Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không hình sự hóa các quan hệ kinh tế

VietTimes -- Phát biểu khai mạc đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Rào cản còn lớn lắm. Đặc biệt là phải chống tiêu cực, tham những trong bộ máy nhà nước. Tinh thần lớn nhất là không hình sự hóa các quan hệ hành chính và kinh tế”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: VGP
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: VGP
Cuộc đối thoại trực tiếp đầu tiên giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị người đứng đầu Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp diễn ra tại TP HCM sáng nay và trực tuyến với 63 tỉnh, thành.  Cùng dự với Thủ tướng còn có 4 Phó thủ tướng: Trương Hoà Bình, Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng và Vũ Đức Đam.

 

Xem buổi đối thoại trực tiếp của Thủ tướng với doanh nghiệp

10h40

Đại diện Hiệp hội dệt may Việt Nam cho biết ngành dệt may đang đứng trước nhiều thách thức khi nhiều đơn vị phải đóng cửa. Ông đưa ra những kiến nghị như Chính phủ cần điều chỉnh lại quy hoạch ngành đến 2020 vì không còn phù hợp và đã lạc hậu. Đề nghị Bộ Công Thương quy hoạch các khu tập trung để xử lý nước thải; Bộ Tài nguyên và môi trường không nhất thiết phải áp dụng chung một chuẩn về môi trường, bởi có một số doanh nghiệp quy mô rất nhỏ với vài trăm lao động nhưng bắt buộc phải đầu tư một nhà máy xử lý nước thải hàng tỷ đồng là không hợp lý và gây khó khăn.

Lương và thưởng cũng là áp lực lớn với ngành, như Trung Quốc đã điều chỉnh bảo hiểm xã hội từ 20% xuống 19%, thì Việt Nam cũng cần xem xét hạ tỷ lệ bảo hiểm xuống tầm 18% để hỗ trợ doanh nghiệp.

Ông cũng bày tỏ bất cập về khâu kiểm tra từ hải quan khi một miếng vải mẫu 5m chuyển từ nước ngoài về cũng phải kiểm theo Thông tư 37 hàng chục lần mới xong, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Vị này cũng bày tỏ bức xúc thay cho doanh nghiệp khi một năm có hàng chục bộ ngành, cơ quan đến kiểm tra.

10h20:

Đại diện Công ty Vinamilk, bà Mai Kiều Liên góp ý về thủ tục đăng ký kinh doanh nên mở nhiều phòng đăng ký vì hiện nay tại TP HCM mới có một phòng; nên giảm thủ tục đăng ký kinh doanh, các giấy phép con để đúng với Luật doanh nghiệp. Ngoài ra, hạn chế tình trạng ban hành các thông tư, quy định để đẻ ra giấy phép con; hạn chế sự chồng chéo giữa các cơ quan để tránh gây phiền hà cho doanh nghiệp.

Về cơ chế chính sách, thông tư, nghị định nào phù hợp thi không nên thay đổi để tránh bất ổn và gây tăng chi phí. Chủ tịch Vinamilk đề nghị "xem doanh nghiệp là đối tượng phục vụ chứ không phải là đối tượng quản lý".

10h:

Đề cao vai trò quan trọng của thị trường bán lẻ, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, ông Diệp Dũng - Chủ tịch Hợp tác xã Thương Mại Saigon Co.op đề nghị Chính phủ có giải pháp hỗ trợ, bảo vệ thị phần, doanh nghiệp bán lẻ trong nước phù hợp với thông lệ quốc tế. Đồng thời, nhà nước cần xây dựng chiến lược quốc gia phát triển thị trường bán lẻ Việt Nam; cải tiến quy định về mua bán sáp nhập…

Ông Dũng cũng cho biết, vừa qua Saigon Co.op đã tham gia vào thương vụ mua lại Big C Việt Nam và đang lọt vào vòng đàm phán cuối cùng với một đơn vị của Thái Lan. Nhưng phía bán cũng nêu khó khăn là thương vụ này được mua bán bởi công ty nước ngoài đặt ở Châu Âu, họ lo ngại liệu Saigon Co.op có xin được giấy phép hay không. Thế nên, công ty đang bị đặt vào tình thế khó khăn hơn đối thủ cạnh tranh. Đề nghị Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp trong các thủ tục.

Trả lời ông Diệp Dũng về vấn đề trên, Thủ tướng cho biết, ông sẽ giao cho Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư xử lý, nhanh chóng để doanh nghiệp triển khai thuận lợi thương vụ.

9h40:

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ được cải thiện. Trong đó, Việt Nam cần ưu tiên đầu tư cho các lĩnh vực công nghệ thông tin, phần mềm, nông nghiệp… đây là những lĩnh vực được các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm.

