Xuất hiện nhiều ổ dịch bạch hầu, đã có ca tử vong ở Điện Biên: Bộ Y tế lập đoàn kiểm tra thực địa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Thời gian gần đây, xuất hiện nhiều ổ dịch bạch hầu với 6 ca mắc ở Điện Biên, trong đó, 1 người đã tử vong. Để sớm kiểm soát căn bệnh nguy hiểm này, Bộ Y tế đã lập đoàn công tác kiểm tra, giám sát dịch tại địa phương.

Đoàn công tác của Bộ Y tế làm việc với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh Điện Biên về hướng kiểm soát, ngăn chặn dịch lan rộng
Đoàn công tác của Bộ Y tế làm việc với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh Điện Biên về hướng kiểm soát, ngăn chặn dịch lan rộng

Đoàn công tác gồm đại diện Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Cục Y tế dự phòng, Bệnh viện Nhi Trung ương, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, đã đến kiểm tra tại các điểm trường, các hộ gia đình có người bị bạch hầu ở bản Pa Ít, xã Huổi Mí, huyện Mường Chà.

Thông tin với VietTimes về tình hình dịch bạch hầu ở Điện Biên, TS. Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Trưởng đoàn công tác của Bộ Y tế - cho biết, đã có 6 trường hợp mắc bạch hầu ở Điện Biên. Ổ dịch thứ nhất tại xã Pu Nhi, huyện Điện Biên Đông và ca đầu tiên khởi phát đã tử vong. Ổ dịch thứ hai tại xã Pú Hồng, huyện Điện Biên Đông, ca bệnh được phát hiện ngày 12/8/2023, đã ra viện. Ổ dịch thứ ba tại xã Huổi Mí, huyện Mường Chà có 3 ca bệnh, ca thứ nhất khởi phát ngày 23/8/2023 và 2 ca tiếp theo vào ngày 26, 27/8/2023, cả 3 ca hiện đang tiếp tục điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Mường Chà.

VT_ làm việc tại điểm có dich.jpg
Đoàn công tác của Bộ Y tế làm việc tại bản Pa Ít - nơi có ổ dịch bạch hẩu

Các ổ dịch đều xảy ra ở các bản, xã vùng sâu, vùng xa, giao thông khó khăn, không có điện lưới, nhiều chỗ không có sóng điện thoại, đời sống người dân rất khó khăn, chủ yếu là người dân tộc Mông và Khơ Mú. Các ca bệnh đa dạng về độ tuổi, 50% trên 15 tuổi, bệnh ở cả những trẻ đã tiêm chủng đầy đủ, một số ca bệnh còn không có triệu chứng điển hình như 2 ca không có giả mạc, nguồn lây không xác định được.

Các ca bệnh được phát hiện tại xã Huổi Mí tình cờ do sự nhạy cảm của bác sĩ Hồ - Trưởng Trạm y tế xã Huổi Mí, người đã 10 năm “cắm bản” ở đây - khi trong buổi tiêm chủng cho trẻ em ở bản Pa Ít, một thanh niên hỏi xin thuốc đau họng, bác sĩ Hồ đã khám và phát hiện dấu hiệu nghi ngờ bệnh bạch hầu, nên chuyển lên tuyến trên.

VT_ xem bệnh án.jpg
Đoàn công tác của Bộ Y tế kiểm tra hồ sơ, bệnh án của các bệnh nhân bạch hầu đã được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên

Ngay khi bệnh nhân được xác định mắc bạch hầu, công tác phòng chống dịch ở địa phương được kích hoạt đồng bộ. Trung tâm y tế huyện điều tra người tiếp xúc gần, lấy 35 mẫu xét nghiệm, lập danh sách gần 300 người dân uống kháng sinh dự phòng; phun hóa chất khử khuẩn, tẩy uế nhà người bệnh, môi trường xung quanh; hướng dẫn người dân vệ sinh bề mặt các đồ vật bằng dung dịch khử khuẩn, quần áo, chăn, màn,… đem phơi dưới nắng; hạn chế tập trung đông người vv…

Sau khi xuất hiện ổ dịch bạch hầu đầu tiên ở Điện Biên, Bộ Y tế đã cử chuyên gia của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phối hợp với Văn phòng WHO tại Việt Nam giám sát hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh bạch hầu ở tỉnh, làm xét nghiệm cho các xã.

VT_ Kiem tra bach hau.jpg
TS. Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Trưởng đoàn công tác của Bộ Y tế (thứ ba từ phải sang) - trao đổi với các bác sĩ địa phương về phác đồ điều trị bệnh bạch hầu

Đoàn công tác của Bộ Y tế đã đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh Điện Biên chủ động lên phương án sẵn sàng nhân lực khi có dịch; bố trí ngân sách và các nguồn huy động hợp pháp mua vắc xin, thuốc điều trị, hóa chất…

Tăng cường giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh bạch hầu tại cộng đồng; xử lý triệt để ổ dịch; điều trị kháng sinh dự phòng cho tất cả các trường hợp tiếp xúc gần theo quy định của Bộ Y tế; tiêm bổ sung, tiêm vét ngay khi có vắc xin, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, khu vực đi lại khó khăn.

VT_ Bản có dịch.jpg
Đoàn công tác của Bộ Y tế đến kiểm tra khu vực có ổ dịch bạch hầu ở Điện Biên

Tỉnh cũng cần nhận định tình hình dịch để đề xuất Bộ Y tế về nhu cầu huyết thanh kháng độc tố bạch hầu cho các năm 2023-2025; nâng cao năng lực hồi sức cấp cứu tại các bệnh viện; thiết lập khu vực riêng khám, cách ly điều trị và thường xuyên hội chẩn trực tuyến với các bệnh viện tuyến trên để có chỉ định chuyển tuyến hoặc hỗ trợ trực tiếp kịp thời.

Bạch hầu thuộc nhóm B, là một bệnh bắt buộc phải khai báo. Đây là bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc. Các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu.

Bệnh bạch hầu được lây truyền qua đường hô hấp; có thể lây do tiếp xúc với những đồ vật có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu. Sữa tươi cũng có thể là phương tiện lây truyền bệnh bạch hầu.

Khi mắc bệnh, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến viêm cơ tim, tổn thương hệ thần kinh, tử vong do đột ngột trụy tim mạch. Một số bệnh nhân bị viêm cơ tim và van tim, gây ra bệnh tim mãn tính và suy tim. Ngoài ra, bệnh cũng có thể dẫn đến thoái hóa thận, hoại tử ống thận, chảy máu lớp tủy và vỏ thượng thận.

Trường hợp bệnh nặng không có biểu hiện sốt cao nhưng có dấu hiệu sưng to cổ, khàn tiếng, khó thở, rối loạn nhịp tim, dẫn đến tê liệt hoàn toàn. Bệnh hoàn toàn có thể diễn tiến trầm trọng khiến người bệnh tử vong trong vòng 6-10 ngày.