Mô hình kinh doanh cũ chủ yếu dựa vào doanh thu quảng cáo và doanh thu lưu hành (mảng doanh thu thu được từ số lượng người đăng ký trả phí của các tạp chí và tờ báo) trong khi các quảng cáo kỹ thuật số mới hơn đã bị các “gã khồng lồ” công nghệ như Facebook và Google "nuốt chửng". Điều này đặt các nhà xuất bản tin tức nhỏ rơi vào tình thế khó khăn nhưng cũng tạo thêm động lực để họ tìm ra những con đường mới để phục vụ cộng đồng, đồng thời đa dạng hóa các luồng doanh thu.
Dưới đây là 3 mô hình kinh doanh mới cho báo chí đang được một số tổ chức tin tức trên thế giới áp dụng. Mặc dù rất khó để dự đoán mô hình nào sẽ đạt hiệu quả tối ưu nhất nhưng chúng ta có thể tham khảo và theo dõi các mô hình tiên phong này để tìm ra lối đi phù hợp nhất.
Ảnh: Lenfest Institute |
1. Mô hình hợp tác
Nhiều tổ chức tin tức đã thảo luận về việc hợp tác chặt chẽ với cộng đồng của mình, lắng nghe những điều họ muốn, tương tác trên mạng xã hội và tại các sự kiện trực tiếp. Một số tổ chức đã đưa ý tưởng đó đi xa hơn, cho phép các thành viên trong cộng đồng mua cổ phần trong các tòa soạn.
Năm 2018, tờ Berkeleyside (California, Hoa Kỳ) đã thực hiện thành công “đợt phát hành cổ phiếu trực tiếp ra công chúng (DPO)”, thu về 1 triệu USD từ 355 nhà đầu tư, trong đó có nhà báo nổi tiếng Michael Pollan - tác giả của tựa sách “Tối nay ăn gì nào?”.
Một số tổ chức xuất bản thậm chí còn cộng tác với chính độc giả, biến khán giả trở thành chủ sở hữu một phần và có tiếng nói trực tiếp trong các quyết định kinh doanh. Công ty truyền thông Anh Bristol Cable đã được vận hành như một tổ chức hợp tác tin tức từ năm 2014. Bristol Cable hiện có hơn 2.000 thành viên, mỗi người sẵn sàng trả 3 bảng Anh/tháng để có được một lá phiếu cho các quyết định quan trọng của tổ chức xuất bản. Các độc giả cũng đóng góp khả năng và thời gian của mình để giúp đỡ ấn phẩm.
Một ví dụ mới hơn cho mô hình hợp tác là The Devil Strip ở Akron, Ohio, Hoa Kỳ. Nhà xuất bản địa phương này cho phép mọi người đóng góp ít nhất 1 USD/tháng để được tham gia vào tổ chức. Khi họ đóng góp được 330 USD, họ sẽ trở thành “cổ đông trọn đời”. Những cổ đông này có tiếng nói trong việc quyết định những câu chuyện nào sẽ được The Devil Strip xuất bản, cũng như các quyết định kinh doanh khác. Các cổ đông này cũng có thể ứng cử vào hội đồng quản trị của tổ chức.
Ảnh: Making It Up |
Bên cạnh đó, còn có một ý tưởng khác về sự hợp tác với nhiều bên liên quan - cả độc giả và nhân viên tòa soạn đều có thể trở thành chủ sở hữu. Tờ The Mendocino Voice ở Bắc California sẽ được tái hợp nhất trong vòng 6 tháng tới, là sự kết hợp giữa độc giả và nhân viên, với độc giả là người trả phí hàng tháng và tất cả các nhân viên cũng sẽ trở thành thành viên. Mô hình hợp tác sẽ cho phép các thành viên có quyền sở hữu hợp pháp đối với tờ báo, các thành viên sẽ bầu ra một hội đồng nhằm giám sát việc tuyển dụng và ngân quỹ mặc dù ban biên tập sẽ vẫn duy trì quyền kiểnm soát tòa soạn hàng ngày.
“Ưu điểm của mô hình hợp tác là cách nó cho phép chúng tôi làm việc với chính độc giả của mình để phục vụ họ tốt hơn và tạo ra một sự phân loại tin tức hợp lý và nhanh chóng hơn” - Adrian Fernandez Baumann, Tổng biên tập của Mendocino Voice cho biết.