Ông đề nghị Chính phủ Việt Nam cần tập trung phát triển nguồn nhân lực CNTT, phần mềm,… đưa đào tạo kỹ năng CNTT vào chương trình giáo dục phổ thông, và doanh nghiệp Nhật mong muốn được hợp tác phát triển trong lĩnh vực này.

Nông nghiệp là lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh với nhiều sản phẩm phong phú và sẽ được hưởng lợi rất nhiều nếu đẩy mạnh áp dụng công nghệ, mở rộng thị trường. Doanh nghiệp Nhật Bản sẵn sàng hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam để cùng phát triển nông nghiệp.

Đại diện doanh nghiệp Nhật Bản cũng kiến nghị Nhà nước Việt Nam xem xét điều chỉnh một số quy định liên quan đến pháp luật về đầu tư, thời gian làm thêm giờ, quy định về nhập khẩu máy móc thiết bị đã qua sử dụng, quy định về thông quan, xin phép cấp giấy chứng nhận đầu tư... cho phù hợp với thông lệ quốc tế.

9h15:

Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Ngân hàng BIDV cho biết, đặt ra mục tiêu GDP tăng 6,7%, trước hết Việt Nam phải tuân thủ Hiến pháp và tuân thủ thông lệ quốc tế, các FTA đã ký kết thì phải đáp ứng. Ông kiến nghị dưới luật thì chỉ nên có nghị định chứ không nên có thông tư. Chính thông tư này đã đẻ ra nhiều giấy phép con gây nhũng nhiễu, khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Ngoài ra, Luật phá sản ban hành năm 2004 nhưng đến nay chỉ có 336 đơn vị được giải quyết phá sản là quá ít. Ông cũng cho rằng, trên thực tế, đăng ký thuế hải quan bằng điện tử là tốt nhưng trong triển khai thì cần phải xem lại, vì đâu đó vẫn còn phàn nàn của doanh nghiệp về vấn đề này. Ngoài ra, ông đề xuất nên phát triển nhiều tập đoàn kinh tế Nhà nước và kinh tế tư nhân lớn để dẫn dắt nền kinh tế...

Chủ tịch BIDV cũng cho rằng, Chính phủ đã có chủ trương giảm chi tiêu công nên đề nghị giảm phát hành trái phiếu Chính phủ 10% (hiện hơn 85% trái phiếu chính phủ là do ngân hàng thương mại mua).

Về mặt bằng lãi suất, ông Hà cho rằng, hiện nay lãi suất cho vay đang tốt nhất trong nhiều năm qua. Nhưng BIDV cam kết ngay hôm nay sẽ tiết giảm lãi suất cho vay cả ngắn và trung dài hạn. Liên quan đến xử lý nợ xấu, ông Hà nói rằng chờ hơn 3 năm không có nghi định tạo lập thị trường mua bán nợ, đề nghị Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo xử lý.

Ông Hà mong muốn nền kinh tế đất nước sẽ như một bản nhạc giao hưởng, trong đó Thủ tướng là nhạc trưởng, các bộ ngành, cơ quan Nhà nước là nhạc công và doanh nghiệp là ca sĩ để cùng tạo lập một bản nhạc bất hủ về kinh tế đất nước.

8h45:

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ - Amcham đề nghị một số nội dung: Việt Nam sớm phê chuẩn Hiệp định TPP; đẩy mạnh tiến trình cải cách hành chính; áp dụng các giải pháp giảm thiểu giấy tờ trong các giao dịch hành chính, tiền tệ; áp dụng các chuẩn mực toàn cầu về kế toán; mong muốn sẽ được hợp tác thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học công nghiệp, công nghiệp….

Về môi trường, đại diện Amcham mong muốn tiếp tục hợp tác với Chính phủ xử lý những vấn đề ô nhiễm môi trường không khí, nguồn nước, xử lý các vấn đề liên quan tới biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long… Đồng thời mong muốn Chính phủ sẽ ưu tiên phát triển các hình thức sản xuất và sử dụng năng lượng tái tạo, áp dụng các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả…

8h15:

Trình bày ngay sau phát biểu của Thủ tướng, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI cho biết, gần đây số lượng doanh nghiệp ngưng hoạt động gia tăng. Qúy I có gần 80.000 doanh nghiệp ngưng hoạt động. 42% doanh nghiệp hoạt động có lãi, còn 58% là thua lỗ, đây là điều không bình thường, cho thấy hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp chưa cao.

Việt Nam hiện đang hướng đến có hơn 2 triệu doanh nghiệp hoạt động đến năm 2020. Do đó, đề nghị rà soát ngay và quyết định loại bỏ những quy định rườm rà, lỗi thời. Nếu chúng ta nhận thức chậm trễ ngày nào là kìm hãm quyền tự do kinh doanh ngày đó.

