Lấn sông Hàn đúng quy định?
Sáng 7/5, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Đà Nẵng đã tổ chức hội nghị phản biện xã hội dự án bất động sản và bến du thuyền lấn sông Hàn đang gây xôn xao dư luận.
Hội nghị nhằm ghi nhận ý kiến phản biện của các chuyên gia, nhà khoa học về những tác động của dự án đến môi trường, dòng chảy sông Hàn; cũng như ảnh hưởng đối với dư luận xã hội, quyền lợi của người dân.
Sáng 7/5, Ủy ban MTTQ TP Đà Nẵng tổ chức Hội nghị Phản biện Dự án BĐS và Bến du thuyền với sự tham gia của các chuyên gia, chủ đầu tư dự án và chính quyền
|
Có mặt tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Quốc Cường Gia Lai - chủ đầu tư Dự án BĐS và Bến du thuyền Marina Complex - nhiều lần khẳng định đã thực hiện đúng trình tự đầu tư và các thủ tục pháp lý khi triển khai dự án. Như để củng cố thêm cho luận điểm của mình, bà Loan "khoe" Marina Complex đã đạt giải nhì trong cuộc thi tuyển phương án kiến trúc hai bên bờ sông Hàn.
Theo đó, dự án đã được triển khai hơn 2 năm qua và đang đi vào giai đoạn cuối. Nhưng thời gian vừa rồi, khi dư luận bày tỏ quan ngại những tác động về môi trường, dòng chảy sông Hàn thì dự án bị tạm dừng thi công. Điều này đã gây thiệt hại cho doanh nghiệp. “Tính đến thời điểm này, chúng tôi không vi phạm bất cứ nội dung gì mang tính pháp lý, niềm vui chưa kịp mừng vì dự án đang đi vào giai đoạn cuối thì sự việc ập đến như một tai nạn” - bà Nguyễn Thị Như Loan nói.
“Thành phố Đà Nẵng từng là địa phương dẫn đầu chỉ số PCI của cả nước, đó là niềm tin của doanh nghiệp, niềm tự hào của nhà đầu tư đối với chính quyền. Nhưng thời gian gần đây, cộng đồng doanh nghiệp cảm thấy bất an về môi trường đầu tư và mối quan hệ giữa doanh nghiệp và chính quyền. Sự thiếu nhất quán của chính quyền gây lo ngại cho doanh nghiệp. Tại sự kiện hôm nay, chúng tôi mong các ý kiến được đưa ra khách quan, công tâm và nhất quán, không mang tính định kiến. Vì những ý kiến như vậy sẽ gây bức xúc dư luận, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của doanh nghiệp đối với cộng đồng”- đại diện chủ đầu tư Dự án Marina Complex nhấn mạnh.
bà Nguyễn Thị Như Loan - đại diện Chủ đầu tư Dự án BĐS và Bến du thuyền Marina Complex khẳng định việc triển khai thực hiện dự án đúng với các trình tự đầu tư và các thủ tục pháp lý
|
Nhiều ý kiến trái chiều!
Phát biểu tại sự kiện, 16 ý kiến tham luận thể hiện 3 nhóm quan điểm liên quan đến dự án, gồm: (1) Nhóm ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia đến từ các trường đại học với các lập luận và số liệu chứng minh về những tác động của dự án đến dòng chảy, khả năng thoát lũ, môi trường tự nhiên; (2) Nhóm ý kiến của các chuyên gia, các nhà quản lý cho rằng nên tiếp tục thực hiện dự án vì mục đích chung, sự phát triển của Đà Nẵng; (3) Nhóm ý kiến cho rằng dự án nên dừng lại, chuyển đổi công năng phục vụ cộng đồng, vì dự án hiện tại tác động xấu đến dư luận xã hội, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến điều kiện tự nhiên của toàn TP Đà Nẵng.
