Thấy gì sau cuộc đổi ngôi ở Gỗ Trường Thành

VietTimes -- CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (HSX: TTF) vừa công bố Nghị quyết HĐQT, thay thế, bổ sung hàng loạt nhân sự chủ chốt trong bộ máy lãnh đạo cấp cao.
Nhân tố gốc Vingroup, Vũ Tuyết Hằng sẽ thay thế ông Võ Trường Thành ở vị trí Chủ tịch HĐQT TTF.
Nhân tố gốc Vingroup, Vũ Tuyết Hằng sẽ thay thế ông Võ Trường Thành ở vị trí Chủ tịch HĐQT TTF.

Nghị quyết có số hiệu 14/2016/NQ-HĐQT-TTF, xác lập ngày 13/8/2016, tức Thứ Bảy vừa rồi – thời điểm thị trường chứng khoán Việt Nam tạm nghỉ cuối tuần.

Theo văn bản này, HĐQT TTF đã quyết nghị bãi nhiệm ông Võ Trường Thành khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT Công ty kể từ ngày 12/8/2016.

Lý do được đưa ra là: “Ông Võ Trường Thành đã không hoàn thành đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ của Chủ tịch HĐQT trong tình hình khó khăn khẩn cấp của Công ty”. Nghe hợp lý nhưng cũng là một kết cục khá đau đớn cho người sáng nghiệp và gắn bó với tập đoàn này mấy chục năm qua.

Dẫu vậy, không thấy văn bản đề cập đến việc chấm dứt tư cách thành viên HĐQT công ty đối với ông Thành. Nên có thể hiểu ông Thành chỉ mất chức Chủ tịch, còn vẫn nằm trong cơ cấu Ban quản trị Công ty.

Nhiều đồng sự và thuộc cấp của ông Thành cũng phải nhận những kết cục lạnh lùng, theo Nghị quyết số 14/2016/NQ-HĐQT-TTF.

Đó là bà Trần Hoài An, người bị chấm dứt tư cách thành viên HĐQT kể từ ngày 13/8/2016; ông Tạ Văn Nam, người bị miễn nhiệm khỏi chức vụ Phó TGĐ thường trực kể từ ngày 12/8/2016; ông Đinh Văn Hóa, bị chấm dứt tư cách thành viên HĐQT kể từ ngày 13/8, sau khi đã bị miễn nhiệm khỏi vị trí Phó TGĐ trước đó một ngày (12/8).

Về mặt hình thức, lý do cho việc miễn nhiệm các ông/bà An, Nam, Hóa đều là “theo nguyện vọng cá nhân” – nếu đúng như những gì thể hiện trong Nghị quyết.

Song song với sự ra đi của Chủ tịch Thành và ê kíp của ông, TFF cũng ngay lập tức kiện toàn bộ máy lãnh đạo mới. Đáng nói, tất cả họ đều là nữ.

Bà Vũ Tuyết Hằng, hiện là Tổng Giám đốc – người đại diện theo pháp luật của công ty, được bổ nhiệm làm thành viên HĐQT mới, thay thế bà Trần Hoài An kể từ ngày 13/8/2016.

Kế đó, cùng ngày, bà Hằng cũng được bầu giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT TTF; bà Phạm Thị Huyền Nga được bầu vào vị trí Phó Chủ tịch HĐQT.

Kể từ ngày 13/8, một “nữ tướng” mới là bà Dương Trịnh Thụy Như cũng được bổ nhiệm giữ ghế Phó Tổng Giám đốc thường trực, thay thế ông Tạ Văn Nam.

Liên quan đến các tân lãnh đạo của TTF, có một thông tin đáng chú ý là bà Vũ Tuyết Hằng - người vừa thế chân ông Võ Trường Thành ở vị trí lãnh đạo tối cao TTF - nguyên là Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup (HSX: VIC) nhiệm kỳ 2011 – 2015. Ngoài ra, từ năm 2010, bà Hằng cũng là Phó Tổng giám đốc tập đoàn này.

