Phát biểu tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Đoàn giám sát của Quốc hội về ‘’Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng" diễn ra hôm nay (11/4), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, báo cáo cần bổ sung về nội dung huy động nguồn lực trong vụ chuyến bay giải cứu và vụ kit test Việt Á, đáp ứng sự quan tâm của cử tri.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, báo cáo giám sát việc huy động nguồn lực chống COVID-19 đang chưa đề cập xác đáng về 2 vụ việc nổi cộm trên, khi "trong báo cáo 90 trang và 419 footnote - tổng cộng 110 trang báo cáo - nhưng chỉ có hơn 3 dòng nói về kit test và Việt Á".
Theo ông Thanh, báo cáo giám sát phải phản ánh được những vấn đề bức xúc, những vấn đề cử tri, nhân dân quan tâm trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, cũng như về y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Cùng quan điểm trên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý hai sai phạm rất lớn là vụ chuyến bay giải cứu và vụ Việt Á cũng không nằm ngoài phạm vi cuộc giám sát, nhưng báo cáo chưa đề cập rõ.
Đưa ra nhận định về việc huy động nguồn lực chống COVID-19, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, điều kiện tiên quyết để kiểm soát được đại dịch COVID-19 là có vaccine. Khi thực hiện chiến dịch ngoại giao vaccine, trong các chuyến công tác nước ngoài, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thủ tướng Chính phủ luôn tranh thủ mọi cơ hội. Nhờ đó, chiến dịch ngoại giao vaccine đã rất thành công.
Dẫn nội dung báo cáo của Đoàn giám sát, ông Thanh nhấn mạnh, Việt Nam đã huy động được hơn 150 triệu liều vaccine, đáp ứng 60% tổng số nguồn. Khi có vaccine đã triển khai tiêm phòng rất thành công, nên bước đầu kiểm soát được đại dịch COVID-19 và giúp cho việc phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội đạt được nhiều kết quả trong năm 2022.
Làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, địa phương
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, một số nội dung trong báo cáo giám sát còn chung chung, cần làm rõ vấn đề và quy trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Phiên làm việc xem xét báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Đoàn giám sát của Quốc hội sáng nay, 11/4. |
Theo báo cáo của Đoàn giám sát, đến 31/12/2022, tổng nguồn lực đã được huy động để trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch là trên 236 nghìn tỉ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước là trên 189 nghìn tỉ đồng, huy động từ các nguồn viện trợ (chủ yếu là vaccine), tài trợ là trên 47 nghìn tỉ đồng.
Quỹ vaccine phòng chống dịch COVID-19 đã huy động được trên 15,1 nghìn tỉ đồng; tổng số vaccine nhận từ các nguồn viện trợ, tài trợ là gần 160 triệu liều, trong đó riêng viện trợ của Chính phủ các nước là gần 150 triệu liều, trị giá khoảng 24 nghìn tỉ đồng.
Nhấn mạnh phạm vi giám sát rất rộng, liên quan đến toàn bộ việc huy động, sử dụng, quản lý nguồn lực, thanh quyết toán nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đoàn giám sát lưu ý trình bày rõ hiện trạng thanh, quyết toán các nguồn trong và ngoài nước.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu làm rõ còn bao nhiêu tiền chưa được thanh quyết toán, chưa được chi trả và có thất thoát, sai phạm gì không.
Hiện nay, "trong báo cáo giám sát chưa làm rõ các thông tin liên quan đến nội dung này, chưa đưa ra địa chỉ cụ thể về các địa phương, cơ quan, đơn vị còn tồn tại, hạn chế" - Chủ tịch Quốc hội lưu ý và cho rằng cần đánh giá kỹ lưỡng, cung cấp số liệu cụ thể, để làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan.
Đóng góp ý kiến hoàn thiện Dự thảo báo cáo, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhận định, với một dịch bệnh có sự lây lan mạnh mẽ như vậy, nền y tế tiên tiến hàng đầu thế giới cũng gặp khó khăn. Chúng ta cần rút ra kinh nghiệm cụ thể để ứng phó tốt hơn, hợp lý hơn trong tình huống tương tự xảy ra.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng đề nghị Đoàn giám sát khoanh vùng lại các đề xuất, để đảm bảo đúng nội dung trọng tâm, đúng phạm vi giám sát, từ đó có cơ sở triển khai hiệu quả.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị các cơ quan hữu quan có sự quan tâm phát triển hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng tại các địa phương, đảm bảo ứng phó tốt với tình hình dịch bệnh xảy ra.
Báo cáo của Đoàn giám sát cũng cho thấy, hoạt động của y tế cơ sở và y tế dự phòng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân.
Đến năm 2022, mạng lưới y tế cơ sở phát triển rộng khắp cả nước, 100% huyện có Trung tâm y tế, 99,6% số xã, phường, thị trấn có trạm y tế, 92,4% trạm y tế có bác sĩ làm việc, 71% thôn, bản có nhân viên y tế hoạt động.
Tuy nhiên, khi phải đối mặt với những tình huống y tế khẩn cấp trên diện rộng như dịch COVID-19, hệ thống y tế cơ, y tế dự phòng bộc lộ nhiều bất cập cả về nhân lực và nguồn lực, về kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu