13 ngàn lính Trung – Nga tập trận chung lớn: đâu là mục đích thật sự?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngày 9/8, cuộc tập trận chung Trung-Nga đã bắt đầu tại Ninh Hạ, Trung Quốc. Truyền thông quốc tế cho rằng cuộc tập trận lớn này gửi một tín hiệu mạnh mẽ đến Mỹ và thể hiện Trung - Nga đã có lòng tin ở mức cao.
Lễ khai mạc cuộc diễn tập hôm 9/8 tại Ninh Hạ (Ảnh: BQPTQ).
Lễ khai mạc cuộc diễn tập hôm 9/8 tại Ninh Hạ (Ảnh: BQPTQ).

Cuộc tập trận này mang tên "Miền Tây – Liên hợp 2021" giữa Trung Quốc và Nga đã chính thức bắt đầu từ ngày 9/8 tại Căn cứ huấn luyện chiến thuật Thanh Đồng Hiệp (Qingtongxia) ở Ninh Hạ, miền tây Trung Quốc. Tại lễ khai mạc, 13 khối bộ binh và 2 khối không quân trên bầu trời đã tham gia diễu binh.

Truyền thông Trung Quốc cho biết, đây là hoạt động tập trận và huấn luyện chung giữa Trung Quốc với nước ngoài quy mô lớn đầu tiên được tổ chức tại Trung Quốc kể từ khi bùng phát dịch bệnh COVID-19 và cũng là lần đầu tiên Trung Quốc mời quân đội Nga tham gia một cuộc tập trận diễn ra ở một vùng nằm sâu trong nội địa.

Đội ngũ bộ binh bên cạnh biểu ngữ chủ đề cuộc diễn tập "Trung Nga chung tay, xây dựng hòa bình" (Ảnh: BQPTQ).

Đội ngũ bộ binh bên cạnh biểu ngữ chủ đề cuộc diễn tập "Trung Nga chung tay, xây dựng hòa bình" (Ảnh: BQPTQ).

Cuộc tập trận chung Trung-Nga sẽ kéo dài đến ngày 13/8. Gần 13.000 binh sĩ hai nước Trung Quốc và Nga sẽ sử dụng hơn 400 vũ khí và thiết bị kỹ thuật quân sự. Lực lượng quân đội Trung Quốc tham gia chủ yếu là các đơn vị thuộc Chiến khu Miền Tây, các lực lượng quân đội Nga chủ yếu của Quân khu Miền Đông.

Theo Bộ Quốc phòng Trung Quốc, chủ đề của cuộc tập trận này là “Trung Nga liên thủ, cộng trúc hòa bình” (Trung, Nga chung tay cùng nhau xây dựng hòa bình) với ý quân đội hai nước hợp tác với nhau duy trì sự ổn định và an ninh trong khu vực. Lực lượng quân đội hai bên tham gia diễn tập thực hiện biên chế hỗn hợp, chỉ huy chung, cùng nhau bàn bạc hoạch định kế hoạch, phương án tác chiến, cùng nhau hợp luyện trên thao trường, cùng nhau kiểm nghiệm và nâng cao năng lực trinh sát báo động sớm, tiến công điện tử, tấn công truy quét...

Các loại vũ khí, phương tiện tham gia tập trận tại lễ khai mạc (Ảnh: CCTV).

Các loại vũ khí, phương tiện tham gia tập trận tại lễ khai mạc (Ảnh: CCTV).

Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một tuyên bố rằng họ đã cử chiến đấu cơ Sukhoi Su-30SM, các đơn vị cơ giới và hệ thống phòng không tới tham gia cuộc tập trận có nội dung tập trung vào chống khủng bố.

Phía Nga cho rằng cuộc tập trận này nhằm củng cố và phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa Trung Quốc và Nga trong thời kỳ mới, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác thực tế và tình hữu nghị truyền thống giữa quân đội hai nước; thể hiện rõ hơn quyết tâm và khả năng chống lại các lực lượng khủng bố của hai bên và cùng nhau duy trì hòa bình và an ninh trong khu vực.