Ông Lộc cũng cho rằng, hiện nay các doanh nghiệp vay ngân hang với lãi suất 8% trong khi lạm phát chỉ hơn 1%, cho thấy các doanh nghiệp đang phải gánh mức lãi suất thực rất cao và bất hợp lý. Chính phủ phải cố gắng giảm 1-2% trong thời gian tới để hỗ trợ doanh nghiệp.

Tiếp theo, Chính phủ cần đẩy mạnh giảm thuế và phí, miễn thuế môn bài cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ để bớt khó khăn cho họ hoạt động. Bởi vậy, thời gian tới Chính phủ cần giảm thu để nuôi dưỡng nguồn thu sau này.

Tóm lại, việc giảm thuế, phí và các khoản chi phí đầu vào là cực kỳ quan trọng để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn và tăng năng lực hội nhập. Nếu có chiến lược và chính sách hợp lý thì Việt Nam sẽ có 1,5-2 triệu doanh nghiệp trước năm 2020.

Ông Lộc cũng đề nghị một cuộc đối thoại thường xuyên hơn để cho thấy Chính phủ luôn đồng hành với doanh nghiệp trong tiến trình phát triển.

8h00

Hội nghị Thủ tướng gặp mặt doanh nghiệp bắt đầu. Cùng dự với Thủ tướng còn có 4 Phó thủ tướng: Trương Hoà Bình, Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng và Vũ Đức Đam.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng nói trong xây dựng đất nước, đi đầu vẫn là đội ngũ doanh nghiệp việt Nam, những người tiên phong đó phải được lắng nghe được tháo gỡ khó khăn. Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển còn nhiều rào cản, đã có nhiều chính sách ban hành nhưng rào cản còn lớn trong sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, Chính phủ muốn trực tiếp lắng nghe để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh:VGP

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh:VGP

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, sau khi nghe ý kiến của doanh nghiệp, lãnh đạo các bộ, ngành phát biểu quan điểm rõ ràng về giải quyết những khó khăn doanh nghiệp nêu ra.

"Tinh thần của Chính phủ là thực hiện đúng Hiến pháp, đổi mới sự lãnh đạo, bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh doanh của doanh nghiệp", Thủ tướng nói và nhấn mạnh phải tháo gỡ mọi rào cản, đặc biệt là chống tiêu cực, tham nhũng, tinh thần lớn nhất là không hình sự hoá các quan hệ hành chính và kinh tế.

7h45:

Với chủ đề “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước”, tại hội nghị này, Thủ tướng sẽ trực tiếp gặp gỡ khoảng 300 đại biểu đến từ các doanh nghiệp dân doanh, 50 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 20 hiệp hội doanh nghiệp như AmCham, Eurocham, Phòng Thương mại Hàn Quốc... 

Qua hội nghị, người đứng đầu Chính phủ muốn phát đi thông điệp "doanh nghiệp là động lực của phát triển kinh tế". Theo đó, Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để khởi nghiệp kinh doanh, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển cả về số lượng và chất lượng; đề ra các giải pháp xây dựng thể chế nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cũng như giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với đại diện doanh nghiệp trước giờ hội nghị.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với đại diện doanh nghiệp trước giờ hội nghị.

Vấn đề môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia vào quá trình phát triển kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng của Việt Nam đặt ra hết sức bức thiết trong bối cảnh hội nhập cũng như yêu cầu phải giải quyết nhiều vấn đề trước mắt và lâu dài của nền kinh tế. Trước cuộc gặp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - đơn vị được giao nhiệm vụ tổng hợp kiến nghị của doanh nghiệp cả nước gửi đến Thủ tướng. Văn bản tổng hợp dài hơn 130 trang được chuyển tới Văn phòng Chính phủ đã ghi nhận hàng trăm phản ánh từ các hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề khác nhau từ nhiều địa phương.

Các kiến nghị được chia thành 10 nhóm vấn đề về Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và các thủ tục đăng ký kinh doanh; thuế, hải quan; vấn đề vốn, tiếp cận vốn, giao thông vận tải, phí và lệ phí... Trong số này, có nhiều kiến nghị dựa trên tình trạng thực tế mới phát sinh thời gian gần đây cho tới những vấn đề còn tồn đọng từ lâu chưa được giải quyết. 

Các vấn đề nhận được sự quan tâm nhiều nhất của các doanh nghiệp là những vướng mắc về cơ chế chính sách thuế, hải quan, lãi suất, khai thông nguồn vốn và đất đai, giải phóng mặt bằng...

Sau cuộc gặp gỡ, Chính phủ và bộ ngành, địa phương sẽ tiến hành họp bàn để giải quyết ngay những vấn đề nói trên, đồng thời sẽ ban hành một Nghị quyết về tháo gỡ khó khăn, phát triển doanh nghiệp trong tháng 5/2016.