“Mô hình của chúng tôi tập trung vào ý tưởng coi tin tức như một tiện ích cộng đồng - đặc biệt trong bối cảnh tiếp cận tin tức khó khăn ở khu vực của chúng tôi, nơi mọi người dựa vào các tin tức địa phương để nắm bắt các trường hợp khẩn cấp như cháy rừng,… Chúng tôi cũng muốn kết hợp quan điểm của các thành viên trong cộng đồng để đáp ứng nhu cầu của họ” - ông Adrian nói thêm.
2. Mô hình phi lợi nhuận
Ảnh: Nonprofit Law Blog |
Liệu các tổ chức tin tức địa phương có thể được biết đến như một sản phẩm, dịch vụ công? Một số nhà sản xuất tin tức địa phương đang chuyển đổi từ mô hình vì lợi nhuận sang phi lợi nhuận. Chỉ trong năm 2020, một số tờ báo như Salt Lake Tribune, Berkeleyside và Chicago Reader đã thông báo ý định trở thành tổ chức phi lợi nhuận.
Tại sao họ lại chuyển sang hình thức phi lợi nhuận? Liệu có phải do vấn đề họ kiếm được ít tiền hơn? Không hẳn là như vậy. “Đó là một tình trạng thuế” - Matt DiRienzo, cựu Tổng biên tập của LION Publishers nói với MediaShift.
Tại Mỹ, các tổ chức phi lợi nhuận không phải trả thuế đối với thu nhập của mình, nhưng các hoạt động của tổ chức phải ưu tiên phục vụ lợi ích cộng đồng hơn là lợi ích của chủ sở hữu và các cổ đông và họ cũng không thể “tham gia bất kỳ các hoạt động tranh cử nào hoặc chống lại các ứng cử viên chính trị” - theo Sở Thuế vụ Hoa Kỳ (IRS).
Tuy nhiên, tổ chức phi lợi nhuận vẫn phải có doanh thu để chi trả cho mọi người và duy trì hoạt động. Điều này sẽ dễ dàng hơn khi các khoản thu được giảm hoặc miễn thuế và có thêm các khoản quỹ từ hoạt động quyên góp khác. Dù vậy, các tổ chức phi lợi nhuận cũng phải thành lập một hội đồng quản trị để giám sát các thành viên, phê duyệt ngân sách và thuê người quản lý. Trong trường hợp của Salt Lake Tribune, chủ sở hữu của tờ báo này đã phải từ bỏ quyền kiểm soát để nó trở thành một tổ chức phi lợi nhuận.
“Tôi hy vọng rằng sẽ có nhiều tòa soạn chuyển sang hình thức tổ chức phi lợi nhuận. Các cộng đồng cần được tiếp cận với các thông tin có nguồn gốc tin cậy và chính xác. Do đó, tôi cho rằng sẽ tốt hơn nếu báo chí trở thành một dịch vụ công” - Debbie Blankenship, Ggiám đốc Trung Tâm Báo chí Cộng tác tại Đại học Mercer cho biết.
3. Sự hỗ trợ từ chính phủ
Ảnh: Irish Times |
Trong một thời gian dài, chính phủ Mỹ đã hỗ trợ các tổ chức tin tức địa phương thông qua Tập đoàn Phát thanh Công cộng, chủ yếu hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho các đài truyền thông công cộng, mặc dù nguồn tài trợ này đã bị Quốc hội Mỹ đe dọa cắt giảm nhiều lần trong những năm gần đây. Sự hỗ trợ của chính phủ Mỹ “khiêm tốn” hơn so với các quốc gia như Anh, Đức và các quốc gia châu Âu khác.
Đã có một số ý kiến khác về sự hỗ trợ của chính phủ đối với các tổ chức tin tức địa phương. Tại New York, Thị trưởng Bill de Blasio đã ban hành một lệnh hành pháp yêu cầu các cơ quan của thành phố chi ít nhất một nửa ngân sách quảng cáo cho các phương tiện truyền thông công. Điều này sẽ tạo thêm một khoản hỗ trợ cho các tổ chức tin tức nhỏ hơn ở New York.
Tinh thần hợp tác và sẵn sàng đổi mới là điều cần thiết để các nhà xuất bản tin tức tìm ra con đường đúng đắn trong buổi giao thời với nhiều biến đổi. Một điểm chung của các mô hình kinh doanh trên là nó có sự gắn kết chặt chẽ hơn với cộng đồng - những người đóng vai trò vừa là độc giả vừa là người đóng góp, thành viên, nhà tài trợ thậm chí là chủ sở hữu.
Theo Knight Foundation