Trong vòng 20 năm từ 1945, Liên Xô và Mỹ đã thử nghiệm những loại vũ khí hạt nhân có sức nổ lớn hơn 10 megaton, tức tương đương 10 triệu tấn thuốc nổ TNT, mạnh gấp 500 lần quả bom nguyên tử đầu tiên ném xuống Nhật Bản.
Business Insider ngày 6.1 thống kê 12 vụ thử hạt nhân mạnh nhất thế giới thời gian qua, đều do Mỹ và Liên Xô thực hiện
Thứ 12 và 11: Vụ thử hạt nhân lần 158 và 168 của Liên Xô
Nguồn:Nukemap |
Ngày 25.8.1962 Liên Xô thử hạt nhân lần 158, và ngày 19.9.1962 thử hạt nhân lần 168, đều diễn ra ở bãi thử vùng Novaya Zemlya phía bắc Liên Xô, gần Bắc Cực. Hai vụ thử này mỗi vụ đều có sức nổ mạnh 10 megaton, thiêu hủy tất cả mọi thứ trong khu vực 4,6 km2 và gây ra độ bỏng cấp ba trong khu vực có diện tích 2.800 km2. Không có hình ảnh hay phim ghi lại vụ thử này.
10. Vụ nổ Ivy Mike, Mỹ
Vụ nổ hạt nhân Ivy Mike, 1952 - Ảnh: CTBTO |
Mỹ thử nghiệm quả bom khinh khí đầu tiên tên Ivy Mike phía trên quần đảo Marshall ở Thái Bình Dương ngày 1.11.1952, sức mạnh 10,4 megaton, gấp 700 lần quả bom nguyên tử đầu tiên Mỹ ném xuống Hiroshima.
Vụ nổ bom khinh khí này mạnh đến nỗi làm bốc hơi đảo Elugelab, nơi nó phát nổ, để lại một hố khổng lồ như miệng núi lửa sâu 50 m, tạo ra cột mây hình nấm bốc lên cao 48 km.
9. Vụ nổ Castle Romeo, Mỹ
Vụ nổ Castle Romeo - Ảnh: Wikimedia |
Romeo là vụ nổ thứ hai trong chuỗi thử nghiệm hạt nhân của Mỹ mang tên Castle, tiến hành từ năm 1954, diễn ra ở rạn san hô Bikini Atoll. Castle Romeo là thử nghiệm mạnh thứ 3 trong chuỗi này và mạnh 11 megaton. Đây cũng là lần đầu Mỹ cho nổ bom hạt nhân trên mặt biển thay vì trên đảo san hô, đã hủy diệt mọi thứ trong khu vực 5 km2.
8. Lần thử hạt nhân thứ 123, Liên Xô
Nguồn:Nukemap |
Ngày 23.10.1961, Liên Xô thử hạt nhân lần 123 ở Novaya Zemlya với quả bom mạnh 12,5 megaton, san bằng mọi thứ trong khu vực 5,5 km2, gây bỏng độ 3 trong khu vực 3.400 km2.
7. Vụ nổ Castle Yankee, Mỹ
Vụ nổ hạt nhân Castle Yankee - Ảnh: YouTube |
Castle Yankee là vụ nổ mạnh thứ hai trong chuỗi vụ nổ Castle do Mỹ thử nghiệm vào ngày 4.5.1954, với quả bom mạnh 13,5 megaton. Bốn ngày sau, phóng xạ của nó lan tới Mexico City, cách đó 11.426 km.
6. Vụ nổ Castle Bravo, Mỹ
Castle Bravo là vụ thử hạt nhân mạnh nhất Mỹ từng thực hiện - Ảnh: Bộ Năng lượng Mỹ |
Castle Bravo là vụ thử hạt nhân đầu tiên của chuỗi Castle vào ngày 28.2.1954, và là vụ thử hạt nhân mạnh nhất Mỹ từng thực hiện. Bravo ban đầu được dự kiến là vụ nổ mạnh 6 megaton, tuy nhiên khi nổ nó tạo ra sức mạnh đến 15 megaton, đám mây hình nấm của nó bốc cao 35 km.
