Chưa bao giờ báo chí gặp nhiều thách thức như thời điểm hiện tại
Chưa bao giờ báo chí gặp nhiều thách thức như thời điểm hiện tại

CUỘC CHIẾN TRANH GIÀNH NGƯỜI ĐỌC GIỮA BÁO CHÍ VÀ MẠNG XÃ HỘI

E-magazine 3 yếu tố nào sẽ giúp báo chí chính thống đánh bại mạng xã hội?

VietTimes – Một cuộc chiến không cân sức đang diễn ra giữa báo chí và mạng xã hội. Người đọc đang có xu hướng xa rời báo chí chính thống và tìm đọc tin tức trên mạng xã hội,  mặc dù mạng xã hội chứa nhiều tin tức không đúng sự thật. Làm thế nào để báo chí có thể kéo người đọc về phía mình?

Làm thế nào để báo chí chính thống có thể cạnh tranh với mạng xã hội là chủ đề của cuộc hội thảo do Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS), Câu lạc bộ Cafe Số (thuộc Hội Truyền thông Số Việt Nam) và Đại sứ quán Anh phối hợp tổ chức.

Có thể nói chưa bao giờ báo chí lại đứng trước nhiều thách thức như hiện nay. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và mạng xã hội đã khiến cho tin tức đến với người xem nhanh hơn. Báo giấy truyền thống với phương thức phân phối lỗi thời đã “đầu hàng” trước sức mạnh của mạng xã hội. Báo điện tử - hình thức mới của báo chí chính thống – cũng đang tỏ ra “hụt hơi” so với mạng xã hội.

(ảnh: Mạnh Hưng)
(ảnh: Mạnh Hưng)

Một điều nguy hiểm hiện nay là mỗi người dùng mạng xã hội đều có thể trở thành một người truyền tin, một nhà báo không chính thống. Chính vì vậy mà tin tức trên mạng xã hội như Facebook, Twitter có thể ào đến rất nhanh, nhưng cũng “thật giả khó lường”. Người xem không thể biết được đâu là tin thật, đâu là tin giả. Trên Facebook từng lan truyền những mẩu tin sai sự thực như thời tiết xấu đã khiến máy bay rơi ở Nội Bài (facebooker Phạm Thị Mùi), dàn siêu xe gắn biển xanh ở Cần Thơ (thực chất là xe mô hình), Việt kiều tranh cãi với nhân viên sân bay vì cho rằng hành lý của họ bị cắt khóa… Nhưng có một điều đáng buồn là người dùng mạng xã hội lại rất thích xem những tin tức giật gân, câu view như thế.

Một số tờ báo chính thống trước sức ép phải lôi kéo người xem cũng đã chạy theo những tin tức giật gân, câu view, những tin “cướp – giết – hiếp”. Phải chăng đó là cách thức để báo chí chính thống có thể bắt kịp với mạng xã hội?

3 yếu tố then chốt

Bàn về vấn đề này, ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT, TGĐ tập đoàn truyền thông Lê cho rằng báo chí chính thống thực sự đang thua mạng xã hội. Thống kê tại Việt Nam cho thấy nếu như năm 2010 doanh thu ngành quảng cáo chỉ là 26 triệu USD (trong đó doanh thu của Google, Facebook rất là nhỏ) thì đến năm 2018 doanh thu ngành quảng cáo đã là 550 triệu và phần lớn rơi vào túi Google, Facebook. Dự kiến trong những năm tới doanh thu quảng cáo sẽ tăng lên và những “đại gia” mạng xã hội sẽ tiếp tục được hưởng lợi.

Ở một góc độ khác, nếu như năm 2010, 81% doanh thu quảng cáo thuộc về các cơ quan báo chí và truyền hình, thì đến năm 2018 con số này chỉ còn là 30%. “Miếng bánh” doanh thu quảng cáo đã được chuyển sang cho Google, Facebook.

Người dùng ngày nay đa phần truy cập mạng xã hội để xem và chia sẻ thông tin. Dự báo đến năm 2021 sẽ có 3 tỷ người dùng mạng xã hội trên toàn cầu. Riêng ở Việt Nam hiện nay có 57,43% dân số sử dụng Facebook và 12,81% sử dụng YouTube.

