Vậy ở nước ta đã có chính sách thuế áp dụng đối với kinh doanh thương mại điện tử hay chưa? Bán hàng trên Facebook có phải nộp thuế hay không? Nếu nộp thì việc kê khai nộp thuế của doanh nghiệp, cá nhân được thực hiện như thế nào? Trường hợp nào không phải nộp thuế? Nộp như thế nào? Căn cứ vào đâu?....
Khó trông đợi sự tự giác
Chính sách thuế hiện hành của Việt Nam được điều chỉnh đối với tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh, không phân biệt thương mại truyền thống hay thương mại điện tử.
Khi bắt đầu tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh, các tổ chức, cá nhân phải có nghĩa vụ đăng ký thuế, kê khai những thông tin theo mẫu quy định và nộp tờ khai cho cơ quan quản lý thuế để bắt đầu thực hiện nghĩa vụ về thuế với Nhà nước.
Đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh đã thực hiện đăng ký thuế với cơ quan thuế, được cấp mã số thuế đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, nay mở rộng thêm hoạt động kinh doanh thương mại điện tử thì chỉ cần khai bổ sung thông tin với cơ quan thuế.
Trường hợp các tổ chức, cá nhân nước ngoài không hiện diện ở Việt Nam, không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thực hiện hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, cung cấp các dịch vụ quảng cáo trực tuyến qua hệ thống các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử… cho tổ chức, cá nhân kinh doanh tại Việt Nam, thì tổ chức, cá nhân kinh doanh mua dịch vụ của phía nước ngoài tại Việt Nam phải ký hợp đồng với phía nước ngoài, khấu trừ và nộp thuế thay cho nhà thầu nước ngoài, thực hiện nghĩa vụ nộp hồ sơ khai thuế, hồ sơ khai quyết toán thuế cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp của bên Việt Nam.
Bên Việt Nam mua dịch vụ của nước ngoài cũng có trách nhiệm đăng ký thuế với cơ quan thuế quản lý trực tiếp để thực hiện nộp thay thuế cho phía nước ngoài, trong phạm vi 20 ngày làm việc kể từ khi ký hợp đồng. Việc thực hiện nghĩa vụ cho trường hợp này được áp dụng theo Thông tư số 103/2014/TT- BTC ngày 6/8/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật quản lý thuế.
Theo đó, đối với doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử, trò chơi điện tử trực tuyến, quảng cáo trực tuyến, nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế thì theo chế độ hiện hành; doanh nghiệp phải nộp thuế GTGT cơ bản theo thuế suất 10% và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo thuế suất là 20%.
Đối với cá nhân kinh doanh (không thành lập doanh nghiệp) có hoạt động kinh doanh thương mại, bán hàng qua mạng thì thực hiện nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp trên GTGT; nộp thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ quy định trên doanh thu bán hàng hóa dịch vụ.
Cụ thể, đối với bán hàng hóa qua mạng xã hội, các hình thức bán hàng trực tuyến… cá nhân phải nộp thuế GTGT theo thuế suất 1% và thuế thu nhập cá nhân theo mức thuế suất 0,5% trên doanh thu bán hàng. Nhưng việc thu thuế chỉ áp dụng với các cá nhân có mức doanh thu bán hàng trên 100 triệu đồng/năm, trường hợp trong năm, cá nhân có mức doanh thu không quá 100 triệu đồng/năm thì không phải nộp thuế GTGT và thuế thu nhập cá nhân.
Việc xác định doanh thu đến 100 triệu đồng của cá nhân kinh doanh để được miễn thuế GTGT, thuế thu nhập cá nhân cũng như xác định doanh thu nộp thuế hàng tháng, quý đối với hoạt động bán hàng qua mạng Facebook, mạng xã hội theo quy định của Luật quản lý thuế, các Luật thuế liên quan và các văn bản hướng dẫn thực hiện hiện hành.
