Lần đầu tiên hé lộ bức tranh nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần doanh nghiệp Việt

Một bức tranh toàn diện hơn về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã bắt đầu được vẽ, sau khi Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) lần đầu tiên chính thức công bố số liệu về việc các nhà đầu tư nước ngoài đã góp vốn, mua cổ phần tại Việt Nam.
Lĩnh vực bán lẻ của Việt Nam đang hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài góp, mua cổ phần. Ảnh: Đức Thanh
Lĩnh vực bán lẻ của Việt Nam đang hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài góp, mua cổ phần. Ảnh: Đức Thanh

Số liệu được Cục Đầu tư nước ngoài lần đầu tiên công bố vào cuối tuần qua, đó là, trong vòng 1 năm qua - tính từ ngày 1/7/2015 tới nay, các nhà đầu tư đã chi 2,948 tỷ USD để góp vốn, mua cổ phần tại 3.141 doanh nghiệp tại Việt Nam.

Trong số này, có khoảng gần 1,9 tỷ USD được các nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần với tỷ lệ góp vốn lớn hơn 50% vốn điều lệ hoặc thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện tại 1.709 doanh nghiệp. Ngoài ra, còn 1,054 tỷ USD là góp vốn, mua cổ phần tại 1.432 doanh nghiệp khác, mà trong đó phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài nhỏ hơn 50%.

Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho thấy, nếu tính riêng trong 7 tháng năm 2016, có 1.284 doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần với tổng giá trị vốn góp là 1,512 tỷ USD. Đây mới chỉ là phần vốn góp tại các doanh nghiệp mà nhà đầu tư nước ngoài sở hữu trên 50%.

Như vậy, cùng với vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài - được đăng ký đầu tư tại các cơ quan quản lý nhà nước - thì con số về vốn đầu tư nước ngoài thông qua góp vốn, mua cổ phần đã góp phần quan trọng vẽ nên một bức tranh toàn diện hơn về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Đây cũng chính là con số phản ánh khá rõ nét và có thể nói là con số chính thức đầu tiên về xu hướng mua bán - sáp nhập (M&A) tại thị trường Việt Nam, đối với dòng vốn ngoại. Có thể là chưa đầy đủ, nhưng thông tin được tổng hợp từ Hệ thống Thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài, trong vòng 1 năm qua, giá trị các thương vụ M&A mà các doanh nghiệp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam đã lên tới gần 3 tỷ USD. Một con số đã chứng minh sự sôi động của thị trường M&A Việt Nam, mà theo nhận định mới đây của Diễn đàn M&A Việt Nam (MAF), là “cuộc đua mới đã bắt đầu”.

Cũng theo số liệu của MAF, hoạt động M&A tại Việt Nam năm 2015 đã đạt mốc kỷ lục trong 10 năm qua, tăng trưởng về giá trị thương vụ với tỷ lệ 23,8% so với 2014, còn giá trị M&A ước đạt 5,2 tỷ USD năm 2015, và đạt trên 3 tỷ USD cho 6 tháng đầu năm 2016.

“Khối ngoại  ngoại vẫn đóng vai trò quan trọng trong hoạt động M&A tại Việt Nam”, ông Đặng Xuân Minh, Tổng giám đốc Công ty AVN, Trưởng nhóm nghiên cứu của MAF đã nói như vậy và cho biết, M&A trong ngành bán lẻ và hàng tiêu dùng với mục tiêu thâm nhập và mở rộng thị trường là xu hướng nổi bật nhất trong năm qua; bất động sản cũng tiếp tục có những thương vụ đáng chú ý.

Điều này cũng đã được phản ánh thông qua số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài. Đó là, nếu tính theo ngành, thì các nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Con số cụ thể là đầu tư vào 33 doanh nghiệp, tổng giá trị vốn góp 350,1 triệu USD, chiếm 23,1% tổng giá trị vốn góp. Lĩnh vực bán buôn, bán lẻ đứng thứ 2, với 57 dự án, tổng giá trị vốn góp 318,9 triệu USD, chiếm 21% tổng số vốn góp. Lĩnh vực bán buôn có 197 dự án và tổng giá trị vốn góp là 77,3 triệu USD, chiếm 5,1% tổng số vốn góp. Đây cũng chỉ là con số thống kê đối với phần vốn góp, mua cổ phần tại các doanh nghiệp mà nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn.

Thực tế cho thấy, kể từ thời điểm 1/7/2015, khi Luật Đầu tư 2014 chính thức có hiệu lực, hoạt động góp vốn, mua cổ phần tại các doanh nghiệp ở Việt Nam đã càng trở nên sôi động hơn. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, thì việc góp vốn, mua cổ phần sẽ không phải thực hiện đăng ký đầu tư như với các dự án đầu tư nước ngoài hơn. Do vậy, nhiều nhà đầu tư đã lựa chọn phương thức đầu tư này, vừa không mất thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư, vừa nhanh tiếp cận thị trường Việt Nam.

Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cũng đã cho biết, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký đầu tư vào TP.HCM những tháng đầu năm thấp hơn so với cùng kỳ, một phần là theo thông lệ, các nhà đầu tư thường tập trung đăng ký đầu tư trong những tháng cuối năm, phần khác là do những thay đổi trong Luật Đầu tư 2014, nên từ ngày 1/7/2015, nhiều nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đầu tư thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần. Và con số này cho tới hiện tại chưa được cập nhật trong số liệu về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài không chỉ của TP.HCM, mà của tất cả các địa phương khác trên cả nước.

Bởi thế, việc Cục Đầu tư nước ngoài lần đầu tiên công bố số liệu về việc góp vốn, mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ cho thấy một cái nhìn chính xác hơn về dòng vốn đầu tư nước ngoài đang chảy vào Việt Nam.

Liên quan tới chuyện góp vốn, mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài, một thông tin rất đáng chú ý, đó là gần đây, TP. Đà Nẵng đã lên tiếng cảnh báo việc một số nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng kẽ hở trong cơ chế góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp Việt Nam để cùng sở hữu đất tại Đà Nẵng.

Theo ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng, thời gian qua, việc chuyển nhượng dự án vốn đầu tư nước ngoài diễn ra ồ ạt trên phạm vi cả nước, trong đó có TP. Đà Nẵng. Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài thành lập công ty mẹ ở nước ngoài, sau đó thành lập công ty con tại TP. Đà Nẵng để thực hiện dự án, nhất là các dự án bất động sản, du lịch. Sau đó, chủ đầu tư chuyển nhượng dự án. Một số trường hợp, công ty mẹ ở nước ngoài chỉ có thời hạn hoạt động ngắn, thậm chí là 1 năm nhưng khi vào Việt Nam nhà đầu tư đề nghị và được cấp thời gian hoạt động của dự án lên đến 50 năm. Sau khi chuyển nhượng dự án, một số nhà đầu tư tự do đi lại hoạt động các lĩnh vực khác, rất khó kiểm soát.

Đây có thể một kẽ hở trong quá trình thực hiện Luật Đầu tư 2014, mà tới đây cần xem xét để sửa đổi, hay giám sát chặt hơn việc góp vốn, mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo Đầu tư