Đó là nội dung chính trong công văn phúc đáp của Bộ Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch (VH-TT&DL) gửi Bộ TT&TT vào ngày 24/2 vừa qua về việc quảng cáo trên trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới. Đây là công văn phúc đáp văn bản ngày 22/2/2017 của Bộ TT&TT về việc đề nghị Bộ VH-TT&DL kiểm tra, rà soát hoạt động quảng cáo trên trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới.
Theo đó, Bộ VH-TT&DL cho biết, việc quản lý hoạt động và kiểm tra nội dung thông tin trên trang thông tin điện tử xuyên biên giới thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ TT&TT theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo (Nghị định 181): Trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng” và các văn bản pháp luật về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, thông tin trên mạng hiện hành. “Vì vậy, các nội dung nói xấu, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại các clip đăng tải trên trang Youtube như phản ánh cần được Bộ TT&TT ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời.
Về hoạt động quảng cáo trên trang thông tin điện tử xuyên biên giới, Bộ VH-TT&DL cho biết, khoản 2 Điều 14 Nghị định 181 quy định, trong trường hợp trang thông tin điện tử xuyên biên giới có phát sinh doanh thu quảng cáo tại Việt Nam thì phải thực hiện thông báo bằng văn bản cho Bộ VH-TT&DL về: “Tên, địa chỉ của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo Việt Nam được ủy quyền thực hiện dịch vụ quảng cáo; Ngành nghề kinh doanh chính của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo Việt Nam được ủy quyền thực hiện dịch vụ quảng cáo”.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, YouTube vẫn chưa thực hiện thủ tục thông báo mà đã thể hiện các nội dung quảng cáo. Do vậy, "Bộ VH-TT&DL sẽ tiến hành kiểm tra và xử phạt hành vi không thông báo theo quy định tại khoản 1 Điều 55 Nghị định 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo", Bộ VH-TT&DL khẳng định.
Cũng trong công văn gửi Bộ TT&TT ngày 24/2, cũng đề cập đến cơ chế phối hợp, Bộ VHTT&DL có ý kiến cho rằng, để quản lý hiệu quả hoạt động quảng cáo trên các trang thông tin điện tử xuyên biên giới hoạt động tại Việt Nam, thời gian tới, Bộ TT&TT tiến hành rà soát và cung cấp các trang thông tin điện tử xuyên biên giới có văn phòng đại diện tại Việt Nam để Bộ VH-TT&DL yêu cầu thực hiện thủ tục thông báo theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam.
Trước đó, trả lời báo Vietnamnet, ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình & Thông tin điện tử – Bộ TT&TT – cho biết, sau một thời gian giám sát, Cục đã phát hiện tình trạng các thương hiệu sản phẩm đang kinh doanh tại Việt Nam có những vi phạm nghiêm trọng trong các clip quảng cáo chạy trên YouTube.
Thứ nhất, đó là các clip có nội dung xấu độc trên YouTube lại xuất hiện quảng cáo của các nhãn hàng đang kinh doanh tại thị trường Việt Nam, ví dụ như: Sản phẩm Vaseline, Comfort (Unilever); sản phẩm Pampers, Ariel (P&G); Vinhomes; Sendo (FPT), Samsung Việt Nam, Yamaha .v.v.
Quảng cáo Comfort xuất hiện bằng tiếng Việt trong video clip phản động bôi xấu hình ảnh lãnh đạo Đảng và nhà nước của Việt Nam. (Ảnh chụp màn hình: Vietnamnet). |
Thứ hai, dù người sử dụng đang xem các nội dung giải trí lành mạnh trên YouTube, chẳng hạn như ca nhạc trong nước, tính năng gợi ý video gợi ý (Suggest) ở bên phải giao diện màn hình YouTue vẫn cố tình giới thiệu kèm thêm các clip chứa nội dung xấu độc, chống phá nhà nước Việt Nam.
"Các nội dung quảng cáo nói trên đều đã được đăng ký, kiểm duyệt và cấp phép quảng cáo tại thị trường Việt Nam, có nội dung lành mạnh và đã xuất hiện trên các báo điện tử, các đài truyền hình. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là các nội dung quảng cáo này lại được phát trong các clip xấu độc trên YouTube, có thể ngay đầu clip hoặc chèn giữa hay cuối nội dung clip", ông Tự Do cho hay.
Qua nghiên cứu phân tích, cơ quan chức năng của Bộ TT&TT nhận thấy đây là sai phạm nghiêm trọng cần xử lý ngay. Việc xử lý các sai phạm này không chỉ trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ TT&TT, mà cần cả sự phối hợp của các bộ ngành khác, chẳng hạn như Bộ VH-TT&DL.