Thông tin Yeah1 gặp sự cố vận hành trên YouTube trở thành tâm điểm dư luận, bên cạnh thực hư lý do YouTube chấm dứt Thỏa thuận lưu trữ nội dung (gọi tắt là CHSA - Content Hosting Agreement) mảng YouTube Adsense của Tập đoàn, mức độ ảnh hưởng của sự cố đến Yeah1 cũng được quan tâm.
Trước đó, Yeah1 cho biết tính riêng năm 2018, mảng kinh doanh YouTube AdSense đóng góp khoảng 1 triệu USD, tương ứng khoảng 13% lợi nhuận sau thuế toàn Tập đoàn. Tiếp tục phát đi thông báo, Tập đoàn đã có những lý giải chi tiết về đóng góp kinh doanh từng mảng.
Thông báo phát đi từ đêm 5/3 vẫn không thể trấn an các cổ đông của Yeah1 khi cổ phiếu YEG giảm sàn phiên thứ 3 liên tiếp xuống 197.200 đồng với lượng dư bán sàn lên đến vài trăm nghìn đơn vị trong khi lượng mua vào chỉ có 15.000 đơn vị.
Sau 3 phiên giảm sàn, Yeah1 đã mất đi 20% giá trị, tương ứng vốn hóa công ty "bốc hơi" 1.500 tỷ đồng.
YouTube MCN đến từ việc quản lý các kênh YouTube của bên thứ ba (đối tác) chỉ đóng góp 12,9% LNST
Cụ thể, hoạt động kinh doanh kỹ thuật số của Tập đoàn Yeah1 bao gồm 2 mảng chính: Mảng kinh doanh trên YouTube và Xuất Bản Nội Dung Số (Yeah1 Publishing) với tổng đóng góp 55,6% doanh thu và 84,1% LNST của cả Tập đoàn. YouTube MCN chỉ là một phần trong hoạt động kinh doanh kỹ thuật số của Yeah1. Trong năm 2018, YouTube MCN đến từ việc quản lý các kênh YouTube của bên thứ ba (đối tác) chỉ đóng góp 12,9% LNST của Tập đoàn.
Cơ cấu doanh thu, lợi nhuận theo mảng của Tập đoàn Yeah1 năm 2018
Nguồn: BCTC, Tập đoàn Yeah1.
Chi tiết phân khúc YouTube chi tiết bao gồm:
(1) Bán hàng trực tiếp (Direct Sales) với phần lớn doanh thu đến từ đánh giá được tài trợ (trực tiếp quảng cáo sản phẩm trong video), hợp tác B2B trong sản xuất nội dung và;
(2) Mạng đa kênh YouTube ("YouTube MCN") liên quan đến việc quản lý các kênh YouTube.
Trong đó, YouTube MCN lại được phân thành quản lý các kênh tự sở hữu và quản lý các kênh của bên thứ ba (đối tác). Mô hình hoạt động của 2 loại YouTube MCN là khá tương đồng, cùng nhận được 55% doanh thu quảng cáo từ YouTube, tuy nhiên, YouTube MCN phải chia sẻ đến 70-95% phần nhận được với các kênh của bên thứ ba/đối tác trong khi được giữ lại 100% phần nhận được từ YouTube với các kênh tự sở hữu. Chính vì vậy, việc quản lý các kênh tự sở hữu mang về biên lợi nhuận cao hơn nhiều lần (biên lợi nhuận: 50-70%) so với quản lý các kênh của đối tác (trung bình chỉ khoảng 8%).
Mô hình chia sẻ doanh thu của YouTube MCN
Nguồn: BCTC, Tập đoàn Yeah1.
Điều quan trọng cần lưu ý là việc YouTube có thể chấm dứt thỏa thuận lưu trữ nội dung (CHSA) sẽ chỉ ảnh hưởng đến việc quản lý các kênh của bên thứ ba chứ không ảnh hưởng đến hoạt động của các kênh YouTube tự sở hữu, Yeah1 cho biết.
