Sau hàng loạt vụ việc khủng bố liên tiếp mà IS đứng đằng sau thời gian gần đây, điển hình là vụ bắn rơi máy bay hành khách 7K9268 của Nga khi bay qua bán đảo Sinai khiến 224 người thiệt mạng, tiếp theo là vụ giết hại 43 dân thường ở Breirut bằng đánh bom tự sát và mới đây nhất là vụ tấn công liên hoàn vào Paris khiến 130 người thiệt mạng, có thể thấy những bên nào đang thực sự nghiêm túc chiến đấu với lực lượng gieo rắc chết chóc này và bên nào chỉ lợi dụng tình hình.
Thêm vào đó, có thể bắt đầu nhận ra rằng những ai đang lớn tiếng kêu gọi chống khủng bố nhưng trên thực tế lại bắt tay và hỗ trợ lực lượng này.
Thổ Nhĩ Kỳ có thể được coi là “mắt xích” chính trong mối liên hệ phức tạp này. Quan hệ giữa Ankara, IS, al Nursa và các nhóm thánh chiến khác hoạt động ở Syria đã hình thành từ lâu. Thực tế, nếu không được phép qua lại liên tục giữa biên giới Thổ Nhĩ Kỳ thì những nhóm khủng bố trên không thể hoạt động một cách dễ dàng và hiệu quả từ trước đến nay cho đến khi Nga can thiệp quân sự vào Syria.
Tuy nhiên, theo phân tích của chuyên gia David L Phillips, Đại học Columbia (Mỹ), sự hỗ trợ mà Thổ Nhĩ Kỳ dành cho các nhóm phiến quân, trong đó có IS, thậm chí còn nhiều hơn những gì mà thế giới biết.
Theo rất nhiều nguồn tin khác nhau, ông Phillips tiết lộ rằng chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO và là đồng minh quan trọng của phương Tây, đã giúp đỡ IS tuyển quân, huấn luyện quân và cung cấp thông tin tình báo cũng như chỗ trú ẩn an toàn cho nhóm khủng bố.
Gần đây còn có thêm thông tin mới được tiết lộ, đó là Thổ Nhĩ Kỳ là khách hàng chính mua lại số dầu mỏ mà phiến quân cướp được từ chính phủ Syria.
Có lẽ một bằng chứng tồi tệ nhất về vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ, đó là hành động lập lờ của chính phủ nước này khi bao vây thị trấn Kobani của người Kurd ở biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 9 và tháng 10/2014.
Như ông Phillips tiết lộ: “Anwar Moslem, thị trưởng của Kobani cho biết vào ngày 19/9/2014 rằng, theo những thông tin tình báo mà chúng tôi có hai ngày trước khi xảy ra cuộc chiến hiện tại, những đoàn tàu chở đầy các lực lượng và vũ khí đi qua phía bắc Kobani và dừng lại ở các làng Salib Qaran, Gire Sor, Moshrefat Ezzo.
Có rất nhiều bằng chứng về vụ việc này. Tại sao IS chỉ mạnh ở phía Đông Kobani? Tại sao tổ chức khủng bố này không phát triển ở phía Nam hay phía Tây?
Vì những đoàn tàu trên dừng lại ở các ngôi làng phía Đông Kobani, nên chúng tôi đoán rằng họ đã mang vũ khí và tiếp thêm quân cho IS. Ngoài ra, những người dân địa phương cũng cho biết mọi thứ từ quần áo mà phiến quân IS mặc cho đến các khẩu súng họ sử dụng đều đến từ Thổ Nhĩ Kỳ”.
Thế giới sẽ không bao giờ quên khi những người lính Kobani chiến đấu bảo vệ làng xóm trước hàng nghìn phiến quân IS thì các xe tăng và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, được trang bị đầy đủ vũ khí lại chỉ dàn trận trước biên giới và không tiến hành bất kỳ một hành động can thiệp nào.
Tương tự như vậy, hồi đầu năm, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành các cuộc không kích chống lại các tình nguyện viên người Kurd và liệt họ vào danh sách khủng bố. Việc chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đàn áp người Kurd đã có lịch sử từ rất nhiều năm trước.
Tổng thống Erdogan và chính phủ của ông có một tầm quan trọng không thể chối cãi trong việc tái bình ổn Syria. Cũng giống như các nước Ả Rập và vùng Vịnh khác, trước khi Nga can thiệp quân sự vào Syria, Thổ Nhĩ Kỳ coi đất nước này như một con vật đang giãy chết, chờ Damascus tự lụi tàn sau đó sẽ vực dậy từ đống tro tàn.
Nếu phương Tây muốn nghiêm túc trong vấn đề chiến đấu với chủ nghĩa khủng bố, nghiêm túc trong việc mang lại sự ổn định cho khu vực Trung Đông thì cần phải xem xét lại mối quan hệ mật thiết cả với Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Ả Rập bởi các chính phủ này suốt 4 năm qua đã liên tục “đấu đá” nhau.
Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng chiến đấu cơ của Nga bị bắn hạ vì đã vi phạm không phận của nước này cũng như phớt lờ lời cảnh báo nên phải nhận hậu quả đích đáng. Tuy nhiên, nếu nhìn lại thời điểm trước khi Nga can thiệp vào cuộc xung đột, Thổ Nhĩ Kỳ đã không biết bao nhiêu lần vi phạm không phận cũng như biên giới đường bộ của Syria.
Với sự hiện diện của Nga ở Syria đã khiến chính quyền của ông Erdogan không đi theo được mục tiêu đã định ban đầu, vì vậy nước này muốn nhờ sự hỗ trợ của NATO để gây áp lực buộc Nga phải ngừng các cuộc không kích IS.
Điều này cũng giải thích tại sao phương Tây liên tục từ chối lời kêu gọi hợp tác của Tổng thống Putin trong hoạt động xóa bỏ hoàn toàn tổ chức khủng bố IS và các nhóm phiến quân cực đoan khác.
Khi những cuộc khủng bố liên tiếp xảy ra ở Pháp, Nga, Lebanon gần đây cùng việc từ chối tham gia liên minh của phương Tây có thể khẳng định vai trò không thể chối cãi của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc xung đột tại Syria cũng như hé lộ nguyên nhân thực sự đằng sau hành động bắn hạ máy bay Nga của Ankara.
Song, như câu thành ngữ “Gieo gió ắt có ngày gặp bão”, những hành động mờ ám có ngày sẽ phơi bày trước ánh sáng.
Theo Tuệ Minh - Infonet