“Đường lưỡi bò” Biển Đông khiến cả thế giới chống Trung Quốc

VietTimes -- Chừng nào Trung Quốc còn từ chối chơi theo luật chơi quốc tế, thì các nước khác còn có quyền kháng cự, bao gồm việc cho máy bay bay qua hoặc cho tàu thực hiện các hoạt động tự do hàng hải như Mỹ đang tiến hành, cựu Ngoại trưởng Úc Gareth Evans nêu rõ.
Trung Quốc ngang nhiên xây dựng đường băng và các công trình phục vụ mục đích quân sựtrên Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam - Ảnh: Reuters
Trung Quốc ngang nhiên xây dựng đường băng và các công trình phục vụ mục đích quân sựtrên Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam - Ảnh: Reuters

Theo South China Morning Post ngày 28/5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter ngày 27/5 cảnh báo Trung Quốc có nguy cơ tạo ra một “Vạn lý trường thành tự cô lập” thông qua các động thái khiêu khích các quốc gia láng giềng.

Phát biểu trên được ông Carter đưa ra trước các sĩ quan tốt nghiệp tại Học viện Hải quân ở  Annapolis, bang Maryland. Ông Carter nói rằng Trung Quốc muốn có được những lợi ích từ thương mại tự do và Internet miễn phí nhưng đôi khi tự mình hạn chế cả hai thứ đó.

“Trung Quốc chơi theo luật của riêng họ. Kết quả là hành động của Trung Quốc có thể dựng lên bức tường Vạn lý trường thành của sự tự cô lập. Các nước trên toàn khu vực, các đồng minh, đối tác và những bên không liên minh đang bày tỏ quan ngại cả công khai lẫn bí mật tại các cấp cao nhất, các cuộc nhóm họp khu vực hay diễn đàn toàn cầu”, ông Carter cho biết.

Trung Quốc đang gây căng thẳng khu vực với yêu sách chủ quyền ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế với hầu như toàn bộ biển Đông, với việc ồ ạt bồi đắp phi pháp các thực thể thành đảo nhân tạo, xây dựng trái phép đường băng, bến cảng và cơ sở hạ tầng có thể phục vụ mục đích quân sự.

Theo ông Carter, Trung Quốc muốn vấn đề Biển Đông không dính líu vào quan hệ Mỹ - Trung trên diện rộng nhưng Mỹ không thể chấp nhận như vậy. “Hành động của Trung Quốc thách thức các nguyên tắc căn bản và chúng tôi sẽ không nhìn nhận theo hướng khác”, ông Carter nhấn mạnh. Tái khẳng định quyền tự do hàng hải trong vùng biển quốc tế, ông Carter nhấn mạnh Mỹ sẽ tiếp tục “bay, hải hành và hoạt động” bất cứ đâu mà pháp luật cho phép để bảo vệ quyền của các quốc gia.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng đã tuyên bố bằng các hành động đơn phương ở Biển Đông, Trung Quốc đang tự cô lập mình, làm cho các nước láng giềng quay sang chống lại Bắc Kinh. Phát biểu trước Ủy ban đặc trách chi tiêu của Hạ viện hôm 25/2, Bộ trưởng Ash Carter nhấn mạnh việc Trung Quốc bồi đắp đảo nhân tạo và đưa thiết bị quân sự ra các hòn đảo có tranh chấp ở Biển Đông khiến các đồng minh cũ của Mỹ như Nhật Bản và Philippines, cùng các đồng minh mới như Việt Nam và Ấn Độ, gia tăng hợp tác với Mỹ.

Ông Carter nói sự việc này gây chú ý công luận không phải vì Mỹ có động thái gì mới mẻ vì Mỹ lâu nay vẫn cho tàu qua lại trong vùng Biển Đông và sẽ tiếp tục như thế ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.

Theo cựu Ngoại trưởng Úc Gareth Evans hiện là hiệu trưởng trường Đại học Quốc gia Úc,  sự chỉ trích trực tiếp trong Sách trắng Quốc phòng Úc rõ ràng nhằm vào Trung Quốc. Cho dù điều gì đang diễn ra ở Biển Đông thì Trung Quốc cũng cho thấy không tôn trọng một trật tự toàn cầu dựa trên luật lệ. Tuân theo các luật lệ sẽ đồng nghĩa với Trung Quốc phải thay đổi cách hành xử.