Theo một nghiên cứu của viện PEW RESEARCH, 80% người Việt Nam cho rằng mạng xã hội đóng vai trò tích cực đối với xã hội, chỉ có 6% cho rằng đó là một mối nguy hại.  

ông Lê Quốc Vinh (ảnh: Mạnh Hưng)
ông Lê Quốc Vinh (ảnh: Mạnh Hưng)

Có thể thấy báo chí chính thống hiện nay bắt buộc phải “sống chung với lũ” – cơn lũ mạng xã hội. Vậy làm thế nào để báo chí có thể “quyến rũ” được người xem nhằm kéo họ khỏi “vòng tay” của mạng xã hội? Theo ông Lê Quốc Vinh, có 3 yếu tố then chốt, đó là:

Thứ nhất, báo chí phải trở thành kênh thông tin được người dùng chọn lựa. Để làm được điều này, thông tin đăng tải trên báo chí chính thống phải có chất lượng cao, có tính chân thực, xác tín, phản ánh đa chiều.

Thứ hai, phải tạo được cơ chế tác quyền cho thông tin sản xuất ra. Các thông tin do các đơn vị báo chí và truyền thông sản xuất phải được phân phối đến người xem theo những quy định về bản quyền.

Thứ ba, phải tạo được doanh thu cho báo chí chính thống từ người xem, để từ đó báo chí chính thống có thể tái đầu tư cho sản xuất các tin bài chất lượng.

Đối với yếu tố thứ nhất, nếu như ưu thế của mạng xã hội là tin tức đưa đến người xem cực nhanh, thì báo chí chính thống chấp nhận chậm lại một chút, nhưng phải cung cấp được thông tin có chất lượng, chuẩn xác hơn hẳn so với mạng xã hội. Theo một nghiên cứu được Tập đoàn truyền thông Lê thực hiện dựa trên khảo sát 5 nhóm Facebook (gồm CLB giám đốc Sale & Marketing; Làng PR, Marketing và Truyền thông; Quản trị và Khởi nghiệp; Elite PR School Alumi) thì 99% số người được hỏi nói rằng họ sẵn sàng đọc một tờ báo nếu tờ báo đó cam kết cung cấp thông tin xác tín, khách quan, công bằng, tôn trọng bản quyền.

Thực tế cho thấy báo chí thế giới cũng đang đi theo tiêu chí này. Tờ The New York Times của Mỹ đặt một câu slogan lên đầu trang là “The truth is worth it” (Sự thật là đáng giá). Còn tập đoàn truyền thông CNN thì khẳng định “Facts First” (Sự thật được đặt lên hàng đầu).

Đối với yếu tố thứ hai, các cơ quan báo chí thế giới hiện nay cũng rất coi trọng vấn đề bản quyền. Các nội dung gốc, tự sản xuất thường có giá trị cao. Sở dĩ mạng xã hội chiếm được rất nhiều người xem là do họ đã lấy lại rất nhiều tin tức từ các đơn vị báo chí để đưa lên nền tảng của mình (mà không xin phép cũng như không trả tiền bản quyền). Chính vì vậy, gần đây các nhà lập pháp của EU đã họp và đưa ra một điều luật (sẽ được bỏ phiếu thông qua vào thời gian tới) yêu cầu các mạng xã hội phải trả tiền bản quyền cho các nội dung mà họ lấy từ các nhà xuất bản, các đơn vị báo chí.

Với yếu tố thứ ba là doanh thu - đây là một “nguồn sống” để báo chí có thể tồn tại. Nói về vấn đề này, ông Lê Đức Sảo, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, Phó Tổng biên tập Tạp chí Điện tử VietTimes cho biết, một trong những thách thức của các đơn vị báo chí là phải hoạt động như một doanh nghiệp, phải tự chủ tài chính. Họ phải trăn trở với bài toán làm thế nào để có đủ kinh phí nhằm duy trì hoạt động cho tờ báo, đồng thời phải tạo ra các tác phẩm báo chí hay, hấp dẫn, nhanh và chính xác để thu hút bạn đọc. Không có nhiều tờ báo ở Việt Nam hiện nay hoạt động có lãi.


Cần phải “cởi trói” cho báo chí?

Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Chu, một facebooker có ảnh hưởng trên mạng xã hội nói rằng những người làm báo hiện nay phải giải quyết hai bài toán: đó là tồn tại trong kỷ nguyên mạng xã hội lên ngôi, và hoạt động dưới sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước.

Theo ông Chu, báo chí chính thống cần cung cấp thông tin đa chiều, kịp thời và chân thực. Không thể nào đi chệch ra khỏi 3 yếu tố đó. Nếu báo chí đi chệch hướng, chắc chắn họ sẽ thất bại.

Để báo chí có thể cạnh tranh sòng phẳng với mạng xã hội, ông Chu cho rằng các nhà quản lý cần phải “cởi trói” cho báo chí. Nhà nước có thể kiểm soát bài đăng nhưng phải để báo chí thể hiện quan điểm. Hơn nữa, không chỉ “cởi trói” về nội dung mà còn “cởi trói” về tài chính.

Tất nhiên, việc “cởi trói” cũng phải được tiến hành theo từng bước, từng giai đoạn. “Cởi trói” đến đâu cũng là một vấn đề, bởi nếu thả lỏng mà không có kiểm soát thì báo chí cũng sẽ trở thành một mạng xã hội với đầy rẫy những mặt trái, những phát ngôn khó kiểm soát.

Ông Chu còn mách nước rằng báo chí cần phải sử dụng mạng xã hội như một cánh tay, một công cụ để truyền thông cho mình. Thực tế thì hiện nay chúng ta không khó bắt gặp các tờ báo chính thống xây dựng thêm fanpage trên mạng xã hội để bài viết tiếp cận được nhiều người hơn.

ông Nguyễn Ngọc Chu (ảnh: Đ.K)
ông Nguyễn Ngọc Chu (ảnh: Đ.K)

Một số tờ báo hiện nay có xu hướng đưa nhiều tin giật gân, câu view. Theo ông Chu, những người lãnh đạo báo chí cần phải có định hướng, phải có kỹ thuật để thu hút người xem. Công nghệ cũng là một yếu tố quan trọng. Các tòa báo phải theo kịp với công nghệ của thế giới. Trong tương lai, việc viết báo có thể sẽ được thực hiện tự động bởi các robot làm báo thông qua trí tuệ nhân tạo.

Ông Phạm Đức Bảo, giảng viên Đại học luật Hà Nội cho rằng bên cạnh sự đổi mới của báo chí cho phù hợp với thời đại, những người làm công tác quản lý báo chí cũng cần phải đổi mới tư duy. Nếu không đổi mới tư duy thì sự đổi mới của báo chí sẽ không hiệu quả và chắc chắn sẽ thua mạng xã hội. Ông Bảo mong rằng những nhà lãnh đạo của Việt Nam có thể biết cách tận dụng lợi thế của mạng xã hội để đưa ra các thông điệp, giống như cách các nhà lãnh đạo thế giới đang làm.

Sự thay đổi tư duy, theo ông Bảo, phải được mở ra bằng luật pháp. Phải có sự “cởi trói” về luật pháp thì báo chí mới có cơ hội cạnh tranh được với mạng xã hội. Trên thực tế có nhiều vụ án báo chí không được phép tiếp cận, trong khi trên mạng xã hội người ta tung những tin đồn thất thiệt về vụ án đó khiến người xem hiểu lầm về sự điều hành của nhà nước.

Siết chặt Facebook, Google để báo chí truyền thống “dễ thở” hơn?

Một nhà báo có tiếng trong lĩnh vực kinh tế đã đưa ra một giả thiết khá thú vị là các nhà quản lý có thể xiết chặt hoạt động của Google, Facebook để báo chí chính thống “dễ thở” hơn.

Về vấn đề này, ông Lê Quốc Vinh cho rằng việc bóp chặt Google, Facebook là không khả thi trừ phi Việt Nam có mạng xã hội riêng đủ mạnh như Trung Quốc đã làm với các mạng xã hội Weibo, Wechat. Trong tương lai gần, ông Vinh chưa thấy Việt Nam có triển vọng xây dựng được một mạng xã hội như vậy. Báo chí bắt buộc phải tồn tại và chấp nhận sự cạnh tranh từ Facebook, Google và các mạng xã hội khác. Khi miếng bánh dành cho báo chí chính thống càng nhỏ thì việc các tòa báo phải làm là khai thác nguồn thu từ người đọc. Cái đó chỉ làm được khi lượng thông tin báo chí mang giá trị cao và người đọc sẵn sàng trả tiền để được truy cập bài viết đầy đủ.

