4,4 tỉ USD trái phiếu bất động sản đáo hạn trong năm 2023, doanh nghiệp nào trả nợ nhiều nhất?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo VNDirect, giá trị đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 ước đạt khoảng 272.853 tỉ đồng. Trong đó, trái phiếu bất động sản ở mức 102.570 tỉ đồng (tương đương 4,4 tỉ USD).

CTCP Chứng khoán VNDirect (VNDirect – Mã CK: VND) vừa công bố báo cáo về trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), trong đó cho thấy thị trường này khá trầm lắng trong năm 2022, với tổng giá trị phát hành giảm 64%, chỉ đạt 269.733 tỉ đồng.

Trong đó, trái phiếu phát hành riêng lẻ chiếm 97%, đạt 261.934 tỉ đồng; phát hành ra công chúng đạt 7.799 tỉ đồng.

Sang quý 1/2023, VNDirect ước tính tổng giá trị TPDN riêng lẻ đáo hạn sẽ giảm 40,3% so với quý 4/2022, ở mức 30.655 tỉ đồng. Tuy nhiên, áp lực đáo hạn sẽ tăng mạnh trong quý 2 và quý 3/2023 với giá trị lần lượt đạt 93.139 tỉ đồng (tăng 169% so với cùng kỳ) và 89.488 tỉ đồng (tăng 49,9% so với cùng kỳ).

Sau giai đoạn thách thức này, giá trị trái phiếu đáo hạn trong quý 4/2023 sẽ hạ nhiệt 33,4% so với quý trước, về mức 59.571 tỉ đồng (tăng 16% so với cùng kỳ).

VNDirect ước tính giá trị đáo hạn TPDN năm 2023 sẽ đạt khoảng 272.853 tỉ đồng, tăng 76,6% cùng kỳ. Tỷ lệ TPDN đáo hạn của ngành bất động sản (BĐS) và Tài chính – Ngân hàng lần lượt là 37,6% và 37%.

“Trong bối cảnh chính sách tiền tệ thắt chặt, chi phí tài chính gia tăng và thắt chặt phát hành trái phiếu, một số tổ chức phát hành có ít cơ hội tiếp cận nguồn vốn nhằm tái cơ cấu tài chính và đáp ứng nghĩa vụ nợ ngắn hạn. Rủi ro về khả năng thanh toán tập trung ở một số lĩnh vực có tỷ lệ đòn bẩy cao và hay biến động theo chu kỳ như lĩnh vực bất động sản”, nhóm phân tích nhận định.

Năm 2023, BĐS cũng là nhóm ngành có giá trị trái phiếu đáo hạn lớn nhất, với tổng giá trị trái phiếu riêng lẻ đáo hạn đạt 102.570 tỉ đồng, tăng 76% cùng kỳ.

Các doanh nghiệp BĐS có giá trị đáo hạn cao nhất trong 2023 bao gồm: CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) (14.476 tỉ đồng), CTCP Saigon Glory (7.000 tỉ đồng), và Công ty TNHH Phát triển Bất động sản An Khang (4.960 tỉ đồng).

Trong báo cáo phân tích mới phát hành, CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết, Novaland hiện đang chịu áp lực thanh toán nợ cao trong năm 2023 và đang thực hiện tái cấu trúc.

Tính đến cuối năm 2022, tổng nợ vay của Novaland đạt 64.576,7 tỉ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước, 39,5% trong đó sẽ đáo hạn trong năm 2023 với phần lớn là trái phiếu.

Nợ vay ròng/vốn chủ sở hữu của Novaland vào cuối năm 2022 đã tăng lên 123,9% so với 111% tại cuối quý 3/2022 và 103,1% tại cuối năm 2021 do giải ngân tiền thanh toán cho chủ nợ và trái chủ.

Trong quý 4/2022, công ty đã huy động được khoảng 4.000 tỉ đồng từ thị trường vốn và thu được khoảng 3.000 tỉ đồng dòng tiền từ việc bán hàng, thấp hơn so với kế hoạch được nêu trong cuộc họp nhà đầu tư quý 3/2022.

Đại diện Novaland cho biết, tập đoàn đang làm việc với các đơn vị tư vấn tài chính để tiến hành kế hoạch tái cơ cấu toàn diện bao gồm: đàm phán với chủ nợ và trái chủ để cơ cấu lại lịch trả nợ, tập trung phát triển các dự án trọng điểm, đồng thời cân nhắc khả năng thanh lý một số tài sản. Phía doanh nghiệp không công bố thêm thông tin chi tiết về quá trình tái cơ cấu./.