Trước hết, Trung Quốc phải giải thích rõ ràng những yêu sách chủ quyền cụ thể, trên cơ sở sự sử dụng lâu dài hoặc sự chiếm giữ các đảo có thể có người ở, tại quần đảo Hoàng Sa hoặc Trường Sa hoặc những nơi khác. Khi những yêu sách đó chồng lấn với những yêu sách của các nước khác, như phần lớn các yêu sách hiện nay, Trung Quốc phải sẵn sàng giải quyết chúng, ưu tiên qua phân xử hoặc trọng tài quốc tế –  việc cho đến nay Trung Quốc vẫn phản đối mạnh mẽ –  hoặc ít nhất bằng đàm phán thực sự mang tính thỏa hiệp có đi có lại.

Thứ hai, Trung Quốc sẽ phải từ bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” như là cơ sở không chỉ cho những yêu sách chủ quyền liên quan đến những phần lãnh thổ ở bên trong đường này, mà còn cho những yêu sách kém rõ ràng như về “vùng biển lịch sử” hoặc “ngư trường truyền thống của Trung Quốc”. Do tàu cá Trung Quốc đang liên tục xâm phạm vào khu vực mà cho đến nay là vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý không bị tranh chấp của các nước khác theo UNCLOS, những yêu sách này đang gây ra tranh chấp thực sự với các quốc gia như Indonesia.

Trung Quốc vẽ
Trung Quốc vẽ "đường lưỡi bò" tham lam, phi pháp hòng độc chiếm Biển Đông đã bị cả thế giới lên án

UNCLOS – giờ được chấp nhận rộng rãi như là thông luật quốc tế thậm chí bởi những quốc gia chưa tham gia, như là Mỹ là bộ khung pháp lý duy nhất chấp nhận được để giải quyết những vấn đề trên. Thậm chí nếu các yêu sách chủ quyền hiện tại của Trung Quốc đối với các đảo cụ thể có người ở được chấp nhận, thì vùng lãnh hải 12 hải lý, và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ các đảo này, cộng lại cũng không chiếm đến 80% Biển Đông như đường chín đoạn của Trung Quốc hiện nay đang bao trùm.

Thứ ba, Trung Quốc sẽ cần phải nghiêm túc hạn chế các hành động của mình liên quan đến các bãi san hô và bãi cạn, trước đây chưa bao giờ có thể có người sinh sống được, nơi mà nước này đang cải tạo lại, xây dựng các đường băng và các công trình có khả năng sử dụng cho mục đích quân sự, và đang nỗ lực ngăn chặn các nước khác sử dụng các vùng nước và không phận lân cận.

Philippine, Việt Nam và Malaysia có thực hiện cải tạo đảo trong những năm qua, nhưng chỉ với  quy mô nhỏ hơn rất nhiều so với Trung Quốc. Nhưng luật pháp quốc tế sẽ không thể chấp nhận bất kỳ sự sử dụng nào cho mục đích quân sự, hoặc chấp nhận một “khu vực an toàn” lớn hơn 500 mét xung quanh những công trình đó – tức không chấp nhận một vùng lãnh hải, EEZ, vùng nhận diện phòng không hoặc bất kỳ cái gì khác xung quanh các đảo nhân tạo đó.

Thứ tư, Trung Quốc nên giảm nhẹ quan điểm của mình rằng không tàu hoặc máy bay nước ngoài nào có thể tham gia giám sát hoặc thu thập tình báo không chỉ trong khu vực lãnh hải của mình, điều mà luật quốc tế đã quy định rõ ràng, mà còn trong toàn bộ EEZ, điều mà lập luận của Trung Quốc là không hoàn toàn mạnh mẽ. Bám chặt vào quan điểm này làm kéo dài một rủi ro thường trực là xảy ra các sự cố mang tính khiêu khích.

Chừng nào Trung Quốc còn từ chối chơi theo luật chơi quốc tế, thì các nước khác còn có quyền kháng cự, bao gồm việc cho máy bay bay qua hoặc cho tàu thực hiện các hoạt động tự do hàng hải như Mỹ đang tiến hành. Sự khẳng định của Trung Quốc rằng nước này không có ý định gây cản trở các tuyến đường hàng hải và đường bay thương mại không nên được tin tưởng, bởi làm khác đi sẽ chẳng khác gì lấy tay vả miệng mình. Nhưng cách hành xử của Trung Quốc đang thử thách giới hạn của sự cảm thông và kiên nhẫn của khu vực và quốc tế, ông Gareth Evans quả quyết.