Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ban hành chỉ thị về hành động chống Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã ban hành nhiều biện pháp chống Trung Quốc mới và coi Bắc Kinh là mối thách thức hàng đầu của Washington. Các chi tiết cụ thể của các biện pháp hiện vẫn được giữ bí mật.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin (Ảnh: AP).
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin (Ảnh: AP).

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương, dẫn bài đăng trên báo Mỹ The Hill, nguồn tin từ các quan chức Mỹ cho biết hôm thứ Tư (9/6), Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã ban hành một chỉ thị nội bộ yêu cầu áp dụng một số hành động chống lại Trung Quốc. Do một số biện pháp thuộc phạm vi cơ mật nên các chi tiết không được công bố. Chỉ thị coi Trung Quốc và các hành động nhằm tăng cường sức mạnh quân sự của họ lên vị trí ưu tiên hàng đầu trong chính sách quốc phòng của Mỹ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ chi tiết của các biện pháp cụ thể.

Theo yêu cầu của Tổng thống Joe Biden, Lầu Năm Góc trước đó đã thành lập một Nhóm công tác đặc nhiệm gồm 23 thành viên để đánh giá chiến lược của quân đội Mỹ đối phó với Trung Quốc. Các chỉ thị nội bộ liên quan được soạn thảo từ các kiến nghị của nhóm đặc nhiệm này. Theo một tuyên bố của Bộ Quốc phòng, đề án của chỉ thị có thể cải thiện khả năng của quân đội Mỹ trong một số lĩnh vực, bao gồm "phục hồi mạng lưới đồng minh và đối tác, tăng cường khả năng răn đe và đẩy nhanh sự phát triển của các khái niệm tác chiến mới" và phát triển một lực lượng lao động quân sự và dân sự hiện đại, nhưng không được tiết lộ chi tiết. Các quan chức Mỹ giải thích rằng mục đích của chỉ thị của Bộ trưởng Quốc phòng là "điều chỉnh Bộ Quốc phòng để Bộ Quốc phòng có thể ứng phó khi họ xếp Trung Quốc là mối ưu tiên cao nhất".

Hôm 31/5, Ông Lloyd Austin cùng Tổng thống Joe Biden và Phó tổng thống Kamara Haris viếng binh sĩ Mỹ trận vong tại Nghĩa trang Arlington (Ảnh: AP).

Hôm 31/5, Ông Lloyd Austin cùng Tổng thống Joe Biden và Phó tổng thống Kamara Haris viếng binh sĩ Mỹ trận vong tại Nghĩa trang Arlington (Ảnh: AP).

Một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ nói với phóng viên rằng chỉ thị nội bộ này sẽ "đáp lại những thách thức từ Trung Quốc", chủ yếu thông qua sự hợp tác tốt hơn với các đồng minh và đối tác của Mỹ, đặc biệt là ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Một quan chức Lầu Năm Góc khác nói: “Chỉ thị này của Bộ trưởng (Austin) cuối cùng là để giữ trật tự nội bộ của Bộ Quốc phòng và đảm bảo rằng Bộ Quốc phòng thực hiện tuyên bố của mình coi Trung Quốc là mối thách thức hàng đầu”. Một phần của các biện pháp này sẽ được giữ bí mật.

Hãng tin Anh Reuters chỉ ra rằng chỉ thị này là kết quả của các khuyến nghị của Tổ Công tác đặc biệt Lầu Năm Góc do Tổng thống Mỹ Joe Biden thành lập vào tháng 2/2021.

Vào tháng 5/2021, ngân sách quốc phòng của chính quyền Joe Biden yêu cầu phải chuyển một lượng lớn số tiền chi tiêu cho các hệ thống cũ sang việc hiện đại hóa quân đội để răn đe và kiềm chế Trung Quốc.

Tàu chiến Mỹ đi xuyên qua eo biển Đài Loan nhằm răn đe Trung Quốc (Ảnh: Đa Chiều).

Tàu chiến Mỹ đi xuyên qua eo biển Đài Loan nhằm răn đe Trung Quốc (Ảnh: Đa Chiều).

Hơn 5 tỷ USD sẽ được sử dụng cho “Pacific Deterrence Initiative” (Sáng kiến ​​răn đe Thái Bình Dương) để chống lại Trung Quốc và tập trung vào cạnh tranh Trung - Mỹ ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Mục đích là tăng cường sự hiện diện của Mỹ thông qua tài trợ cho các hệ thống radar, vệ tinh và tên lửa, nâng cao trạng thái sẵn sàng chiến đấu của Mỹ ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Hãng tin Bloomberg dẫn lời hai quan chức thông thạo với vấn đề này nói đề xuất này nhằm mục đích thiết lập việc nói và hành động nhất quán khi Bộ Quốc phòng tập trung tiêu điểm vào Trung Quốc. Điều này bao gồm hợp tác chặt chẽ hơn với các đồng minh trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và điều phối thế trận của quân đội Mỹ đối với Trung Quốc. Theo các nguồn tin, Bộ Quốc phòng sẽ xem xét lại logic phối hợp tác chiến và tập trung vào việc giáo dục quân sự chuyên nghiệp cạnh tranh với Trung Quốc.

Ông Austin nói rằng các biện pháp này là một phần trong mở rộng phản ứng của chính quyền Joe Biden đối với các thách thức của Trung Quốc, có liên quan đến Chiến lược quốc phòng của Bộ Quốc phòng.

Hôm 6/6 lần đầu tiên Mỹ cho máy bay vận tải quân sự chở ba thượng nghị sĩ lần đầu tiên hạ cánh xuống sân bay Tùng Sơn, Đài Bắc, bị coi là "chà đạp lằn ranh đỏ" của Bắc Kinh (Ảnh: AP).

Hôm 6/6 lần đầu tiên Mỹ cho máy bay vận tải quân sự chở ba thượng nghị sĩ lần đầu tiên hạ cánh xuống sân bay Tùng Sơn, Đài Bắc, bị coi là "chà đạp lằn ranh đỏ" của Bắc Kinh (Ảnh: AP).

Sau khi lên nhậm chức, ông Joe Biden đã chỉ ra rằng mối quan hệ Mỹ - Trung sẽ xuất hiện sự cạnh tranh gay gắt, nhưng ông khẳng định lại rằng vẫn còn không gian hợp tác giữa hai nước. Vào ngày 8/6, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật trị giá 250 tỷ USD để nâng cao sức cạnh tranh của ngành sản xuất và công nghệ. Ngày hôm sau (9/6), Washington đã quyết định bãi bỏ lệnh cấm của ông Donald Trump trước đây đối với các ứng dụng TikTok và WeChat, thay bằng ra lệnh đánh giá rủi ro bảo mật mới đối với các ứng dụng của các đối thủ nước ngoài, trong đó có Trung Quốc.

Về quan hệ Trung - Mỹ, ngày 9/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tuyên bố trong cuộc họp báo thường kỳ: “Trung Quốc kiên quyết phản đối việc Mỹ thường xuyên lôi Trung Quốc ra, coi Trung Quốc là kẻ thù giả tưởng". Uông Văn Bân nói: "Mối đe dọa lớn nhất đối với Mỹ là chính là bản thân họ. Điều quan trọng hơn bất cứ điều gì khác là hãy giải quyết tốt công việc của chính họ”.

Ông Uông Văn Bân nhấn mạnh: “Trung Quốc luôn kiên trì con đường phát triển hòa bình. Trung Quốc đốc sức phát triển mối quan hệ không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi với Mỹ. Đồng thời, Trung Quốc sẽ tiếp tục kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh và lợi ích phát triển”.