3 dự án nhiệt điện tỷ đô của PVN “lỡ hẹn”: Vì đâu?

VietTimes — Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) được giao làm chủ đầu tư 8 dự án trọng điểm nguồn điện với tổng công suất 11.400 MW. Trong đó, đặc biệt là 3 nhà máy nhiệt điện có tổng công suất 3.600 MW (mỗi nhà máy là 1.200 MW), gồm Thái Bình II, Long Phú I, Sông Hậu I đều đã chậm tiến độ 2-3 năm và hiện cũng đang gặp rất nhiều khó khăn.
Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 (Ảnh: Internet)
Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 (Ảnh: Internet)

Thái Bình II: Nguy cơ thiếu hụt nguồn vốn

Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 ban đầu có tổng mức đầu tư là 31.000 tỷ đồng. Sau 2 lần điều chỉnh, tổng vốn đầu tư của dự án được nâng lên mức 41.799 tỷ đồng. 

Không chỉ "đội vốn" gần 11.000 tỷ đồng, dự án còn bị rơi vào tình trạng chậm tiến độ. Được khởi công vào tháng 10/2011 và dự kiến hoàn thành vào Quý 4/2016, thế nhưng đến nay tiến độ tổng thể của nhiệt điện Thái Bình 2 mới chỉ đạt 84,14%.

Trong đó, thiết kế đạt 99,57%; ký các Hợp đồng mua sắm đạt khoảng 95%; gia công, chế tạo và vận chuyển đạt 93,79%; thi công đạt 81,98%, chạy thử đạt 3,51%.

Hầu hết các hạng mục xây dựng chính của dự án đều đã hoàn thành cơ bản và đang vào giai đoạn hoàn thiện. Tuy nhiên, một số thiết bị phụ vẫn chưa hoàn thành lắp đặt dẫn đến việc chạy thử bị chậm.

Nguyên nhân dự án bị chậm tiến độ nhiều năm nay là do Tổng thầu EPC là Tổng công ty xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), trong quá trình triển khai dự án có một số sai phạm đã và đang được các cơ quan chức năng xem xét, xử lý. Trong đó, số tiền tạm ứng khoảng 1.115 tỷ đồng đã được PVC sử dụng sai mục đích, dẫn đến nhiều hệ lụy cả về chi phí, tiến độ, pháp lý, ảnh hưởng đến nguồn lực trong triển khai dự án. 

Bên cạnh đó, theo PVN, hơn 327/937 triệu USD nguồn vốn vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh cho dự án vẫn chưa được tiếp tục giải ngân.

Ngày 23/7/2019 vừa qua, chia sẻ tại cuộc họp về dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch PVN - cho biết "tài chính là điểm nghẽn lớn nhất" và nếu không có tiền, thì dự án "sẽ bị đóng cửa trong vài tháng tới". 

"Chúng tôi chịu trách nhiệm trước Bộ Công thương về mặt kỹ thuật, chịu trách nhiệm trước Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước về nguồn vốn sử dụng. Nhưng hãy cho chúng tôi cơ hội để làm" - ông Thanh chia sẻ thẳng thắn và đề xuất cho phép PVN sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu để giải ngân cho dự án. Tuy nhiên, kiến nghị này của PVN vẫn đang được Chính phủ xem xét, đánh giá kỹ lưỡng. 

Long Phú I: Tổng thầu bị Mỹ cấm vận

Trong 3 nhà máy nhiệt điện than PVN đang đầu tư, Dự án nhiệt điện Long Phú I được đánh giá khó khăn hơn cả. Tổng vốn đầu tư của dự án này là hơn 29.500 tỷ đồng, tiến độ cam kết ban đầu hoàn thành Tổ máy 1 vào 30/10/2018 và Tổ máy 2 vào tháng 2/2019.

Song đến nay, khối lượng hoàn thành công việc ước tính đạt khoảng 77,56% so với kế hoạch. Nguyên nhân chính dẫn đến việc chậm tiến độ xuất phát từ phía Nhà thầu Power Machines - Nga (Power Machines) và việc Chính phủ Mỹ áp đặt lệnh cấm vận trực tiểp đối với Power Machines từ ngày 26/1/2018.

Từ thời điểm Power Machines bị cấm vận bởi Chính phủ Mỹ (26/01/2018), công tác mua sắm hàng hóa, thiết bị nhập khẩu và thu xếp vốn cho dự án thuộc phạm vi công việc của nhà thầu này bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gần như không đạt được tiến triển cụ thể.

Điều này dẫn đến khối lượng công việc hoàn thành của Liên danh Tổng thầu Power Machines – Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) chi tăng thêm khoảng 7%, chủ yếu là tiếp tục triến khai các công việc liên quan đến xây dựng, lắp đặt cho các phần việc không bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm vận.

Ngày 28/01/2019, Power Machines có văn bản chính thức thông báo về việc chấm dứt thực hiện Hợp đồng EPC dự án NMNĐ Long Phú I do ảnh hưởng của lệnh cấm vận và Power Machines đã chính thức dừng các hoạt động tại công trường kể từ ngày 15/3/2019.

Phối cảnh dự án Nhà máy nhiệt điện Long Phú I (Ảnh: Internet)
Phối cảnh dự án Nhà máy nhiệt điện Long Phú I (Ảnh: Internet)

Việc Power Machines dừng và không tham gia vào công tác triển khai dự án trong khoảng thời gian dài nêu trên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác tiếp tục thực hiện các hạng mục công việc khác mà không bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm vận của dự án.

Trong đó, quan trọng nhất là việc tiếp tục cung cấp vật tư/thiết bị và giảm sát, nghiệm thu lắp đặt các Lò hơi, các Máy biến áp (do TKZ, PMTT là các đơn vị thành viên của Power Machines cung cấp) và Hệ thống lọc bụi tĩnh điện, ống khói của nhà máy, dẫn đến PTSC - nhà thầu phụ LILAMA không thế tiến hành bảo quản, bảo dưỡng vật tư, thiết bị, tiềm ẩn nguy cơ bị hỏng hóc, ăn mòn và có thể phải thay thế mới.

Sông Hậu I: Vướng mắc tại hợp đồng EPC

Dự án nhiệt điện Sông Hậu 1 cũng là một trong dự án "tỷ đô" của PVN với tổng mức đầu tư hơn 43.000 tỷ đồng. Đến nay, tiến độ tổng thể của dự án này đạt khoảng 73%. Trong đó công tác thiết kế đạt 98%, công tác mua sắm đạt 94,5%, công tác thì công đạt 69,4%.

Đại diện PVN cho hay, hiện tại, dự án này đang gặp phải những khó khăn do tổng thầu trong nước (LILAMA) thực hiện; được Chính phủ cho phép thực hiện theo hình thức hợp đồng điêù̀ chỉnh giá cho phần xây dựng, lắp đặt, gia công chế tạo.

Bên cạnh đó, việc lựa chọn nhà thầu FGD bị kéo dài làm ảnh hưởng tiến độ chung của dự án; các định mức, đơn giá do nhà nước ban hành chưa đầy đủ hoặc chưa phù hợp, một số khoản mục chi phí chưa có trong quy định hiện hành dẫn tới phải xây dựng mới và xin hướng dẫn của các Bộ ngành.

Hiện nay, tiến độ thi công đường dây 500kV Sông Hậu - Đức Hòa do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư đang chậm so với kế hoạch đề ra, nếu không kịp thời đẩy nhanh công việc để đồng bộ với quá trình chạy thử, nghiệm thu của dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 sẽ ảnh hưởng đến tiến độ.