Ngoài ra, báo chí cần hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp để khai thác và tạo ra thông tin. Tờ New York Times là một ví dụ điển hình của hiệu quả hoạt động giữa báo chí và doanh nghiệp. Họ đã đưa vào các nội dung báo chí phục vụ cho các thương hiệu, đem lại nguồn thu mà mạng xã hội không mang lại được. Tạo ra nội dung hữu ích nhưng phải đúng, phải thật, trên cơ sở hợp tác giữa hai bên và không dựa trên nền tảng Facebook, Google là giải pháp khả thi đối với các tòa báo vào thời điểm hiện tại.

Cơ quan quản lý nói gì?

Ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Danh dự của Hội Truyền thông Số Việt Nam cho rằng không nên coi sự xuất hiện của mạng xã hội là một thách thức với báo chí chính thống. Trái lại, phải coi đây là một cơ hội. Nếu coi là một thách thức thì luôn phải đối phó. Báo chí cần phải hòa nhập, cạnh tranh nhưng vẫn phải giữ thế chủ đạo.

Nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp, Chủ tịch Danh dự Hội Truyền thông Số Việt Nam (ảnh: Đ.K)
Nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp, Chủ tịch Danh dự Hội Truyền thông Số Việt Nam (ảnh: Đ.K)

Cựu Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cũng cho rằng báo chí cần phải định hướng xã hội thông qua các bài bình luận. Cần có những bài phản bác thuyết phục hơn, lập luận có tình có lý. Định hướng tốt thì dư luận sẽ tốt. Quan trọng nhất là báo chí phải trung thực và hướng thiện. Đưa tin bài gì cũng trung thực và sau đó hướng người xem làm việc thiện.

Khi báo chí đã tạo dựng được uy tín thì sẽ lôi kéo được người đọc và sẽ tăng doanh thu. Trong nghiên cứu của Tập đoàn truyền thông Lê đã đề cập ở phần trên, 81% phần trăm số người được hỏi nói rằng họ sẽ chọn đọc những tờ báo có số lượng độc giả lớn.

Ông Lê Doãn Hợp cho rằng, báo chí là công cụ tuyên truyền của Đảng, do đó Đảng và Nhà nước phải có sự kích cầu và bao cấp cho hoạt động báo chí. Khi còn đương nhiệm, ông Lê Doãn Hợp đã từng đề cập với một số lãnh đạo chính phủ việc bao cấp báo chí và một số ngành nghệ thuật thông qua việc thành lập một Quỹ xuất bản. Nhà nước phải coi các nhà báo là các công chức truyền thông. Nhiều nhà báo và người làm nghệ thuật có tác phẩm hay nhưng do hạn chế về tài chính mà đã không được phổ biến rộng rãi, trong khi những thông tin xấu độc thì lại tràn lan.

Về vấn đề quản lý báo chí, ông Lê Doãn Hợp kể lại câu chuyện khi đi thăm nước Úc. Bộ trưởng của Úc chia sẻ với ông rằng họ không có cơ quan quản lý báo chí. Việc quản lý trên thực tế nằm ở người dân. Báo nào viết hay, viết tốt thì người dân mua. Báo nào viết sai thì người dân kiện. Việt Nam có thể học tập một phần mô hình báo chí của nước Úc.

Ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam nói rằng bên cạnh việc quản lý của nhà nước, những người viết báo cần tuân thủ đạo đức báo chí. Hội nhà báo trước đây đã ban hành 5 quy định về đạo đức nghề nghiệp, gần đây đã mở rộng thành 4 điều nên làm, 8 điều không nên làm. Các quy tắc này đã góp phần ngăn chặn và răn đe những việc làm không đúng của các nhà báo.  

Báo chí không thắng được mạng xã hội về tốc độ đưa tin, nhưng vượt trội về tính trách nhiệm, chuẩn mực của nhà báo và tính chính xác của tin tức”, ông Hồ Quang Lợi kết luận.