Tiến sĩ Lê Hùng, Đại học Bách khoa Đà Nẵng cho rằng, sự thay đổi của dòng chảy lũ tại khu vực Đà Nẵng đã diễn ra rất nhanh, do ảnh hưởng của nhiều công trình xây dựng trong thời gian qua. Tuy nhiên, với những nghiên cứu đánh giá định lượng bằng mô hình, Tiến sĩ Lê Hùng khẳng định: “Đối với dự án Marina Complex, chúng tôi đã có phân tích đánh giá trước và sau khi có dự án không có sự thay đổi lớn về ngập úng. Nếu tính toán theo tần suất lũ năm 2009 thì mức độ ngập gia tăng khi có lũ dao động từ 0-0,05m”.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Lê Hùng cũng đưa ra cảnh báo: “Chúng ta cần xem xét các khu vực thượng nguồn sông Hàn như sông Cẩm Lệ, Hòa Xuân, Hòa Tiến, Hòa Châu vì sẽ gia tăng ngập lũ do thay đổi môi trường trong quá trình đô thị hóa”.
Tiến sĩ Lê Hùng, Đại học Bách khoa Đà Nẵng
|
Còn theo GS.TS Phạm Thị Hương Lan - Đại học Thủy lợi, sau khi áp dụng các mô hình tính toán, Dự án Marina Complex có gây sự gia tăng mực nước của sông Hàn và tăng vận tốc dòng chảy. Tuy nhiên, việc tăng mực nước không lớn và không tác động nguy hại đến dòng chảy cũng như môi trường tự nhiên nơi đây. Bên cạnh đó, theo bà Lan, các số liệu và phân tích cũng đã được đưa ra tại báo cáo tác động môi trường dự án ngay khi dự án thực hiện các bước triển khai xây dựng.
Phản bác quan điểm lấn sông Hàn, ông Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn pháp luật TP Đà Nẵng cho rằng, cần có có biện pháp cắm mốc không gian, hành lang thoát lũ đối với các dòng sông trên địa bàn TP Đà Nẵng.
Vị chuyên gia bày tỏ, đối với các dự án lấn sông Hàn, cần lấy lợi ích cộng đồng và phát triển bền vững làm chính. Chứ nếu lấy lợi ích của một nhóm thì đó không phải mục tiêu và nếu phát triển bằng mọi giá thì đó cũng không phải là mục tiêu của Đà Nẵng!
Ông Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng kiến nghị không nên tiếp tục triển khai các dự án lấn sông Hàn
|
"Chính vì vậy, tôi chính thức đề nghị lãnh đạo TP không nên tiếp tục triển khai dự án. Ở đây không có ý gì đối với các nhà đầu tư, việc phản đối dự án không có nghĩa là phản đối nhà đầu tư. Đứng dưới góc độ mỹ quan đô thị thì vấn đề lấn sông như Đà Nẵng hiện nay, đặc biệt là lấn ở cửa sông như các dự án là khó chấp nhận về mặt mỹ thuật. Tôi cũng không đồng tình với một số ý kiến bênh vực cho dự án này, lấy cớ việc người Pháp xây kè để lấn sông Hàn, thì tôi vẫn bảo lưu ý kiến là không nên triển khai dự án này cũng như các dự án lấn sông Hàn khác.
Tuy nhiên, tôi thông cảm với các nhà đầu tư, đồng thời cũng thông cảm với nhà cầm quyền, cần dung hòa lợi ích chính đáng của nhà đầu tư với lợi ích cộng đồng”- ông Bùi Văn Tiếng nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, KTS Phan Đức Hải - Hội quy hoạch đô thị Đà Nẵng cho rằng, thời gian qua, Đà Nẵng đã thực hiện việc lấn biển lấn sông, chèn ép sông Hàn nên việc thi công các dự án này đã gây bức xúc dư luận. Ông nói: “Việc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng khẳng định dự án không ảnh hưởng, không tác động đến dòng chảy, môi trường sông Hàn thì chúng tôi không đồng ý. Theo tôi, những tác hại gây xói lở, chèn ép... là khó tránh khỏi, nên cần giám định lại các báo cáo tác động môi trường đối với các dự án này và công khai để người dân được rõ. Vấn đề không chỉ ở khu vực cửa sông mà cả các khu vực thượng nguồn ven sông, do đã bị lấn lấp quá nhiều. Tốt nhất là dừng lại, để có cái nhìn tổng quan hơn vì lợi ích chung của người dân và TP trong tương lai”.
