Zaslon, lực lượng đặc nhiệm hoạt động ngoài nước của Nga

Hôm nay 24.10 là kỷ niệm 65 năm thành lập lực lượng đặc nhiệm Spetsnaz của quân đội Nga. Trong thành phần này có lực lượng Zaslon chuyên hoạt động ở ngoài lãnh thổ Nga để bảo vệ công dân và lợi ích của Nga. Hiện 1 đơn vị Zaslon đang đảm nhiệm canh gác căn cứ Hmeimim ở Syria.
Zaslon là lực lượng đặc biệt của Spetsnaz chuyên hoạt động ở nước ngoài, bảo vệ sứ quán, các cơ sở ngoại giao, bảo vệ an ninh cho lãnh đạo và công dân Nga ở nước ngoài, giải cứu con tin - Ảnh: Protect Russia
Zaslon là lực lượng đặc biệt của Spetsnaz chuyên hoạt động ở nước ngoài, bảo vệ sứ quán, các cơ sở ngoại giao, bảo vệ an ninh cho lãnh đạo và công dân Nga ở nước ngoài, giải cứu con tin - Ảnh: Protect Russia

Spetsnaz được Bộ Quốc phòng Liên Xô thành lập ngày 24.10.1950 trên cơ sở hợp nhất 46 đại đội đặc nhiệm khác. Nhiệm vụ của lực lượng đặc nhiệm này ban đầu là phát hiện và vô hiệu hoá các vũ khí hạt nhân cùng các phương tiện chuyển. Từ năm 1953, Spetsnaz bắt đầu tạo ra các đơn vị đặc nhiệm cho Hải quân.

Tình hình quân sự - chính trị trên thế giới sau đó đã khiến Spetsnaz cần thiết phải gia tăng hoạt động tình báo và chiến thuật sâu, nên vào năm 1962 đã bắt đầu hình thành các nhóm đặc nhiệm riêng cho các mục đích đặc biệt, chủ yếu là phục vụ quân đội. Hiện nay Spetsnaz có hơn 22.000 lính.

Theo Truyền hình quân đội Nga ngày 22.10, Zaslon là đơn vị đặc biệt của Spetsnaz nhưng thuộc sự quản lý của Cơ quan dịch vụ tình báo nước ngoài, hình thành từ năm 1998. Lực lượng này chuyên hoạt động bên ngoài lãnh thổ Nga, chịu trách nhiệm thu thập thông tin về các nhóm cực đoan, khủng bố; bảo vệ người và tài sản của Liên bang Nga ở nước ngoài, bảo vệ an ninh cho các lãnh đạo Nga ở nước ngoài, giải cứu con tin Nga, tham gia các hoạt động đặc biệt. Lực lượng này có khoảng 300 người.

Báo chí phương Tây gần đây cho rằng 1 đơn vị Zaslon đã có mặt để bảo vệ căn cứ không quân Hmeimim ở Latakia, Syria, nơi bố trí các máy bay Nga tham gia không kích phiến quân ở Syria. Tham gia còn có lực lượng thuỷ quân lục chiến Nga. Zaslon còn có mặt ở Iran, Iraq.

Tuy nhiên Đài truyền hình quân đội Nga ngày 22.10 cho hay Zaslon đã có mặt ở Syria từ lâu, bảo vệ an ninh cho sứ quán Nga tại Damascus và các lãnh sự quán tại các thành phố khác. Lực lượng này cũng tham gia bảo vệ an ninh cho chuyến thăm Syria của phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin hồi năm 2014.

Zaslon thành lập tháng 3.1998, và bắt đầu nhiệm vụ với việc hoạt động ở những nước có tình hình chính trị bất ổn, có thể đe doạ lợi ích của Nga tại đó. Zaslon khi cần thiết sẽ tham gia các chiến dịch sơ tán công dân Nga khỏi các điểm nóng; nhưng nhiệm vụ hàng đầu là bảo vệ an toàn cho các cơ quan ngoại giao Nga tại nước ngoài.

Thậm chí mới đây Zaslon đã sơ tán không chỉ công dân Nga mà cả nhân viên toà đại sứ Mỹ ở Sanaa, Yemen hồi tháng 4.2015 dưới làn đạn của phiến quân Houthi.

Đài truyền hình quân đội Nga cho biết bất cứ nơi nào xảy ra bất ổn có liên quan đến an toàn tính mạng của công dân Nga là nơi đó có sự xuất hiện của Zaslon, đơn vị cơ động và di chuyển liên tục, mới hôm qua là Libya thì hôm nay đã tác chiến ở Syria.

Zaslon, lực lượng đặc nhiệm hoạt động ngoài nước của Nga ảnh 1

Zaslon, lực lượng đặc nhiệm hoạt động ngoài nước của Nga ảnh 2

Đặc nhiệm Spetsnaz đang luyện tập - Ảnh: RIA/Bộ Quốc phòng Nga

Zaslon, lực lượng đặc nhiệm hoạt động ngoài nước của Nga ảnh 3

Zaslon đang đảm nhiệm canh gác căn cứ Hmeimim ở Syria - Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

Zaslon, lực lượng đặc nhiệm hoạt động ngoài nước của Nga ảnh 4

Nơi nào xảy ra bất ổn có liên quan đến an toàn tính mạng của công dân Nga là nơi đó có sự xuất hiện của Zaslon - Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

Lực lượng Zaslon tuyển chọn từ Spetsnaz, sau 6 tháng huấn luyện ở trung tâm Vladimir, họ được giao nhiệm vụ bảo vệ các cơ sở của Nga ở nước ngoài. Họ phải học ngôn ngữ nước ngoài, và có biệt danh “kỹ sư”, phải có kỹ năng “che mắt” khi ở nước ngoài như làm vườn, sửa ống nước…

Trong thời gian rảnh rỗi, kết hợp với việc thực hiện nhiệm vụ (sau 3 giờ), họ tham gia làm kinh tế cho các đại sứ quán và các cơ quan đại diện thường trú của Nga để tiết kiệm ngân sách. Dĩ nhiên lực lượng này phải loại bỏ khả năng xâm nhập của nước ngoài vào các sứ quán Nga.

Theo Thanh Niên