Chiếm lại được thành trì cuối cùng, cắt đường tiếp liệu của phe nổi dậy được Tây phương yểm trợ, sẽ là một chiến thắng quyết định của Moscow.
Được không quân Nga trút bom dọn đường, các đơn vị quân đội Syria, Hezbollah-Lebanon, vệ binh Hồi giáo Iran ồ ạt tiến về Aleppo, với mục đích bao vây thành phố chiến lược, thủ đô kinh tế của Syria, bị đối lập võ trang kiểm soát từ năm 2012. Đây là lần đầu tiên từ ba năm nay, quân đội Syria giành lại miền bắc Syria và chỉ cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ có 20 km.
Diễn biến trên chiến trường và bế tắc ở bàn hội nghị đã buộc tổng thư ký Liên Hiệp Quốc phải chỉ trích Nga «làm hỏng» tiến trình hoà đàm. Trên báo Financial Times, ông Ban Ki Moon nhận định, ngay khi hoà đàm mở ra tại Genève, trên chiến trường các cuộc oanh kích vẫn tiếp diễn và hành quân trên bộ bắt đầu. Nga cũng bị thủ tướng Đức Angele Merkel lên án vi phạm Nghị quyết 2254 của Hội Đồng Bảo An khi tiếp tục oanh kích sát hại thường dân và đẩy hàng chục ngàn người chạy loạn.
Theo giới phân tích, sự kiện Nga không ngần ngại dùng cả bom bi tấn công vào Aleppo và các trận đánh diễn ra trong vùng lân cận cho thấy hòa đàm Genève giữa phe chính phủ và đối lập Syria chỉ là mồi nhử. Theo phương Tây, từ khi Nga can thiệp quân sự vào Syria đ, phần lớn bom đạn tập trung tấn công phe nổi dậy thân phương Tây, siết dần gọng kìm lên phía bắc thay vì tiêu diệt IS và «thủ đô» Raqa của nhóm khủng bố này ở miền đông.
Trong bài xã luận «Bài học cay đắng Aleppo» Nhật báo Le Monde phân tích: đánh vào Aleppo, Nga làm một công hai việc là bao vây chốt chiến lược cuối cùng của phe nổi dậy, chận đường tiếp viện từ Thổ Nhĩ Kỳ mà còn tạo ra làn sóng tị nạn, tạo thêm gánh nặng cho kẻ thù muốn lật đổ chế độ Bashar al Assad.
Vào thời điểm tình hình chiến sự Syria chuyển đổi theo chiều hướng thuận lợi cho Damascus, nhật báo độc lập của Pháp đưa ra 3 nhận xét.
Thứ nhất là về quân sự: Moscow đánh cược vào chiến thắng của quân đội Syria, được tái trang bị dồi dào và được chiến binh Iran, dân quân Hezbollah Lebanon yểm trợ trên chiến địa, phối hợp với không quân, đẩy lui các lực lượng nổi dậy, từ «Quân đội Syria Tự do» đến Mặt Trận Al Nostra để mở rộng và kiểm soát một vùng lãnh thổ «ích lợi».
Nhận xét thứ hai là xem ai thua ai thắng trong giải pháp quân sự này. Trong phe thắng cuộc thì cho đến hiện nay, chính quyền Damascus là kẻ giành được thượng phong. Thứ đến là lực lượng Kurd, củng cố được một vùng lãnh thổ rộng lớn sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Về phần tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS, cho đến bây giờ, lực lượng thánh chiến vũ trang mạnh nhất vẫn được Nga để yên. Bên thua cuộc, theo Le Monde, là Ả Rập Xê Út và Thổ Nhĩ Kỳ, bảo trợ trực tiếp cho cuộc nổi dậy võ trang tại Syria và đánh cược vào sự sụp đổ của chế độ Damascus.
Nhận xét cuối cùng dành cho Mỹ. Siêu cường số một vắng mặt và im lặng một cách đáng ngại trước diễn biến tình hình đi ngược lại những gì Washington đòi hỏi: hoà đàm và giải pháp chính trị. Câu hỏi đặt ra là phải chăng chính quyền Mỹ bị tổng thống Nga Putin ru ngủ? Hay là Washington đồng lõa thụ động nhường cho Moscow kiểm soát Syria?
Nghi vấn cuối cùng là Mỹ tự ý dọn đường rút chân, theo một logic đã từng thấy trong quá khứ, một khi đã hoà giải được với đối thủ số một.