Mỹ đã tính toán sai ảnh hưởng vụ nổ này nên làm 665 người dân ở quần đảo Marshall bị nhiễm xa, và làm một ngư dân Nhật chết vì phóng xạ khi đang ở cách điểm xảy ra vụ nổ 129 km.
5, 4, 3: Các lần thử hạt nhân thứ 173, 174 và 147, Liên Xô
Nguồn:Nukemap |
Từ ngày 5.8 – 27.9.1962, Liên Xô thử một loạt vụ nổ hạt nhân ở Novaya Zemlya. Cả ba vụ thứ 173, 174 và 147 là các vụ nổ hạt nhân mạnh thứ 5, 4, 3 trong lịch sử. Cả 3 vụ này đều tạo ra sức nổ mạnh 20 megaton, hơn 1.000 lần quả bom nguyên tử đầu tiên. Một quả thế này hủy diệt mọi thứ trong phạm vi 7,8 km2.
2. Lần thử hạt nhân 219, Liên Xô
Nguồn:Nukemap |
Cũng tại Novaya Zemlya, ngày 24.12.1962, Liên Xô thử hạt nhân lần 219 với quả bom nổ mạnh 24,2 megaton, hủy diệt mọi thứ trong khu vực gần 10 km2 và gây bỏng độ 3 trong khu vực 5.827 km2.
Những lần thử này của Liên Xô đều không công bố phim ảnh gì.
1. Bom vua hạt nhân, Liên Xô
Vũ khí hạt nhân mạnh nhất mọi thời đại là quả bom hạt nhân mệnh danh Bom vua hạt nhân (Tasr Bomba) do Liên Xô thử nghiệm ngày 30.10.1961. Gọi là bom vua vì nó có sức nổ 50 - 58 megaton, mạnh gấp 3.000 lần quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hiroshima.
Máy bay Tu-95 thả thử nghiệm quả “vua bom hạt nhân” tháng 10.1961 - Ảnh: tư liệu |
Bom vua này nặng 27 tấn, thử nghiệm cũng tại Novaya Zemlya, được máy bay ném bom Tu-95 thả từ độ cao 10,5 km và rơi từ từ xuống bằng dù để máy bay có thể thoát ra khu vực an toàn, vì họ chỉ có 188 giây. Ba phút sau, khi cách mặt đất 4 km, quả bom vua phát nổ, tạo ra một quả cầu lửa chói loà có đường kính gần 8 km và một đám mây hình nấm cao 72 km, vào tận tầng bình lưu.
Khi đó đội máy bay thử nghiệm (gồm chiếc Tu-95 và chiếc Tu-16 quan sát) đã bay xa được khoảng 48 km. Quả cầu lửa bùng lên, sức chấn động mạnh đến nỗi chiếc Tu-95 bị rơi xuống gần 1 km trước khi lấy lại được độ cao. Lớp sơn trắng của 2 máy bay đều bị đốt cháy.
Quả cầu lửa khổng lồ đường kính 8 km tạo ra từ vụ nổ quả bom vua - Ảnh: Youtube |
Novaya Zemlya, nơi thử nghiệm quả bom vua của Liên Xô |
Vụ nổ này được ghi nhận tạo ra chấn động mạnh 5 độ Richter. Ánh sáng của vụ nổ có thể nhìn thấy từ xa 1.000 km, các sóng xung kích từ vụ nổ đã lan đi vòng quanh trái đất ba lần, và làm nứt cửa sổ của một số nhà cửa ở Na Uy và Phần Lan cách đó 900 km. Còn các tòa nhà tại thị trấn bị bỏ hoang Severny ở bãi thử nghiệm đều bị san bằng trong phạm vi 55 km.
Xem lần thử nghiệm quả bom vua hạt nhân của Liên Xô năm 1961:
Theo Thanh Niên