Đó là một trong những nội dung được công bố trong Báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT Việt Nam - Vietnam ICT Index 2016. Đây là năm thứ 11 Bộ TT&TT phối hợp với VAIP thực hiện báo cáo Vietnam ICT Index.
Với từng lĩnh vực như sản xuất sản phẩm CNTT và cung cấp dịch vụ CNTT có sự phân tán đều theo chiều dài lãnh thổ, chủ yếu tập trung ở các vùng đồng bằng hoặc khu vực các vùng kinh tế trọng điểm và ít tập trung vào khu vực miền núi. Trong khi các hoạt động buôn bán, phân phối sản phẩm, dịch vụ CNTT có ở hầu hết các tỉnh trên cả nước.
Cả nước có hơn 40.000 doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực CNTT với số nhân lực trên 700.000 người. Tổng doanh thu từ hoạt động sản xuất sản phẩm và cung cấp dịch vụ CNTT năm 2015 đạt 1.354.377 tỷ đồng, trong đó doanh thu xuất khẩu chiếm hơn 84,4%, nộp ngân sách nhà nước đạt gần 17.000 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động kinh doanh, phân phối sản phẩm và dịch vụ CNTT năm 2015 cũng đạt 71.525 tỷ đồng.
Top 10 địa phương dẫn đầu về Chỉ số sản xuất kinh doanh CNTT. |
Trong đó, riêng với hoạt động sản xuất sản phẩm CNTT, cả nước có tới 37 địa phương có phát sinh doanh thu liên quan đến sản xuất các lĩnh vực công nghiệp CNTT như công nghiệp phần cứng, phần mềm và nội dung số.
Riêng 5 địa phương dẫn đầu về hoạt động sản xuất sản phẩm CNTT là Bắc Ninh, Thái Nguyên, TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng chiếm tới trên 89% tổng doanh thu sản xuất, gần 95% doanh thu xuất khẩu và gần 90% giá trị nộp ngân sách nhà nước.
Có 15/63 địa phương có doanh thu xuất khẩu sản phẩm CNTT gồm Bắc Ninh, Thái Nguyên, TP.HCM, Hà Nội, Bình Phước, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Ninh Bình, Phú Thọ, Hải Phòng, Quảng Nam, Long An, Bình Dương và Thanh Hóa. Trong đó, dẫn đầu về doanh thu và xuất khẩu sản phẩm CNTT là Bắc Ninh với trên 556.800 tỷ đồng doanh thu và gần 475.500 tỷ đồng xuất khẩu; xếp thứ 2 là Thái Nguyên với tổng doanh thu 318.700 tỷ đồng và giá trị xuất khẩu 360.000 tỷ đồng; tiếp đó là TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng.
Bắc Ninh cũng là địa phương nộp thuế nhiều nhất cho ngân sách Nhà nước từ các doanh nghiệp sản xuất CNTT trong địa phương với giá trị trên 4.800 tỷ đồng gấp 2,5 lần so với Hà Nội và 20 lần so với TP.HCM.
Năm 2015, cả nước có gần 11.500 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất sản phẩm CNTT với gần 510.000 lao động trong đó 5 địa phương dẫn đầu chiếm 69,15% tổng số doanh nghiệp và 71,20% tổng số lao động trong hoạt động này. Xét về thu nhập bình quân năm/lao động thì Hà Nội và TP.HCM vẫn dẫn đầu với giá trị lần lượt là 143 triệu đồng/người và 104 triệu đồng/người tương ứng.
Về hoạt động cung cấp dịch vụ CNTT, cả nước có 27 địa phương có phát sinh doanh thu liên quan đến dịch vụ CNTT. Năm địa phương dẫn đầu về hoạt động cung cấp dịch vụ CNTT là Hà Nội, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và Thanh Hóa chiếm tới 96,7% tổng doanh thu dịch vụ CNTT, 99,77% doanh thu xuất khẩu, 99,53% giá trị nộp ngân sách nhà nước.
Có 3/63 địa phương có doanh thu xuất khẩu dịch vụ CNTT gồm: Đà Nẵng, TP.HCM và Cần Thơ. Dẫn đầu về doanh thu dịch vụ CNTT là Hà Nội với trên 91.700 tỷ đồng; xếp thứ hai là TP.HCM với hơn 63.100 tỷ đồng. Hà Nội cũng là địa phương thu được thuế nhiều nhất cho ngân sách nhà nước từ các doanh nghiệp dịch vụ CNTT với giá trị trên 1.700 tỷ đồng, gấp 24 lần so với TP.HCM.