Các quy định về nghĩa vụ thuế trên được hướng dẫn chung cho tất cả các đối tượng nộp thuế, các hàng hóa dịch vụ kinh doanh nói chung, cho cả tổ chức cá nhân trong nước, nước ngoài có phát sinh nghĩa vụ thuế. Tức là chưa có văn bản hướng dẫn thật cụ thể cho các hoạt động đặc thù như kinh doanh thương mại điện tử, quảng cáo trực tuyến, sàn giao dịch thương mại điện tử.... nên trong thực tế còn gặp khó khăn, buông lỏng.
Không chỉ các mạng xã hội như Facebook, các trang Google, Yahoo… mà các trang báo điện tử của Việt Nam có lượt người truy cập đông đều tràn ngập quảng cáo bán hàng hóa dịch vụ, quảng cáo… Nhưng tiền thuế trong hoạt động này đã thu được bao nhiêu?
Dẫu biết rằng nộp thuế là quyền lợi và nghĩa vụ của các tổ chức cá nhân đối với đất nước, mọi người phải tự giác tuân thủ pháp luật về thuế, nhưng trong lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử thì chúng ta không thể chỉ chờ đợi vào sự tự giác để tuân thủ.
Gần đây, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã có văn bản hướng dẫn nộp thuế đối với hoạt động kinh doanh của Uber và hoạt động đặt phòng khách sạn của Agoda cũng như các đơn vị khác. Đồng thời, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đang khẩn trương xúc tiến tăng cường việc tổ chức thu, quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, trong đó có hoạt động thương mại trên mạng xã hội Facebook rất thông dụng ở Việt Nam.
Vẫn còn lỗ hổng khá lớn
Thực tế hiện nay cho thấy việc quản lý thuế với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đang có lỗ hổng khá lớn cả với phía nước ngoài có hoạt động kinh doanh ở các trang mạng của Việt Nam và ngay cả các tổ chức, cá nhân Việt Nam đang kinh doanh trong lĩnh vực này.
Trong những năm gần đây, ở nước ta đã hình thành các doanh nghiệp chuyên kinh doanh thương mại điện tử. Các doanh nghiệp này đều có tốc độ tăng trưởng nhanh, một số doanh nghiệp có doanh thu hàng nghìn tỷ đồng, trong khi đó số tiền nộp ngân sách lại không đáng kể.
Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là nơi phát triển hoạt kinh doanh thương mại điện tử sớm nhất, có doanh thu quảng cáo, mua bán các dịch vụ, sản phẩm qua mạng cao nhất trong cả nước, tuy nhiên tiền thuế do doanh nghệp tự khai, tự tính, tự nộp vào NSNN lại không tương ứng với doanh thu thực tế. Qua công tác thanh tra theo cơ chế quản lý rủi ro, cơ quan thuế ở hai địa bàn này đã phát hiện và truy thu hàng trăm tỷ đồng của các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, việc thanh tra của cơ quan thuế đang chiếm tỷ trọng khá khiêm tốn, mới chỉ đạt khoảng 13% số lượng doanh nghiệp đang hoạt động, riêng việc thanh tra trong lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử còn gặp nhiều khó khăn hơn. Bởi công tác thanh, kiểm tra trong lĩnh vực này đòi hỏi những yêu cầu cao hơn với so với thanh tra thuế thông thường, đòi hỏi cán bộ công chức thuế ngoài trình độ nghiệp vụ thuế chuyên sâu còn phải tinh thông tin học, ngoại ngữ, có kiến thức về các giao dịch thương mại điện tử....
Trong quá trình thanh tra, phải có sự hỗ trợ, vào cuộc của các tổ chức tín dụng, cơ quan quản lý chức năng có liên quan mới có thể xác định luồng tiền thanh toán; truy tìm dấu vết giao dịch, kết xuất dữ liệu lịch sử giao dịch… làm cơ sở truy thu thuế đối với các doanh thu không kê khai hoặc kê khai không đầy đủ. Thậm chí phải có hỗ trợ của chuyên gia công nghệ thông tin để phục hồi dữ liệu trong trường hợp doanh nghiệp cố tình xoá thông tin liên quan đến kinh doanh, cung ứng dịch vụ.