Năm 2018, tổng doanh thu từ YouTube MCN là 309 tỷ đồng (tương đương 13,3 triệu USD), trong đó 1,35 triệu USD từ các kênh YouTube tự sở hữu và 11,95 triệu USD từ các kênh của bên thứ ba. Biên lợi nhuận từ các kênh tự sở hữu (trên 50%) cao hơn đáng kể so với các kênh của bên thứ ba (khoảng 8%). Do đó, lợi nhuận ròng sau thuế liên quan đến việc quản lý các kênh YouTube của bên thứ ba là khoảng 1 triệu USD, tương đương 12,9% tổng LNST của Yeah1.
Không chứa nội dung độc hại
Song song, ghi nhận tại thông báo mới phát đi, Yeah1 cũng khẳng định hệ thống kênh YouTube của Tập đoàn hiện tại không chứa các nội dung gây hại cho trẻ em bao gồm "Momo challenge", và các nội dung gây hại cho cộng đồng.
Trong việc quản lí kênh, Tập đoàn cho biết đã rà soát và làm rõ với YouTube về hoạt động quản lí kênh của 2 công ty con trực tiếp là Yeah1 Network và ScaleLab hiện tại vẫn tuân thủ đầy đủ quy định của họ. Về những vi phạm trong việc quản lí kênh xảy ra tại Springme LLC (khoản đầu tư tài chính, Yeah1 sở hữu 16.93% ), Yeah1 cũng đã làm việc để hai bên nắm được chính xác vấn đề, làm cơ sở cho những lần trao đổi tiếp theo.
Chi tiết về quá trình làm việc với YouTube, Yeah1 ghi nhận, khi làm việc với YouTube, những lỗi vi phạm phổ biến mà tất cả các MCN lớn trên thế giới đều mắc phải khi hợp tác với YouTube là:
+ Các kênh mà MCN quản lý không tuân thủ các chính sách của YouTube dẫn đến tình trạng kênh bị chấm dứt hoặc tắt tính năng kiếm tiền. Tổng số lỗi của các kênh trong MCN vượt quá giới hạn cho phép bởi YouTube.
+ Hệ thống MCN nhận nhiều cảnh cáo vi phạm bản quyền quá giới hạn cho phép
+ Tỷ lệ chấp nhận lời mời liên kết kênh thấp hơn ngưỡng quy định
+ Lạm dụng Content ID để xác nhận quyền sở hữu nội dung không hợp lệ
+ Lách hệ thống: Lạm dụng các tính năng hệ thống để gây xáo trộn hệ thống hoặc quy trình có sẵn của YouTube.
Những vi phạm phổ biến của các kênh YouTube:
+ Nội dung không thân thiện với nhà quảng cáo, vi phạm nguyên tắc cộng đồng YouTube: phản cảm, khiêu dâm, gây hại, nguy hiểm, kích động, quấy rối, không phù hợp với trẻ em, bạo lực, máu me, đẫm máu
+ Spam, siêu dữ liệu gây hiểu lầm và lừa đảo: tạo mô tả, thẻ, tiêu đề hoặc hình thu nhỏ gây hiểu lầm nhằm tăng số lượt xem, nội dung lặp đi lặp lại
+ Vi phạm bản quyền: sử dụng nội dung do người khác sở hữu bản quyền trong video dẫn đến kênh bị nhận cảnh cáo vi phạm bản quyền.
+ Sử dụng các phương thức/dịch vụ không hợp lệ nhằm tăng số lượt xem và người đăng ký trên kênh Youtube.
Được biết, thông tin chính thức về nội dung này dự kiến sẽ được cập nhật muộn nhất vào ngày 11/3/2019.
Theo Trí thức trẻ
Link gốc: http://cafef.vn/yeah1-giam-san-phien-thu-3-von-hoa-boc-hoi-1500-ty-dong-du-khang-dinh-khong-chua-noi-dung-doc-hai-20190306080043341.chn