Bộ binh Nga diễu hành trong lễ khai mạc (Ảnh: BQPTQ).

Bộ binh Nga diễu hành trong lễ khai mạc (Ảnh: BQPTQ).

Theo Thời báo Hoàn cầu Trung Quốc ngày 10/8, nhiều học giả Trung Quốc cho rằng, “Trung Quốc và Nga sẽ không thành lập một liên minh quân sự; hợp tác hai nước Trung- Nga là quan hệ hợp tác trên mọi lĩnh vực, không phải kiểu “vòng tròn nhỏ” mà các nước Phương Tây ưa thích; hợp tác Trung-Nga là lưng dựa lưng, hỗ trợ lẫn nhau, trước sau luôn là trụ cột của hòa bình và ổn định khu vực và thế giới”.

Chuyên gia quân sự Trung Quốc Tống Trung Bình ngày 9/8 cho biết có nhiều điểm sáng nổi bật trong cuộc diễn tập quân sự này. Ví dụ như 6 phi đội không quân gồm các loại máy bay J-20, J-11, J-16, JH-7A, H-6, Y-20 và các máy bay trực thăng khác đã ra mắt. Nga cũng cử máy bay chiến đấu Su- 30SM tới tham gia. Điều này cho thấy cả Trung Quốc và Nga đều rất coi trọng cuộc tập trận chung này.

Lính bộ binh Trung Quốc diễu hành (Ảnh: BQPTQ).

Lính bộ binh Trung Quốc diễu hành (Ảnh: BQPTQ).

Trang tin Đa Chiều ngày 10/8 đưa ý kiến bình luận của một số hãng truyền thông quốc tế nói về cuộc tập trận chung Trung-Nga này.

Tờ Financial Times của Anh nhận định, cuộc tập trận chung Trung-Nga đã khiến Mỹ lo lắng. Báo này viết: “Quân đội Nga tuần này đã lần đầu tiên tham gia một cuộc tập trận thông thường ở Trung Quốc, điều này khiến giới phân tích phương Tây lo ngại rằng Trung Quốc và Nga, hai đối thủ của Mỹ, đang phát triển khả năng tác chiến chung.

Các phi công Nga diễu qua lễ đài (Ảnh: BQPTQ).

Các phi công Nga diễu qua lễ đài (Ảnh: BQPTQ).

Các nhà phân tích cho rằng Moscow và Bắc Kinh có thể cho phép truy cập vào các hệ thống liên lạc điện tử của nhau”. Tờ Kommersant của Nga cho biết cuộc tập trận đánh dấu lần đầu tiên binh sĩ Nga sử dụng các vũ khí của Trung Quốc.

Cả De Spigel của Đức và Jungang Ilbo của Hàn Quốc đều cho rằng cuộc tập trận chung quy mô lớn giữa Trung Quốc và Nga là "nhằm gửi một thông điệp tới Mỹ".

De Spigel nhận định, các cuộc tập trận chung giữa lực lượng vũ trang Trung Quốc và Nga đã mở rộng từ trên bộ, trên không và trên biển sang các lĩnh vực nhạy cảm như thông tin và công nghệ phòng thủ tên lửa.

Pháo phản lực tầm xa của Trung Quốc tham gia tập trận (Ảnh: CCTV).

Pháo phản lực tầm xa của Trung Quốc tham gia tập trận (Ảnh: CCTV).

Tuần báo Focus của Đức viết: "Liệu Trung Quốc và Nga sẽ kết thành một liên minh quân sự?". Binh sĩ hai bên sử dụng lẫn vũ khí trang bị của nhau, cho thấy hai bên đã có độ tin cậy cao về chính trị và mối quan hệ quân sự chặt chẽ hơn. Điều này sẽ giúp nâng cao khả năng hiệp đồng tác chiến của hai quân đội, giáng trả các mối đe dọa của Mỹ đối với Trung Quốc và Nga.