Bà Hằng tốt nghiệp Đại học Thương mại và có bằng Cử nhân Kinh tế đối ngoại, Đại học Ngoại thương. Trước khi trở thành Chủ tịch HĐQT TTF, bà đã là CEO công ty này từ tháng 5/2016.

Việc “thay máu” thượng tầng nêu trên ở TTF cho thấy một số điều.

Trước hết là một nỗ lực xử lý khủng hoảng. Mỗi cuộc khủng hoảng luôn cần có người chịu trách nhiệm, và ở đây, ông Thành là lãnh đạo cao nhất và cần phải chịu trách nhiệm lớn nhất. Sự thay đổi sẽ tạo ra diện mạo mới, kỳ vọng mới và khí thế mới.

Ở một giác độ nào đó, những thay đổi trong cơ cấu lãnh đạo ở TTF cũng thể hiện sự hiện diện và làm chủ đại cuộc của Vingroup ở TTF – doanh nghiệp vừa trải qua những tháng ngày liêu xiêu, bắt nguồn từ một tin xấu được “tiết lộ” từ chính Vingroup.

Cụ thể là thông tin CTCP Đầu tư Xây dựng Tân Liên Phát (thành viên của Vingroup) quyết định tạm dừng việc chuyển đổi khoản vay giá trị 1.201,9 tỷ đồng tại CTCP Tập đoàn kỹ nghệ Gỗ Trường Thành, với lý do: “Trong quá trình thẩm tra và đánh giá hoạt động kinh doanh của Gỗ Trường Thành, Tân Liên Phát đã phát hiện một số sai lệch nghiêm trọng giữa thông tin, số liệu thực tế so với thông tin, số liệu đã được TTF công bố.”

Công ty sẽ làm rõ các sai lệch này và sẽ có thông báo cách thức xử lý vào thời điểm thích hợp, phía Tân Liên Phát cho hay.

Trước đó, ngày 15/04/ 2016, Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016 Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành đã thống nhất thông qua với tỷ lệ 99,72% cổ phần tán thành việc phát hành 69,7 triệu cổ phiếu, để thực hiện các khoản vay chuyển đổi trị giá 1.201,9 tỷ đồng cho CTCP Đầu tư Xây dựng Tân Liên Phát. Theo dự kiến thì có 603,5 tỷ sẽ được chuyển đổi thành 42,5 triệu cp TTF với giá 14.200 đồng/cp và 598,4 tỷ chuyển thành 27,2 triệu cp với giá 22.000 đồng/cp.

Tin xấu đã đẩy cổ phiếu TTF vào một bi kịch tồi tệ. Thị giá liên tục “nện sàn” kể từ phiên 19/7 (ngày ra tin xấu) và hiện đang được giao dịch ở mức 11.400 đồng/cổ phiếu, giảm tới 73,9% so với mức giá đỉnh thiết lập hôm 18/7.

Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu với sự xuất hiện của dàn lãnh đạo mới, thỏa thuận về việc xử lý khoản vay chuyển đổi trị giá 1.201,9 đồng trước kia giữa Tân Liên Phát (mà rộng hơn là Vingroup) và TTF có tiếp tục được thực hiện? Và nếu thực hiện, thì giá chuyển đổi sẽ ra sao?

Về lý mà nói, đến lúc này cuộc chơi sẽ chỉ phụ thuộc vào ý chí của Vingroup.

Khá trùng hợp là song song với diễn biến thượng tầng ở TTF thì ngày 12/8/2016, HĐQT CTCP Đầu tư Căn nhà Mơ Ước (HSX: DRH) cũng ban hành Nghị quyết số 118/2016/DRH/NQ-HĐQT, quyết nghị chấp thuận đơn từ nhiệm thành viên HĐQT của bà Võ Diệp Cẩm Vân. Bà Vân sẽ không còn là thành viên HĐQT Công ty kể từ ngày 15/08/2016.

Nên biết, bà Vân chính là con gái của ông Võ Trường Thành – người vừa rời ghế Chủ tịch HĐQT TTF.

Lâu nay, thị trường vẫn râm ran về một sợ dây liên hệ giữa bộ ba DRH – KSB – TTF, bất chấp sự phủ nhận của những người trong cuộc./.

N.G