“Chiến tranh cá” Biển Đông: Ngư dân Trung Quốc được trả tiền xâm lấn Trường Sa

"Chính phủ trả cho chúng tôi 180.000 nhân dân tệ (25.000 euro) để đi ra Trường Sa mà không cần làm gì cả, chỉ ở đó hai tuần là được", ngư dân Trung Quốc tiết lộ.
Hạm đội tàu cá hung hãn là một công cụ thực hiện tham vọng chủ quyền của Trung Quốc
Hạm đội tàu cá hung hãn là một công cụ thực hiện tham vọng chủ quyền của Trung Quốc

Tờ The Straits Times của Singapore báo động về nguy cơ chiến tranh tại Biển Đông với bài báo có tựa đề "Chiến tranh Cá ở Biển Đông", nhìn từ đảo Hải Nam của Trung Quốc, trích dẫn rộng rãi quan điểm của ngư dân Trung Hoa mà sự suy nghĩ và hành động bị chế độ Trung Quốc điều kiện hóa, từ thông tin một chiều cho đến hỗ trợ tài chính để cuối cùng, cũng như các đồng nghiệp khác trong vùng, biến thành «con tốt» trong cuộc chiến tranh giành chủ quyền giữa Trung Quốc và các láng giềng.

Trong chiến lược Biển Đông của Bắc Kinh, ngư dân Hải Nam đóng vai trò chính trị then chốt trong việc tranh giành chủ quyền với các nước láng giềng.  "Chính phủ trả cho chúng tôi 180.000 nhân dân tệ (25.000 euro) để đi ra Trường Sa, không cần làm gì cả, chỉ ở đó hai tuần là được", một ngư dân tiết lộ.

Mặt khác, do tình trạng hải sản càng ngày càng khan hiếm và để thỏa mãn thị trường khổng lồ 1,4 tỷ người, ngư dân Trung Quốc buộc phải phiêu lưu xa hơn và họ thú nhận xâm nhập trái phép ngư trường của các quốc gia láng giềng.

Nhìn nhận họ là những người thất học, đánh cá là «nồi cơm» cho gia đình, cho nên ngư dân Hải Nam dễ dàng trở thành «tay sai» của chính quyền, theo phân tích của một chuyên gia nghiên cứu quốc tế mà The Straits Times chỉ nêu họ là ông Trương. Nhà nghiên cứu này nói rằng «ngư dân không muốn chiến tranh vì sợ tính mạng bị đe dọa». Đích thân ông Tập Cận Bình đến tận Hải Nam để bảo đảm với ngư dân là sẽ được hải quân bảo vệ.

Để kết luận, nhật báo Singapore trích lời một ngư dân 28 tuổi tâm sự: "Tôi thất học nên phải đánh cá kiếm sống, nhưng tôi không muốn con tôi lao vào nghiệp này».