Cụ thể, 8 tháng đầu năm 2016, rau quả xuất siêu hơn 1 tỷ USD, vượt qua lúa gạo để trở thành mũi nhọn nông sản xuất khẩu, với kim ngạch 1,57 tỷ USD, tăng trưởng 21,8% so với cùng kỳ năm 2015. Trong số các thị trường nhập rau quả Việt Nam, Trung Quốc là thị trường lớn nhất, chiếm đến 70%, đạt 1,09 tỷ USD, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đứng vị trí thứ hai về kim ngạch là thị trường Hàn Quốc, đạt 59,44 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2015, chiếm 3,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tiếp đến, thị trường Hoa Kỳ đạt 54,76 triệu USD, chiếm 3,5%, tăng 35,3% so với cùng kỳ năm trước.
Bộ Trưởng Bộ NNPTNT cho biết thêm, “Bình quân chung, tăng trưởng xuất khẩu rau quả từ đầu năm đến nay khoảng 37%/tháng. Trong năm nay, giá trị xuất khẩu rau quả có khả năng lần đầu tiên sẽ vượt gạo và cán mốc khoảng 2,5-2,6 tỷ USD/năm, góp phần bù đắp cho mức tăng trưởng âm của ngành nông nghiệp trong những tháng đầu năm nay”.
Cụ thể, xét về mức tăng trưởng xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2016, hầu hết các thị trường đều đạt mức tăng trưởng kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái; một số thị trường có mức tăng trưởng cao như: Anh tăng 39%; sang UAE tăng 37,1%; Malaysia tăng 23,3%;... Tuy nhiên, xuất khẩu lại sụt giảm mạnh ở một số thị trường như: Campuchia giảm 193,7%; Hồng Kông giảm 105%; sang Cô Oét giảm 146,6%;…
Bên cạnh những thị trường truyền thống, thời gian qua ngành rau quả cũng tích cực mở mới nhiều thị trường, đặc biệt là những thị trường “khó tính” đòi hỏi chất lượng cao như Mỹ, EU, Nhật Bản, Canada, Australia, New Zeland... Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, vải thiều, xoài của Việt Nam đã đến được thị trường Australia, Mỹ và sắp tới thanh long Việt Nam cũng sẽ có mặt tại Australia.
Mặc dù xuất khẩu rau quả từ nay tới hết năm được nhìn nhận tương đối khả quan, song theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu mặt hàng này vẫn phải đối mặt với một số khó khăn từ các thị trường. Chẳng hạn, tại thị trường Ấn Độ, xuất khẩu gặp nhiều rủi ro vì phải chấp nhận phương thức thanh toán trả sau. Ngoài ra, khách hàng Ấn độ thanh toán rất chậm (dạng gối đầu) không phải ngay sau khi nhận được hàng, dẫn tới tình trạng, khi khách hàng không tiêu thụ được hàng, doanh nghiệp không thu được tiền.
Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam Trần Đình Long cũng cho rằng, tiềm năng xuất khẩu rau quả của Việt Nam còn rất lớn trong tương lai, khi thị trường rau quả chế biến toàn cầu năm 2014 đạt giá trị khoảng 203 tỷ USD và có mức tăng trưởng 7,9%/năm, dự báo sẽ đạt 319 tỷ USD vào năm 2020. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam dù đang tăng trưởng mạnh nhưng còn khá khiêm tốn so với nhu cầu.
Theo các chuyên gia, rào cản lớn nhất đối với ngành rau quả hiện nay là những quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm. Do đó, các chuyên gia cũng nhận định, để xuất khẩu rau quả tiếp tục tăng trưởng mạnh, song song với kiểm soát chất lượng trồng trọt rau quả trong nước, các doanh nghiệp cần bám sát những quy định nhập khẩu của các thị trường./.
Đối với thị trường rất lớn của rau quả Việt Nam là Trung Quốc thì gần đây một số doanh nghiệp Trung quốc nhận được thông tin chưa chính xác, nên đã yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả Việt Nam phải cung cấp các chứng từ xác nhận doanh nghiệp nằm trong danh sách đã được Bộ NNPTNT đăng ký gửi cho Trung Quốc mới được thông quan. Điều này gây ra nhiều lo lắng cho các doanh nghiệp.
Thực chất, quy định đăng ký nêu trên đã có từ tháng 7/2009, song đến nay vẫn chưa thực hiện và chưa hề có yêu cầu tăng thêm kiểm tra.