Thê thảm giá sữa
Không thể có số liệu chính xác, vì đàn bò sữa nước ta đang phát triển nặng “tự phát”. Ước tính đến nay, thì tổng đàn bò sữa cả nước vào khoảng 300.000 con, tăng trên 20% cả về số lượng và sản lượng sữa. Đàn bò này cho sản lượng sữa ước cỡ 700.000 tấn/năm.
Dẫn đầu là Vinamilk đã đầu tư 9 trang trại chăn nuôi, tổng đàn 120.000 con, sản lượng sữa ước đạt 200 triệu lít/năm. Thành phố Hồ Chí Minh hiện có đàn bò sữa hùng hậu nhất nước với gần 150.000 con, sản lượng sữa đạt gần 300.000 tấn/năm; dù theo kế hoạch năm 2015, chỉ phát triển lên 83.000 con.
Theo bà Huỳnh Kim Cúc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP.Hồ Chí Minh, trong thời gian khá dài, giá sữa bò và con giống tăng mạnh, nông dân đổ xô nuôi, người chưa biết gì cũng săn lùng bò sữa về gây đàn…
Bò sữa có chu kỳ cho sữa 10 tháng/năm, mỗi con cho sữa ít nhất 15kg sữa/ngày. Giá sữa lúc ấy bình quân 12.000đ/kg nhưng chi phí thấp, chỉ bằng 1/2 thu nhập từ sữa. Nhà nuôi 10 con bò sữa, "bỏ túi" trung bình 30 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền bán con giống, lúc sốt cao có giá 40-50 triệu đồng/con. Thế là nhà nhà thành "phú hộ".
Nhưng từ cuối năm 2014 đến nay, giá sữa cứ giảm dần. Các công ty khống chế số lượng sữa mua vào, quản lý và kiểm tra chất lượng sữa gắt gao, đưa ra đủ thứ điều kiện đối với nông dân. Hộ nào may mắn ký được hợp đồng với công ty, muốn bán được sữa cũng… vã mồ hôi.
Hiện các công ty mua sữa theo 2 loại giá (7.400đ/kg và trên 10.000đ/kg). Điều này được giải thích do giá sữa trong nước phụ thuộc giá sữa thị trường thế giới và do đàn bò sữa trong nước liên tục tăng làm lệch cán cân cung-cầu. Và lý do nữa là Việt Nam đã hội nhập, buộc doanh nghiệp phải thay đối "chiến lược" thu mua sữa có chất lượng và giá cân bằng với số lượng.
Tuy nhiên, với giá sữa như trên nông dân phải “lấy công làm lời” được là may. Những hộ không đáp ứng được yêu cầu của công ty hoặc để sữa nhiễm kháng sinh, vi sinh sẽ bị ngưng hợp đồng, và khó biết bao giờ mới được công ty mua trở lại. Những hộ nuôi tự phát không ký được hợp đồng phải bán sữa cho... người vắt sữa thuê với giá 7.000đ-9.000đ/kg và “ôm” lỗ. Có hộ không bán được phải đem sữa cho... lợn ăn, hoặc đổ bỏ. Giá con giống theo đó cũng giảm sâu, từ 40-50 triệu đồng/con xuống còn 20-22 triệu đồng/con 15 tháng tuổi nhưng vẫn không có người mua. Nhiều hộ bức bách quá phải bán bò sữa cho... lò mổ, với giá bò thịt.
Sữa bò nuôi giờ không chỉ cạnh tranh về chất lượng, mà còn cạnh cạnh với các loại sữa khác, nhất là cạnh tranh "nghẹt thở" với… sữa bột. Giá sữa bột trên thế giới đang "rơi tự do", giảm 50% so với các năm trước, hiện còn 2.000 USD/tấn. Thế là doanh nghiệp nhập sữa bột về "nấu lại", gắn cho cái tên sữa hoàn nguyên, với giá bán chỉ còn 6.000đ/lít - chỉ bằng 1/2 giá sữa tươi nội. Dễ hiểu vì sao loại sữa chất lượng kém, khó kiểm soát thành phần dinh dưỡng và an toàn thực phẩm này chèn ép được sữa bò nuôi.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho biết, Việt Nam là 1 trong 20 nước nhập khẩu các sản phẩm từ sữa lớn nhất thế giới, trung bình 1,2 triệu tấn/năm, chủ yếu là sữa, kem cô đặc. Trong đó, sữa hoàn nguyên chiếm 70%.