Thứ hai, hoàn thiện chính sách, hướng dẫn thực hiện và tăng cường quản lý thuế đối với kinh doanh thương mại điện tử.
Để tăng cường kiểm soát các giao dịch thương mại điện tử, đảm bảo bình đẳng về nghĩa vụ thuế giữa các phương thức kinh doanh, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các văn bản pháp luật về thuế hiện hành để phù hợp với sự phát triển, cũng như tình hình thực tế hoạt động của các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử. Đồng thời tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động này.
Trước hết, cần ban hành Thông tư của Bộ Tài chính và các công văn hướng dẫn chi tiết thực hiện chính sách và quản lý thuế áp dụng đặc thù đối với kinh doanh thương mại điện tử, trò chơi điện tử, quảng cáo hàng hóa dịch vụ trực tuyến. Trong đó xác định trách nhiệm, nghĩa vụ thuế, cách kê khai, tính thuế, khấu trừ thuế tại nguồn, nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước đối với từng đối tượng cụ thể: Doanh nghiệp nước ngoài có cơ sở thường trú tại Việt Nam, không có cơ sở thường trú tại Việt Nam; cá nhân người nước ngoài cư trú tại Việt Nam, không cư trú tại Việt Nam; doanh nghiệp thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam; cá nhân người Việt Nam kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Thông báo thuế ngay trên các “gian hàng” của mạng xã hội
Đối với cơ quan thuế, việc đầu tiên là cần triển khai ngay việc đăng ký thuế, bổ sung thông tin thay đổi về thuế đối với các tổ chức, cá nhân đang tiến hành kinh doanh thương mại điện tử. Việc thông báo thời hạn đang ký thuế được thực hiện ngay cả trên các “gian hàng” của họ trên mạng Facebook, mạng xã hội.
Bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống chính sách, áp dụng cơ chế quản lý rủi ro, thì cần thiết phải xây dựng, ban hành quy trình nghiệp vụ quản lý thuế đối với kinh doanh thương mại điện tử cho từng lĩnh vực cụ thể; xây dựng quy trình thanh tra, kiểm tra riêng đối với hoạt động này. Thực hiện công tác đào tạo chuyên sâu các kiến thức về thương mại điện tử và công nghệ thông tin; kỹ năng khai thác dữ liệu điện tử cho đội ngũ cán bộ công chức thuế, đặc biệt là công chức làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra.
Tăng cường phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước liên quan; phối hợp với các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại; các công ty viễn thông, các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền dẫn, cung cấp hạ tầng mạng… để trao đổi, thu thập, nắm bắt thông tin của các đơn vị có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, từ việc đăng ký tên miền, thuê máy chủ, thuê đường truyền dẫn, thanh toán tiền cung ứng dịch vụ theo phương thức thanh toán trực tuyến linh hoạt, như ví điện tử, thẻ visa, qua dịch vụ trung gian và thanh toán qua ngân hàng….
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách chế độ thuế, nâng cao chất lượng dịch vụ hỗ trợ người nộp thuế, kết hợp với công tác xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành Thuế về doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp kinh doanh liên quan đến thương mại điện tử nói riêng và triển khai rộng rãi đồng bộ dịch vụ khai thuế điện tử với nộp thuế điện tử, hoá đơn điện tử… tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng với các dịch vụ này, góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật về thuế.
Thực hiện đầy đủ chế độ trao đổi thông tin với cơ quan thuế các quốc gia, vùng lãnh thổ đã ký kết hiệp định tránh đánh thuế trùng với Việt Nam, mà ở các quốc gia, vùng lãnh thổ này các tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động kinh doanh thương mại điện tử tại Việt Nam để nắm bắt thông tin về doanh thu, thu nhập phát sinh tại Việt Nam, xác định nghĩa vụ thuế… ngăn ngừa hành vi gian lận, trốn, tránh thuế tại Việt Nam.
* Tác giả Nguyễn Thị Cúc hiện là Chủ tịch Hội tư vấn thuế, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế.
Theo VGP