Trung Quốc - Ấn Độ - Nhật Bản ganh nhau ra mặt tại “yết hầu” Ấn Độ Dương

VietTimes -- Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản ganh đua "ra mặt" trong tranh chấp ảnh hưởng tại Sri Lanka, quốc gia có vị trí địa chiến lược quan trọng, nắm giữ "yết hầu" của tuyến hàng hải Ấn Độ Dương.
Tàu sân bay "Vikramaditya" dẫn đầu hạm đội Ấn Độ tiến vào cảng Colombo
Tàu sân bay "Vikramaditya" dẫn đầu hạm đội Ấn Độ tiến vào cảng Colombo

Ngay sau chuyến thăm của bộ ba chiến hạm Trung Quốc, đội tàu chiến Ấn Độ, dẫn đầu bởi tàu sân bay "Vikramaditya", cũng đã cập cảng Colombo.

Và không chỉ có vậy, theo tiết lộ của giới chức Sri Lanka, các tàu chiến của Hải quân Nhật Bản cũng đã "xếp hàng", sẵn sàng chờ đến lượt.

Không khó để lý giải cho sự quan tâm dồn dập từ các cường quốc hàng hải Châu Á, tới đảo quốc Ấn Độ Dương này. Chia sẻ quan điểm trên Sputnik, nhà phân tích Boris Volkhonsky, đến từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Liên bang Nga đánh giá:

"Sri Lanka có vị trí đắc địa trong chiến lược hải quân của nhiều cường quốc. Cụ thể, đảo quốc này nằm đúng nơi giao nhau giữa các tuyến đường biển quan trọng nối Trung Đông và Đông Phi với Đông Á và Đông Nam Á.

Vì vậy, đối với Trung Quốc, Sri Lanka là một nút quan trọng trong chiến lược biển "Chuỗi Ngọc Trai”, theo cách gọi của Phương Tây, mà Bắc Kinh hoạch định. Bản thân Trung Quốc gọi chiến lược này là "con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI".

Song, trong chiến lược này Trung Quốc muốn đặt mục tiêu kép. Một mặt Trung Quốc đang tìm cách bảo vệ các tuyến đường biển để vận chuyển an toàn các thứ hàng quan trọng, đặc biệt nhiên liệu hydrocarbon. Mặt khác, rõ ràng là Bắc Kinh muốn củng cố  sự hiện diện của mình ở Ấn Độ Dương.

Ở phía Nam Sri Lanka, Trung Quốc có các dự án quy mô lớn về xây dựng cơ sở hạ tầng và đang xây dựng cảng Hambantota. Đây sẽ là thành phố cảng lớn thứ hai sau Colombo và đảm bảo cho mục tiêu kép mà Bắc Kinh hướng tới.

Đến thời điểm hiện tại, chưa thấy nhắc gì về việc thành lập một căn cứ hải quân của Trung Quốc trong quy hoạch của Hambantota. Nhưng, chắc chắn ở đó sẽ có trạm tiếp nhiên liệu và bảo dưỡng các tàu Trung Quốc, bao gồm cả tàu chiến".

Chính vì vậy, Ấn Độ không thể không lo lắng trước việc Trung Quốc đang tăng cường sự hiện diện ở Ấn Độ Dương bằng việc rót những khoản tiền lớn dưới mác đầu tư kinh tế vào Sri Lanka.

Trên thực tế, các tàu ngầm và tàu chiến của Trung Quốc ngày càng thường xuyên đến thăm các cảng của đảo quốc Nam Á này.

Không ngẫu nhiên mà ngay sau chuyến thăm các tàu chiến Trung Quốc, đội tàu chiến của hải quân của Ấn Độ đã lập tức vào neo đậu tại cảng Colombo. 

Boris Volkhonsky phân tích: "Chuyến thăm của tàu sân bay Ấn Độ "Vikramaditya"  là một bằng chứng cho thấy rằng, bất chấp những vấn đề tồn đọng lâu nay giữa Ấn Độ và Sri Lanka liên quan đến tình trạng của những người thiểu số Tamil ở quốc đảo, hai nước này sẵn sàng phát triển sự hợp tác hiệu quả. Đối với Ấn Độ, điều đó có nghĩa là tạo ra một đối trọng với chính sách "Con đường tơ lụa trên biển" của Trung Quốc".

Một cường quốc châu Á khác cũng tham gia tranh giành ảnh hưởng tại khu vực địa chiến lược này là Nhật Bản.

Tokyo muốn trở thành một quyền lực toàn cầu chứ không  chỉ là một quốc gia khu vực, trong đó tất nhiên có cả những tham vọng Á Châu.

Bây giờ, lợi ích quốc gia của Nhật Bản không chỉ hạn chế ở khu vực Đông Á hay châu Á - Thái Bình Dương nữa. 

Do đó, theo phân tích của chuyên gia Nga, sự hiện diện của các tàu chiến Nhật Bản ở Ấn Độ Dương là một hiện tượng hoàn toàn có thể tiên liệu.

Chuyên gia phân tích Boris Volkhonsky kết luận, về phía Sri Lanka, Chính phủ nước này sẽ sử dụng lợi thế của vị trí địa chính trị.

Colombo sẽ không có ý định chỉ phụ thuộc vào Bắc Kinh, mà muốn phát triển quan hệ với các nước khác. Nhưng đồng thời cố gắng không hạn chế sự hợp tác cùng có lợi với Trung Quốc.

N.S (Theo Sputnik)