Chiếc máy bay không người lái (UAV) này trông giống như một máy bay chiến đấu, được thiết kế để đáp ứng nhu cầu của Không quân Đức về loại UAV hiệp đồng chiến đấu.
Trang web quân sự Mỹ The Warzone đưa tin, Airbus tuyên bố rằng việc phát triển mẫu UAV này sẽ trở thành một phần trong kế hoạch "Hệ thống hàng không chiến đấu tương lai" (the Future Combat Air System, FCAS) và là một dự án ngắn hạn.
Airbus lần đầu tiên tiết lộ thiết kế của máy bay không người lái mang tên Wingman trong một thông cáo báo chí ngày 31/5. Một mẫu máy bay cỡ lớn sẽ được ra mắt tại Triển lãm Hàng không Quốc tế ILA 2024 ở Berlin, Đức vào ngày 5/6.
"Trong lĩnh vực hàng không quân sự, Wingman dùng để chỉ một chiếc máy bay khác chịu trách nhiệm bảo vệ và hỗ trợ người hoa tiêu máy bay chính. Trong khái niệm của Airbus, Wingman sẽ do phi công của máy bay chiến đấu hiện có chỉ huy, thực hiện các nhiệm vụ có độ rủi ro cao hơn, chẳng hạn như tấn công hệ thống phòng không của đối phương", Airbus tuyên bố trong một thông cáo báo chí.
Chiếc UAV mang tên Wingman này áp dụng thiết kế không có đuôi tàng hình. Với màu sơn tối, thân máy bay phẳng và cánh tam giác kiểu mũi tên ở cánh trước, nó có vẻ ngoài khá khoa học viễn tưởng. Các cánh đã được sửa đổi để áp dụng các đặc điểm cánh tam giác và chữ "λ" (Lambda) trong tiếng Hy Lạp, đồng thời được trang bị phần mở rộng góc cạnh nổi bật (LERX). Ngoài ra, Wingman còn được trang bị cửa hút gió động cơ nghiêng về phía trước và cổng xả khuếch tán dưới đuôi, có khả năng bay với tốc độ siêu âm.
Nhìn chung, chiếc máy bay trong bức ảnh được công bố thể hiện công nghệ tàng hình hiện đại với thiết kế góc cạnh, cánh kép, sử dụng vật liệu và lớp phủ hấp thụ bức xạ radar.
Theo hình ảnh tuyên truyền của Airbus, Wingman có khẩu độ quang học/hồng ngoại trên đỉnh "mũi" máy bay, có thể được trang bị hệ thống tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại (IRST). Loại cảm biến này ngày càng trở nên phổ biến trong các UAV tương tự, chẳng hạn như "Máy bay chiến đấu hợp tác" (CCA) của Không quân Mỹ và Dự án MQ-28 "Ghost Bat" của Australia. Wingman có một hàng khẩu độ tàng hình trên sống lưng và các khẩu độ cảm biến hoặc ăng-ten khác ở hai bên thân máy bay.
Đáng chú ý, Airbus cũng đã đưa ra khái niệm "heavy remote carrier drone” (UAV hạng nặng điều khiển từ xa), với thiết kế nhỏ hơn và kém tiên tiến hơn so với Wingman mới được công bố, có thể đóng vai trò là UAV tiềm năng hiệp đồng với máy bay tác chiến điện tử "Typhoon" EK của Không quân Đức và các phiên bản khác của máy bay chiến đấu "Typhoon".
Dự án FCAS đang nghiên cứu phát triển các loại máy bay điều khiển từ xa hạng nặng và hạng nhẹ. Dự án này cũng bao gồm việc phát triển "Máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo" (NGF).
Bài viết của The Warzone chỉ ra rằng Airbus hiện đang tập trung quảng bá Wingman ở Đức, nhưng không có lý do gì ngăn cản liên minh này quảng bá loại UAV này, các biến thể liên quan hoặc phiên bản phái sinh của nó tới khách hàng, trong đó bao gồm các quốc gia đối tác FCAS khác.
Thông tin chi tiết hơn về loại máy bay không người lái mới có thể sẽ sớm xuất hiện khi Airbus có kế hoạch trưng bày mô hình kích thước đầy đủ của Wingman tại triển lãm hàng không ILA ở Berlin tới đây.
Mô hình này sẽ thể hiện tất cả các khả năng dự kiến, bao gồm tàng hình, tích hợp nhiều loại vũ khí, cảm biến tiên tiến, kết nối chỉ huy và hoạt động hiệp đồng. Tuy nhiên, cũng giống như “ô tô ý tưởng”, không phải mọi thứ được trưng bày đều có thể đưa vào sản xuất.
Theo LTN, The Warzone