Bà Nguyễn Thị Như Loan (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Quốc Cường Gia Lai), đại diện Chủ đầu tư Dự án BĐS và Bến du thuyền Marina Complex (mặc áo đen ngồi giữa) đang lắng nghe ý kiến phản biện tại Hội nghị
|
Nhiều ý kiến khác cũng thiên về quan điểm cần dừng dự án, xem xét các cơ sở dữ liệu đánh giá tác động của dự án đến tổng thể khả năng thoát lũ của TP Đà Nẵng và phát triển bền vững của đô thị trong tương lai. Đặc biệt là trong bối cảnh phía thượng nguồn sông Hàn là các khu vực như sông Cẩm Lệ, sông Cổ Cò, các khu đô thị Hòa Hải, Hòa Xuân, Hòa Tiến đã bị san lấp để làm khu đô thị, gây mất khả năng điều tiết lũ cho toàn TP Đà Nẵng trong tương lai.
“Có nhiều ý cho rằng lấp sông, lấp hồ làm khu đô thị là phù hợp khiến tôi cảm thấy quan ngại. Những nghiên cứu báo cáo tác động môi trường đã trình bày với cơ sở dữ liệu cũ, thiếu chính xác khiến tôi càng lo ngại. Bởi ngoài 3 dự án hạ nguồn sông Hàn thì thượng nguồn có đến 10 dự án với hơn 2.000 ha. Đây là hồ chứa vào mùa lũ. Nhưng thực tế diện tích này đã bị lấp thì ai dám cam kết rằng mùa mưa lũ thì tất cả không tống thẳng xuống sông Hàn, khi đó sẽ gây ra những hệ lụy nguy hiểm khó lường” - KTS Hoàng Sừ, nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam nói.
“Hơn nữa, theo tôi được biết, quy hoạch TP Đà Nẵng năm 2003 được Thủ tướng phê duyệt hoàn toàn không có các dự án nhô ra sông Hàn. Trong khi đó, hiện tại cho thấy sự điều chỉnh năm 2013 là hình thức hợp thức hóa cho các dự án này, nên chúng ta cần đảm bảo an toàn cho cả cư dân Đà Nẵng chứ không phải vì một vài chủ đầu tư. Và chúng ta cần có đơn vị tư vấn độc lập sử dụng cơ sở dữ liệu cập nhật mới nhất để đánh giá”- ông Hoàng Sừ nhấn mạnh.
Từ góc nhìn vĩ mô, PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, cần có đảm bảo công bằng về tính khoa học liên quan đến dự án, không mang tính chủ quan, cần có tính minh bạch. “Điều then chốt là phải đảm bảo lợi ích cho sự phát triển, lợi ích của xã hội, của người dân, về thu hút đầu tư.”
PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu tại Hội nghị phản biện
|
“Chúng ta phải nhìn theo lợi ích tổng thể chứ không thể chỉ lợi ích cục bộ. Cần xem lợi ích của nhà đầu tư trên cơ sở lợi ích chung và đừng xem lợi ích của nhà đầu tư là đối lập với lợi ích của người dân.
Phát triển là cần vượt qua cái cũ và cần vượt qua cho đúng. Phát triển là phải đánh đổi, vậy căn cứ vào đâu để đánh đổi thì chúng ta phải dựa trên các cơ sở khoa học chính xác, minh bạch. Với sự việc, chính quyền cần có thái độ dứt khoát, cần nhìn các nhà đầu tư như một thành phần cho sự phát triển, chính quyền cần giữ tốt môi trường đầu tư cho sự phát triển, dựa trên các cơ sở khoa học, công khai và minh bạch”- PGS.TS Thiên nhấn mạnh.
Sẽ đảm bảo lợi ích của người dân, doanh nghiệp và nhà nước
Sau khi lắng nghe ý kiến các bên, ông Đặng Việt Dũng - Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng cho biết, nội dung của hội nghị liên quan đến vấn đề các dự án lấn sông Hàn được các nhà khoa học, người dân và dư luận quan tâm. Đặc biệt Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu Đà Nẵng rà soát báo cáo Thủ tướng trong thời gian sớm nhất.
Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng cho rằng, Dự án Marina Complex và dự án Olalani đã có trong quy hoạch chung do Thủ tướng phê duyệt năm 2013; Các dự án đã được thành phố cập nhật và phù hợp với đồ án quy hoạch phân khu khu vực trung tâm, khu vực phía Đông và Bán đảo Sơn Trà do thành phố phê duyệt năm 2017. Dự án đã hoàn thành các đánh giá tác động môi trường, nghĩa vụ tài chính, các quy hoạch chi tiết; Dự án đã được sự thống nhất của các Sở, ban ngành và Bộ NN&PTNT nhằm đảm bảo an toàn cho các hộ dân ở khu đô thị Mân Quang và Nại Hiên Đông.
Tuy nhiên, trước những kiến nghị của người dân, của các nhà khoa học và dư luận, thành phố kịp thời tạm dừng các dự án này để rà soát, mục đích nhằm tìm kiếm giải pháp về mặt quy hoạch không gian đáp ứng được nguyện vọng của người dân theo đúng tinh thần của thông báo 331 của Thành ủy Đà Nẵng.
Ông Đặng Việt Dũng - Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng phát biểu ghi nhận ý kiến của các bên tại Hội nghị Phản biện
|
“Đó là nhất quán quan điểm phát triển bền vững, đảm bảo lợi ích của người dân, doanh nghiệp và nhà nước. Trên cơ sở sẽ sớm để xuất phương án điều chỉnh quy hoạch hợp lý với quan điểm hài hòa lợi ích của người dân và các nhà đầu tư, đặc biệt là khả năng thực thi theo đúng pháp luật hiện hành. Trên cơ sở đó chúng tôi sẽ đàm phán với nhà đầu tư một phương án điều chỉnh quy hoạch phù hợp nhất, làm thế nào đó để tăng được diện tích không gian công viên cây xanh cảnh quan ven sông, tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với sông Hàn; và đặc biệt giảm tối đa mật độ xây dựng nhà cao tầng của các dự án này, tạo không gian thông thoáng tốt nhất có thể. Bổ sung các công trình dịch vụ công cộng, vui chơi giải trí thương mại dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách”- ông Đặng Việt Dũng cho hay.
Cũng theo ông Đặng Việt Dũng, để hướng đến một thành phố đáng sống, trong đó người dân phải được thụ hưởng những gì thuộc về mình một cách chính đáng nhất thì việc xem xét lại các vấn đề của dự án là việc làm cần thiết, phù hợp và rất mong nhận được sự hợp tác, chia sẻ của các nhà đầu tư.
Riêng đối với vấn đề dư luận cho rằng chính quyền không nhất quán trong chỉ đạo điều hành, ông Đặng Việt Dũng khẳng định: “Phải khẳng định rằng chính quyền luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, luôn nỗ lực để tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển. Trước sự vận động của xã hội thì các chính sách cũng phải thay đổi mới đáp ứng được thực tiễn; Quy hoạch đô thị và quá trình xây dựng thành phố mặc dù được khen ngợi, nhưng hôm nay nhìn lại thì chúng ta cũng đã nhận ra nhiều bất cập, tồn tại cần sớm được điều chỉnh".
Theo ông Đặng Việt Dũng, Dự án Marina Complex và dự án Olalani đã có trong quy hoạch chung do Thủ tướng phê duyệt năm 2013.
|
"Vừa qua, Chính phủ cho phép thành phố nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch phát triển thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chúng ta cũng đã thuê đội ngũ tư vấn nước ngoài thực hiện nhiệm vụ này. Đây chính là cơ hội để chúng ta đánh giá tổng thể sự phát triển đô thị trong thời gian qua, kịp thời điều chỉnh, khắc phục những tồn tại để hướng đến đạt mục tiêu mà Nghị quyết 43 đề ra cho thành phố là “trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á vào năm 2045” - ông Đặng Việt Dũng thông tin./.