thành, Tứ Kỳ và Gia Lộc mỗi nơi 1 ca.
Toàn tỉnh đã có 3.928 F1 hoàn thành cách ly tập trung, 31.613 F2 hoàn thành cách ly tại nhà.