Người giàu cũng khóc
Tai họa giá sữa đến từ "cái nôi" bò sữa. Năm 2015, giá sữa bò ở các nước EU rớt xuống thấp nhất trong 13 năm qua. Nhu cầu nhập khẩu sữa giảm mạnh ở các thị trường chủ lực như Trung Quốc, Trung Đông, Bắc Phi… trong khi đàn bò sữa của EU vẫn "thừa thắng xông lên". Kết quả là nông dân EU bị thua lỗ kéo đi biểu tình khắp nơi. Tại Pháp, người nuôi bò sữa lái máy kéo đổ về Lyon biểu tình chặn không cho xe chở sữa giá rẻ từ Tây Ban Nha và Đức nhập vào nước mình. Ở Bỉ, nông dân vào siêu thị mua sữa ra đổ trước cửa rồi đứng biểu tình vì siêu thị bán sữa giá cao, trong khi nông dân bán sữa giá rẻ mạt. Tại Anh, xuất hiện nhiều ông chủ rao bán cả trang trại bò sữa...
Hiệu ứng domino ấy lan tới Việt Nam, nhưng theo chiều hướng oái oăm hơn nhiều. Trong khi phần lớn do doanh nghiệp tăng qui mô đầu tư, thì nông dân lại phải… phải bán bò.
Vĩnh Phúc, Tuyên Quang nhiều năm liền chăn nuôi bò sữa tăng mạnh, nhưng nay dự án gần như teo tóp. Cao nguyên Mộc Châu có tiếng là "vương quốc" bò sữa nhưng phát triển đàn cũng nhiều trở ngại. Ở ĐBSCL có Sóc Trăng, từ 2011 đàn bò sữa đắt đầu giảm dần vì các dự án đã hết hạn, không còn tài trợ, nông dân không dám giữ bò lại mà đem bán. Bò sữa Sóc Trăng hiện chỉ còn 4.700 con.
Nhưng oái oăm là trong đề án Tái cơ cấu nông nghiệp của mình, Sóc Trăng vẫn đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ phát triển đàn bò sữa lên 17.800 con, gấp 3 lần hiện nay... Ngược lại, thành phố Hồ Chí Minh lại có kế hoạch cắt giảm đàn bò từ gần 150.000 con hiện nay, xuống còn 80.000-100.000 con vào năm 2020; giảm nuôi nhỏ lẻ nhưng tăng qui mô và chất lượng đàn bò để nâng cao sức cạnh tranh.
Theo Bộ NN-PTNT, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu các sản phẩm từ sữa trị giá trên 1 tỷ USD. Thị trường tiêu thụ sữa Việt Nam mới chỉ đạt 14,8kg/người/năm, trong khi ở châu Á là 35kg/người/năm. Sản lượng sữa tươi trong nước mới đáp ứng 28% nhu cầu. Việt Nam cũng đang đẩy mạnh nâng cao hệ số IQ, tầm vóc thế hệ trẻ, sức khoẻ cho người già nhu cầu sữa còn tiếp tục tăng cao. Nhu cầu tiềm năng về sữa ở Việt Nam được xem là rất lớn, hấp dẫn bất cứ nhà cung cấp nào.
Tiềm năng là vậy, nhưng thực tế chăn nuôi bò sữa lại chưa hề tươi đẹp với nông dân Việt. Đã thế, đề án Tái cơ cấu ngành chăn nuôi của Bộ NN-PTNT lại đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ phát triển đàn bò lên gấp đôi, với trên 500.000 con, sản lương sữa đạt trên 1 triệu tấn “để giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu”.
Mục tiêu của đề án làm các chuyên gia... ngơ ngác. Có người thắc mắc không biết bằng cách nào có thể tăng tổng đàn lên hùng hậu như thế, trong khi nông dân nuôi bò sữa đang khốn đốn.
Hiện, Việt Nam đã và đang tiếp tục ký các hiệp định thương mại, thuế quan được dỡ bỏ. Trong 10 quốc gia hàng đầu xuất sữa sang Việt Nam, có 5 quốc gia tham gia TPP, chiếm 60% thị phần. Ba “cường quốc bò sữa” là Mỹ, Úc, New Zealand có tiềm lực mạnh nuôi bò theo công nghệ tiên tiến, giá thành thấp. Khi TPP có hiệu lực, sữa bò giá rẻ từ các nước sẽ tràn ngập và ai dám chắc là không nhấn chìm sữa bò nội. Vậy thì đâu là cơ hội cho nông dân nuôi bò sữa Việt ?