Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương (Dongfang) ngày 30/4, cho đến nay, Trung Quốc đã cung cấp 3,5 triệu liều vaccine COVID-19 cho Philippines, trong đó có 1 triệu liều được tặng miễn phí, nhưng tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông giữa hai nước vẫn tiếp diễn căng thẳng.
Tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc trên Biển Đông đã nóng lên từ cuối tháng 3. Manila cho biết khoảng 200 tàu dân quân biển của Trung Quốc đã tụ tập trên bãi đá ngầm Ba Đầu có tranh chấp ở quần đảo Trường Sa và đã ít nhất 5 lần phản đối ngoại giao tới Bắc Kinh, yêu cầu các tàu Trung Quốc rời đi. Philippines sẽ tổ chức bầu cử tổng thống vào tháng 5 năm sau, tranh chấp trên Biển Đông đã trở thành một chủ đề chính trị nóng ở nước này. Cảnh sát biển Philippines gần đây đã tiến hành một cuộc tập trận ở gần bãi ngầm Scaborogh đang tranh chấp giữa hai bên trên Biển Đông, để thể hiện rằng Philippines thực thi quyền tài phán trên biển trong vùng biển này.
Tổng thống Duterte hom 28/4 tuyên bố sẽ không nhượng bộ Trung Quốc về lợi ích quốc gia trên biển (Ảnh: Đông Phương). |
Ông Duterte nói trong một trả lời phỏng vấn trên truyền hình vào tối thứ Tư (28/4): "Chúng tôi không muốn chiến tranh với Trung Quốc. Trung Quốc là một người bạn tốt. Chúng tôi nợ họ rất nhiều lời cảm ơn, trong đó liên quan đến vắc xin (mà Trung Quốc tặng). Nhưng có những thứ thực sự không thể nhượng bô. ... Tôi hy vọng họ hiểu rằng tôi cũng có lợi ích quốc gia của mình phải bảo vệ".
Những phát biểu của ông Duterte đã làm dấy lên sự phản đối trog nước. Hôm thứ Năm (29/4), tổ chức cực đoan Lực lượng Phong trào Ngư dân Philippines (PAMALAKAYA) đã ra tuyên bố chỉ trích việc ông Duterte sử dụng chủ quyền quốc gia như một con bài mặc cả để đổi lấy vắc xin Trung Quốc. Chủ tịch Ủy ban toàn quốc gia của tổ chức, ông Fernando Hicap, tuyên bố: "Chúng ta không nợ Trung Quốc bất cứ điều gì. Họ nợ chúng ta hàng nghìn tỉ USD trong vụ phá hủy san hô và tài nguyên biển trên quy mô lớn ở Biển Tây Philippines. Tổng thống Duterte đã sử dụng chủ quyền các vùng lãnh thổ cua chúng ta như một con bài mặc cả để có được vaccine, các khoản vay và đầu tư của Trung Quốc, khiến ông ta trở thành một con rối”.
Lính Philippines trên đảo Thị Tứ (Ảnh: Đa Chiều). |
Cựu Chánh án Tòa án Philippines Antonio Carpio, người đã lãnh đạo liên minh chính trị phe đối lập được thành lập và sẽ giới thiệu các ứng cử viên ra tranh cử chức tổng thống và phó tổng thống trong cuộc tổng tuyển cử vào năm tới, cho biết: “Người Philippines cần có một Tổng thống coi việc yêu mến người Philippines là ưu tiên hàng đầu. Người ấy cũng cần kiên quyết bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền của Philippines ở Biển Tây Philippines" (tên Philippines gọi một phần Biển Đông mà họ tuyên bố chủ quyền).
Trang tin Đa Chiều ngày 29/4 cũng dẫn nguồn các hãng AFP và Reuters đưa tin, ông Duterte nói rằng ông sẽ không rút các lực lượng hải quân và cảnh sát biển khỏi Biển Đông, đồng thời tuyên bố chủ quyền của Philippines đối với vùng biển này không thể mang ra đàm phán.
Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines hiện đang tiến hành các cuộc tập trận trên đảo Thị Tứ, đảo Scaborogh, Bắc Batanes của Philippines và vùng biển ở miền nam và miền đông Philippines.
Về cuộc tập trận ở Philippines, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 26/4 tuyên bố: "Trung Quốc kêu gọi các bên liên quan tôn trọng chủ quyền và quyền của Trung Quốc và ngừng thực hiện các hành động làm phức tạp tình hình và mở rộng tranh chấp”.
Tàu cảnh sát biển Philippines tập trận gần bãi Ba Đầu hôm 15/4 (Ảnh: Reuters) |
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã nói với các phóng viên rằng Bắc Kinh "không có quyền hay cứ bất cơ sở pháp lý gì để ngăn cản chúng tôi tiến hành các cuộc tập trận này" vì "yêu sách của họ ... không có bất cứ cơ sở nào".
Tranh chấp trên Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc đã nóng lên từ cuối tháng 3, hai bên đã liên tục tấn công nhau về ngoại giao. Tổng tư lệnh Các lực lượng vũ trang Philippines, Cirilito Sobejana, hôm 22/4 tiết lộ rằng ông đang chuẩn bị làm theo Trung Quốc và bắt đầu xây dựng các đảo ở Biển Đông.
Theo tin của AFP ngày 23/4, ông Sobejana khi nói tại cuộc họp báo trực tuyến do quân đội Philippines tổ chức đã đề cập rằng, để tuyên bố chủ quyền, quân đội Philippines đang xem xét xây dựng các cơ sở trên các đảo và đá ngầm ở biển Tây Philippines theo kiểu làm của Bắc Kinh. Biển Tây Philippines là một phần của Biển Đông mà Philippines tuyên bố có chủ quyền, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana (người chỉ tay) thị sát quân đội trên đảo (Ảnh: Reuters). |
Ngoài ra, theo báo cáo của hãng truyền thông Philippines ABS-CBN ngày 26/4, Ivy Banzon-Abalos, Giám đốc điều hành Văn phòng Nghiên cứu và Truyền thông Chiến lược của Bộ Ngoại giao Philippines, cho biết: “Dưới thời chính quyền của ông Duterte, đã có 78 lần Philippines phản đối ngoại giao với Trung Quốc". Ngày 23/4, Bộ Ngoại giao Philippines nói với giới truyền thông: “Philippines đã có hai cuộc phản đối ngoại giao mới tới Bắc Kinh để phản đối sự hiện diện bất hợp pháp và dai dẳng của Trung Quốc trong các vùng biển của Philippines”.
Người phát ngôn Văn phòng Tổng thống Philippines Harry Roque ngày 20/4 cũng đã dẫn lời ông Duterte nói, mặc dù Trung Quốc và Philippines là bạn tốt, "Philippines cũng sẽ thể hiện sự ưu ái với Trung Quốc, nhưng tình hữu nghị giữa hai nước là có hạn".