Cựu đại sứ Mỹ tại Nga, Michael McFaul, đã nói trong một bài báo đăng trên tờ Washington Post rằng "muốn nỗ lực để đẩy Nga tách ra khỏi Trung Quốc đều sẽ phí công vô ích".

Máy bay Su-30SMM của Nga tới Trung Quốc tham gia cuộc tập trận (Ảnh: BQPTQ).

Máy bay Su-30SMM của Nga tới Trung Quốc tham gia cuộc tập trận (Ảnh: BQPTQ).

Bài báo cho rằng, “ngày nay mối quan hệ kinh tế, an ninh và ý thức hệ giữa Trung Quốc và Nga đang khăng khít hơn bao giờ hết. Theo quan điểm của Nga, Bắc Kinh là một đối tác đáng tin cậy hơn, kiểu tư duy cũ ‘liên Nga chống Trung’ trong thời kì Chiến tranh Lạnh ngày nay đã không còn hữu dụng”.

Tờ Daily Express của Anh đăng một bài viết về cuộc tập trận chung Nga-Trung có tiêu đề "Thế giới đang lo lắng khi Trung Quốc và Nga đưa ra một lời cảnh báo ớn lạnh về bước tiến tới sự gắn kết các lực lượng vũ trang".

Theo bài viết, Moscow và Bắc Kinh được cho là đã bắt đầu chia sẻ hệ thống thông tin liên lạc, và số binh sĩ tham gia cuộc tập trận chung vượt quá 10.000 người. Ngoài ra, bài viết còn đề cập mối quan hệ được cho là đang tồn tại giữa Nga và Trung Quốc với Taliban.

Các sĩ quan hai bên cùng trao đổi về kế hoạch tác chiến (Ảnh: BQPTQ).

Các sĩ quan hai bên cùng trao đổi về kế hoạch tác chiến (Ảnh: BQPTQ).

Bài viết dẫn lời một học giả Trung Quốc bình luận: "Đây là lần đầu tiên người Trung Quốc cho phép người Nga tham gia vào một cuộc tập trận của họ".

Một số nhà bình luận của Anh cũng bày tỏ quan điểm rằng Nga và Trung Quốc đã trở thành "anh em" và đang che lưng cho nhau, vì họ có đường biên giới trên bộ rất dài.

Giới quan sát cho rằng, cuộc tập trận này cho thấy Bắc Kinh và Matxcơva đang đẩy mạnh nỗ lực trao đổi học hỏi lẫn nhau về cách đối phó với Mỹ.

Các máy bay JH-7A tham gia tập trận (Ảnh: BQPTQ).

Các máy bay JH-7A tham gia tập trận (Ảnh: BQPTQ).

Không chỉ thế, trong một thông báo gần đây, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết, vào cuối tháng 8 này, tại Khu tự trị Tân Cương ở Tây Bắc Trung Quốc cũng sẽ diễn ra ba cuộc thi trong khuôn khổ Đại hội Thể thao Quân sự quốc tế do Nga khởi xướng. Quân đội Trung Quốc dự kiến sẽ cùng với quân đội các nước Nga, Belarus, Ai Cập, Iran, Venezuela và Việt Nam đua tranh các kỹ năng vận hành xe chiến đấu, phóng tên lửa phòng không và trinh sát hạt nhân, sinh học và hóa học.

Vào tháng 9 tới đây, Trung Quốc dự kiến kết hợp một lần nữa với Nga và các nước Ấn Độ, Pakistan và các quốc gia Trung Á như Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan trong một cuộc tập trận chống khủng bố của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải mang tên “Sứ mệnh hòa bình-2021” sẽ diễn ra tại Căn cứ huấn luyện Donguz ở vùng Orenburg, Tây Nam nước Nga

Binh sĩ Nga sử dụng xe chiến đấu Trung Quốc (Ảnh: BQPTQ).

