Trong tuần qua, đoàn kiểm tra của Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã ban hành biên bản kiểm tra, giám sát việc thu phí tại các trạm thu phí đường bộ BOT trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.
Biên bản này gây xôn xao dư luận do báo cáo khác xa thực tế, đoàn kiểm tra vẫn kết luận “đúng”.
Cụ thể, số thu của một làn nhiều hơn báo cáo và công ty này đã phải xé vé bổ sung – theo luật cao nhất là 150.000 đồng/làn, thấp nhất là 5.000 đồng/làn. Với số tiền chưa đủ mệnh giá hoặc vượt quá quy định trên, kế toán công ty lập biên bản thu nộp quỹ và hạch toán vào các khoản thu khác.
Lý giải chuyện này, đại diện công ty trên cho hay sở dĩ có tiền thừa là do “lái xe không chịu nhận lại tiền thừa khi nhân viên trả lại”.
Đoàn kiểm tra cũng phát hiện dù đã có thiết bị hậu kiểm, nhưng số thu ngân để báo cáo vẫn thấp hơn doanh thu thực tế, cụ thể lệch khoảng 50.000 đồng/làn, chênh lệch khoảng 500.000 đồng/ca. Đại diện công ty phân trần, nguyên nhân “chủ yếu do thiết bị đọc 2 lần 1 biển số xe hoặc không xác định được biển số xe”.
Kết quả doanh thu 10 ngày tại cao tốc này được công bố là 19,85 tỉ đồng, bao gồm doanh thu thu vé lượt 17,5 tỉ đồng; vé tháng của tháng 7 là 1,7 tỉ đồng và vé quý III là 640,7 triệu đồng. Chia bình quân một ngày trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ thu được 1,985 tỉ đồng.
Trong khi đó, theo báo cáo của Công ty cổ phần Pháp Vân - Cầu Giẽ về công tác thu phí sau khi tuyến đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đi vào hoạt động và thu phí đến tháng 1/2016, doanh thu thu phí chỉ đạt 41 tỉ đồng/tháng (bình quân là gần 1,4 tỉ đồng/ngày).
Đáng nói, kết quả thu phí tháng 2/2016 - đợt cao điểm vận tải Tết Bính Thân, doanh thu thu phí lại bị giảm xuống chỉ còn 35,9 tỉ đồng (bình quân chỉ đạt gần 1,2 tỉ đồng/ngày).
Trao đổi với Zing.vn về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường cho hay, hiện Bộ chưa nhận được báo cáo chính thức từ Tổng cục Đường bộ.
“Dự kiến sang tuần họ sẽ có báo cáo cụ thể bằng văn bản về việc này. Nhưng qua trao đổi tôi được biết về cơ bản công tác thu không có gì sai, không có sai sót trong việc tổ chức thu”, Thứ trưởng Trường cho biết.
Theo ông Trường, con số thực tế trên không nói lên điều gì cả vì ở mỗi thời điểm doanh thu lại khác nhau, “chưa kể giờ vé tháng, vé quý nhiều lắm”.
“Chúng tôi chỉ quan tâm họ có tổ chức thu đúng hay không, có sự mập mờ dẫn tới thất thoát tiền hay không chứ không quan tâm sai số giữa thực tế và báo cáo”, Thứ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh.
Trong khi đó, Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ Nguyễn Văn Huyện cho biết: “Chúng tôi đang lập báo cáo gửi Bộ. Đó mới chỉ là biên bản ban đầu, từ biên bản đó sẽ thành báo cáo. Doanh thu thực tế chỉ nhích lên một chút so với báo cáo thôi chứ không vấn đề gì cả”.
Trước đó, đầu tháng 5/2016, một trong ba cổ đông trong liên danh nhà đầu tư của tuyến đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ là Tổng công ty Xây dựng giao thông 1 - Công ty Cổ phần (Cienco 1), cho rằng doanh thu thu phí trên tuyến cao tốc mà liên danh này báo cáo các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như thông báo cho các cổ đông là chưa sát với thực tế đồng thời đặt ra “nghi vấn” thất thoát phí và đề nghị thanh tra về hoạt động thu phí của tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.
Ngay sau khi Cienco1 có văn bản đề nghị thanh tra thì báo cáo doanh thu trong tháng 4 và 5 vừa qua, trạm thu phí trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đã thu được hơn 50 tỉ đồng/tháng (chia bình quân đạt trên 1,8 tỉ đồng/ngày).
Mới đây, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã báo cáo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về những bất cập trong khai thác trạm thu phí Đại Xuyên trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. VEC đề nghị dỡ bỏ trạm thu phí này do ùn tắc giao thông, khoảng cách trạm tới trạm chỉ 30km…
Theo Zing
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu