Ngày nước Nga trở lại Libya

VietTimes -- Thật ra, nước Nga chưa trở lại Libya. Nhưng từ thực tế, tần suất các chuyến thăm của các chính khách Libya tới Moscow ngày càng thường xuyên hơn, nội dung bàn thảo cũng ngày càng cụ thể hơn, có thể dự báo rằng, ngày trở lại không còn xa nữa…
Khalifa Belqasim Haftar. Ảnh AP Photo/ Mohammed El-Sheikhy
Khalifa Belqasim Haftar. Ảnh AP Photo/ Mohammed El-Sheikhy

Chìa khóa giải quyết vấn đề người tỵ nạn châu Phi nằm ở ...Moscow

Ngày 2 tháng 3, ông Fayez Mustafa al-Sarraj - Thủ tướng Libya đã đến Moscow để gặp gỡ với nhiều quan chức Nga để trao đổi về vấn đề nhờ Nga làm trung gian hòa giải các xung đột giữa các phe phái của chính phủ, quốc hội và quân đội, hiện đang chia rẽ cắt đất nước Lybia làm hai phần.

Tuy nhiên, chắc chắn trong số các nội dung thảo luận sẽ có một vấn đề gay cấn khác. Điều này do chính phủ Italia đề nghị. Châu Âu nói chung và Italia nói riêng hiện đang phải đau đầu ngăn chặn dòng người di cư bất hợp pháp đến từ châu Phi. Đa phần trong số họ chọn phương thức vượt biển, mà đường biển từ Libya đến Italia là con đường thuận lợi nhất. Vì vậy họ thường chọn Lybia là điểm xuất phát của hành trình đến với tự do, sung túc, dù cho có rất nhiều hiểm nguy rình rập. Mùa đông sắp qua, thời tiết sắp chuyển sang thuận lợi để dân tỵ nạn bắt đầu mùa vượt biển mới.

Italia cần phải hành động sớm, ngăn chặn dòng người tỵ nạn ngay từ khi họ còn ở trên đất Libya. Nhưng trước nội tình Libya chia rẽ, họ không thể làm gì hơn là nhờ nước Nga hỗ trợ. Mặc dù chính phủ Italia biết rằng, làm như vậy là gây ra bất bình đối với các đồng minh của họ trong khối NATO, họ không còn con đường nào khác.

Tại sao nước Nga lại có thể hỗ trợ trong việc này?

Người dân Bengazi (phía Đông Libya) với quốc kỳ. Ảnh Ria Novosti

Đó là vì chính phủ của ông  Fayez Mustafa al-Sarraj, mặc dù được cộng đồng quốc tế thừa nhận, hiện không kiểm soát được lãnh thổ cả nước Lybia mà chỉ làm chủ được một phần phía Tây. Trụ sở chính phủ chuyển tiếp của ông nằm tại thủ đô Tripoli. Phần phía Đông nằm dưới sự kiểm soát của Quốc hội Lybia có trụ sở tại Tabrut. Các đại biểu Quốc hội thì không thừa nhận Chính phủ, và ngược lại, Chính phủ cũng không thừa nhận Quốc hội. Nhưng Quốc hội lại nắm được quân đội, bổ nhiệm Khalifa Belqasim Haftar làm Tổng tư lệnh. Sau khi ông này chỉ huy đánh chiếm được các cảng dầu thì được tấn phong quân hàm nguyên soái. Vị nguyên soái 74 tuổi này hiện đang có tầm ảnh hưởng lớn đến cán cân quyền lực. Và đặc biệt là có nhiều duyên nợ với nước Nga.

Thành ra, chìa khóa giải quyết vấn đề người tỵ nạn châu Phi rất có thể lại nằm ở ... Moscow.

Muammar Gaddafi thứ hai

Khalifa Belqasim Haftar là ai mà có vai trò quan trọng như vậy?

Hóa ra, ông này có thời là bạn thân, đồng minh và người cùng chí hướng với lãnh tụ M. Gaddafi, từng cùng nhau đứng trong hàng ngũ hoạt động bí mật mang tên “Các sĩ quan tự do”. Năm 1969, ông cùng Gaddafi làm đảo chính, lật đổ vua Idris đệ Nhất. Thời gian tiếp theo, ông là người chỉ huy trực tiếp nhiều chiến dịch quân sự lớn ở Libya. Từng đến Liên Xô nhiều lần, được đào tạo tại một trong những học viện quân sự Xô viết, nắm vững tiếng Nga đến mức trong các cuộc hội đàm ở Moscow, ông không cần đến phiên dịch

Gaddafi đánh giá Haftar rất cao, từng gọi ông là “con tinh thần”, phong cho ông hàm tướng và bổ nhiệm làm Tổng Tham mưu trưởng. Mọi sự đột ngột thay đổi vào năm 1987. Thời kỳ chiến tranh Chad - Libya, ông bị bắt làm tù binh trong một hoàn cảnh không rõ ràng. Gaddafi cho rằng, những viên tướng của ông không có quyền để bị bắt sống, vì thế đã công khai từ bỏ Haftar. Về phía mình Haftar coi đó là sự phản bội của Gaddafi.

Sau khi trốn thoát khỏi trại tù binh, Haftar chạy sang Kenya và đến đầu những năm 1990, ông đến Mỹ, sống một cách lặng lẽ tại bang Virginia - nơi có trụ sở của cục Tình báo Trung ương Hoa Kỳ CIA. Vì thế cũng có nhiều giả thuyết về sự cộng tác giữa người bạn cũ của Gaddafi và CIA.

Đến năm 2011, cuộc nội chiến xảy ra ở Libya. Cuộc sống chậm rãi của Haftar cũng chấm dứt. Ông trở về Bengazi, gia nhập đội quân khởi nghĩa. Là một người từng trải qua hệ thống đào tạo của trường quân sự Xô viết, Haftar tuy chống lại Gaddafi, nhưng cũng hầu như ngay lập tức bị rơi vào xung đột với các thành phần Hồi giáo, nhiều lần mâu thuẫn gay gắt. Chính vì thế ông ngả theo phía Quốc hội mà không theo Chính phủ chuyển tiếp, nơi nhiều chức vụ do các phần tử Hồi giáo "ôn hòa" nắm giữ.

Thời gian gần đây, đã có ít nhất hai lần Nguyên soái  Khalifa Belqasim Haftar viếng thăm nước Nga. Tháng 6/2016, ông gặp Bộ trưởng Quốc phòng S. Shoigu và Thư ký Hội đồng An ninh N. Patrushev. Đến tháng 10, ông đã có hội đàm với Ngoại trưởng S. Lavrov và một loạt các quan chức quân sự cấp cao và đại diện các tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga.

Tháng 1/2017, Haftar còn có hành động có thể coi là “trêu ngươi” Phương Tây, khi ông lên thăm  tàu chở máy bay “Đô đốc Kuznhetsov” của Nga khi tàu này đậu trên Địa Trung Hải trên đường làm nhiệm vụ ở Syria.  Từ trên boong tàu, ông tổ chức cầu truyền hình trực tiếp với Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu. Thông tin chính thức thì họ thảo luận về cuộc chiến “chống khủng bố”, tuy nhiên các hãng tin phương Tây dẫn nguồn thân cận với vị Nguyên soái thì viết rằng, hai người có bàn thảo đến việc Nga cung cấp vũ khí cho quân đội Lybia.

Ông Haftar đã lên thăm tàu chở máy bay "Đô đốc Kuznhetsov" khi tàu này đậu trên Địa Trung Hải

Được biết, không chỉ Lybia quan tâm tới việc mua vũ khí của Nga mà Nga cũng rất quan tâm đến việc bán vũ khí cho Lybia. Thương vụ hai bên cùng có lợi này hiện vẫn chưa thể thực hiện do Lybia vẫn đang chịu sự cấm vận vũ khí từ phía Liên Hợp quốc. Trong tương lai đây sẽ là một câu chuyện mà báo giới phải tốn nhiều giấy mực để phản ánh.

Chìa khóa cho chiến thắng IS cũng có thể nằm ở... Moscow

Trong những năm qua, Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đã nổi lên như một tổ chức khủng bố lớn mạnh nhất và hung hãn nhất. Chúng nhanh chóng mở rộng địa bàn ra khắp các vùng ở Iraq, Syria và một số nước khác.

Gần đây, IS phải gánh chịu những tổn thất to lớn từ các chiến dịch tấn công quân sự quyết liệt của cả Mỹ và Nga cùng với đồng minh của hai nước. Vì thế, chúng  lên kế hoạch chuyển hoạt động sang các địa bàn khác để tiếp tục duy trì sự tồn tại của mình.

Trong số đó, Lybia là một địa điểm lý tưởng đối với chúng.

Đó là vì quốc gia Bắc Phi này có một diện tích rất lớn, chừng 1,8 triệu km2, đứng thứ 16 trên thế giới, nhưng dân số chỉ là khoảng 6 triệu người, tức là mật độ chỉ chưa tới 4 người/1km2. Phần lớn lãnh thổ là nơi hoang mạc, không có người ở.

Sau một thời gian, IS đã chính thức hiện diện tại Lybia và phát triển khá nhanh, đe dọa chính đất nước Lybia, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ bất ổn lớn với các nước trong khu vực nói riêng, toàn thế giới nói chung.

Việc Lybia trở thành căn cứ mới của IS đã làm tăng thêm vai trò của Nga trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố này, bởi lực lượng chính có khả năng ngăn cản sự lớn mạnh của IS tại đây, không phải là của Chính phủ do quốc tế (thực chất là các nước phương Tây) ủng hộ, mà là quân đội hiện đang do Khalifa Belqasim Haftar kiểm soát.

Chiến dịch quân sự vừa qua tại Syria đã chứng minh sức mạnh và tính hiệu quả của vũ khí trang bị cũng như khả năng tác chiến của Lực lượng vũ trang của Nga. Với tầm ảnh hưởng của mình đối với Haftar, chắc chắn Nga sẽ ngày càng có vai trò lớn hơn trong cuộc chiến chống IS, không chỉ ở Lybia mà còn cả trên phạm vi toàn cầu. Vì thế, cũng có thể nói một cách không quá, rằng, chìa khóa chiến thắng IS rất có thể cũng nằm ở ...Moscow.

Hà Khoa