Binh sĩ Nga sử dụng xe chiến đấu Trung Quốc (Ảnh: BQPTQ).

Được biết, Nga và Trung Quốc đã bắt đầu tiến hành các cuộc tập trận chung từ năm 2005, nhưng chủ yếu trên đất Nga. Moscow đã xoay trục sang Trung Quốc vào năm 2014 khi mối quan hệ chính trị của nước này với phương Tây bị xuống mức thấp sau Chiến tranh Lạnh do việc Nga sáp nhập Crimea từ Ukraine. Hiện nay Trung Quốc cũng đang là đối tác thương mại lớn nhất của Nga.

Cuộc tập trận chung Trung-Nga lần này diễn ra trong bối cảnh Taliban đang giành ưu thế ở Afghanistan, nơi tình hình an ninh đã trở nên tồi tệ sau khi Mỹ rút quân sau hai thập niên chiến tranh, tạo ra một áp lực về an ninh cho Moscow.

Máy bay Y-20 thả dù xe chiến đấu bọc thép (Ảnh: BQPTQ).

Máy bay Y-20 thả dù xe chiến đấu bọc thép (Ảnh: BQPTQ).

Nhà bình luận thời sự Trung Quốc Ngô Học Lan (Wu Xuelan) trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài truyền hình Hồng Kông IFeng (Truyền hình vệ tinh Phượng Hoàng), cho rằng thời điểm diễn ra cuộc tập trận chung Trung-Nga được chọn sau khi quân đội Mỹ và NATO vội vã rút khỏi Afghanistan, và địa điểm được chọn ở Ninh Hạ, Trung Quốc cho thấy mục tiêu rất rõ ràng là duy trì ổn định khu vực.

Afghanistan và Tân Cương của Trung Quốc được nối với nhau bằng Hành lang Wakhan, vì vậy cuộc tập trận chung này nhằm ngăn chặn tình trạng hỗn loạn và chiến tranh ở Afghanistan sau khi Mỹ vội vàng rút quân.

Lính Nga và Trung Quốc cùng tham gia một kíp xe chiến đấu (Ảnh: BQPTQ).

Lính Nga và Trung Quốc cùng tham gia một kíp xe chiến đấu (Ảnh: BQPTQ).

Ngô Học Lan chỉ ra rằng mục đích rất quan trọng của cuộc tập trận chung Trung-Nga này là giúp Trung Quốc xây dựng một biên giới vững chắc ở phía tây. Hơn nữa, Trung Quốc không muốn xảy ra chiến tranh ở Afghanistan, Trung Quốc luôn hy vọng Afghanistan có thể hòa bình và ổn định càng sớm càng tốt. Cuộc tập trận này có ý nghĩa quan trọng đối với việc giữ gìn tình hình trong nước Afghanistan và bảo vệ tuyến thương mại quốc tế, trong đó có một số nước Trung Á và Nam Á.

Ngoài ra, sau khi Mỹ rút khỏi Afghanistan không có nghĩa là Mỹ sẽ rút khỏi khu vực này, e rằng nước này sẽ thiết lập một số căn cứ quân sự ở Trung Á, kiểu như "tiểu NATO", thậm chí triển khai hệ thống chống tên lửa hoặc các vũ khí tấn công khác. Điều này không có lợi đối với tình hình ở Trung Á và đối với Afghanistan.

Một cảnh diễn tập: lính và phương tiện chiến đấu tổ chức tấn công sau khi được đổ bộ đường không (Ảnh: CCTV).

Một cảnh diễn tập: lính và phương tiện chiến đấu tổ chức tấn công sau khi được đổ bộ đường không (Ảnh: CCTV).

Ngô Học Lan nói: “Do đó, một ý nghĩa khác của cuộc tập trận chung Trung-Nga lần này là nhắc nhở Mỹ và NATO không nên thò tay quá dài và không được gây xáo trộn tình hình Trung Á thêm một lần nữa”./.