Trung Quốc muốn xây dựng sân bay và cảng quân sự?
Theo New York Times ngày 26/12, một công ty Trung Quốc có quan hệ chính trị đang xây dựng một sân bay và cảng ở vùng biển Dara Sakor của Campuchia. Thông qua giao dịch đất đai của dự án Dara Sakor, Trung Quốc sẽ có quyền sử dụng 20% bờ biển của Campuchia trong 99 năm.
Sau khi hoàn thành vào năm 2020, sân bay quốc tế Dara Sakor sẽ có đường băng dài nhất ở Campuchia. Ở gần sân bay, các công nhân đang chặt hạ cây cối trong công viên quốc gia để xây dựng một cảng đủ sâu để các hạm tàu hải quân neo đậu.
Theo lời giải thích của nhà đầu tư, mục đích xây dựng sân bay chủ yếu là từ việc xem xét đến năng lực không đủ của các sân bay ở Phnom Penh và Siem Reap để tăng cường năng lực bay trực tiếp quốc tế của Campuchia.
Tuy nhiên, trong một bài viết dài có tựa đề “Sân bay trong rừng: Mối lo ngại từ dự án của Trung Quốc ở Campuchia”, tờ New York Times đã cáo buộc các công ty Trung Quốc phát triển Dự án Dara Sakor ở Campuchia không chỉ phá hoại môi trường mà còn vì mục đích quân sự.
Một công trình đang được Tập đoàn Ưu LIên xây dựng thuộc Dự án Dara Sakor.
|
Bài báo viết, vụ giao dịch đất đai này ngay từ đầu đã có vấn đề. Trong tình huống không qua trình tự, thủ tục đấu thầu công khai, Tập đoàn công ty Ưu Liên (Youlian) ở Thiên Tân, Trung Quốc đã có được hợp đồng thuê 99 năm với diện tích đất được thuê lớn gấp ba lần mức được Luật đất đai Campuchia cho phép. Công ty này còn được miễn tiền thuê đất trong 10 năm đầu tiên.
New York Times viết, hôm 9/12, Tướng Kun Kim, cựu Tổng tham mưu trưởng Quân đội Campuchia và gia đình, đã trở thành mục tiêu bị Bộ Tài chính Mỹ trừng phạt vì trục lợi từ mối quan hệ của họ với “thực thể sở hữu nhà nước của Trung Quốc”. Họ bị buộc tội “sử dụng lực lượng vũ trang đe dọa và phá hoại để đạt được mục đích giải phóng mặt bằng”. Mặc dù Mỹ không tiết lộ tên của thực thể Trung Quốc, nhưng nhiều người cho rằng đó là Tập đoàn Ưu Liên.
Người chủ trì lễ ký kết Hiệp nghị Khu vực phát triển Dara Sakor năm 2008 là một cựu lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc – Phó thủ tướng Trương Cao Lệ (Zhang Gaoli). Các tài liệu tuyên truyền của Tập đoàn Ưu Liên gọi kế hoạch phát triển này là “dự án đầu tư thành phố ven biển lớn nhất Đông Nam Á và thế giới”. Các dự án mới của Ưu Liên tại Dara Sakor bao gồm một đường băng dài 3.200 mét và cảng nước sâu có khả năng tiếp nhận tàu 10.000 tấn.
Cảng quân sự Ream đang được Trung Quốc giúp cải tạo và nâng cấp.
|
Vào tháng 7 năm nay, một ngư dân địa phương là Thim Lim nói rằng một quan chức của Bộ Quản lý đất đai Campuchia nói với ông ta rằng nhà của ông sẽ bị dỡ bỏ vào năm 2020 để nhường chỗ cho “Trung Quốc xây dựng cảng quân sự”. Những người dân khác cùng tham dự cuộc họp đã xác nhận lời của Thim Lim. Nhưng các quan chức quản lý đất đai Campuchia đã từ chối bình luận về điều này.
“Sẽ thay đổi quy tắc trò chơi”
Bài báo của New York Times nói, các hoạt động của Trung Quốc tại Dara Sakor đang gây lo ngại rằng Bắc Kinh có ý định biến Campuchia thành một tiền đồn quân sự thực tế.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Trung tá Dave Eastburn nói: “Chúng tôi lo ngại về quy mô xây dựng của đường băng sân bay và các cơ sở cảng được xây dựng ở Dara Sakor. Quy mô này vượt xa nhu cầu cơ sở hạ tầng hoạt động thương mại hiện nay và trong tương lai, có thể sẽ được dùng cho mục đích quân sự”.
Ông Eastburn cũng nói: “Bất kỳ bước đi nào của chính phủ Campuchia nhằm mời quân đội nước ngoài đến đồn trú đều sẽ phá hoại hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á”.
Ngoài ra, tướng Joel B. Vowell, phó Giám đốc hoạch định chiến lược và chính sách của Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ hồi tháng 8 cũng nói rằng Trung Quốc sẽ xây dựng một căn cứ quân sự gần căn cứ hải quân Ream của Campuchia. Căn cứ Ream là một cảng nước sâu đối diện với Vịnh Thái Lan và từ đây có thể trực tiếp tiến vào Biển Đông.
Ông Donald Emmerson, Giám đốc nghiên cứu Đông Nam Á Trung tâm nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương thuộc Đại học Stanford nói rằng, nếu Trung Quốc sử dụng căn cứ Ream, sẽ “cực kỳ nguy hiểm”.
Ông Sophal Ear, một nhà nghiên cứu khoa học chính trị tại Đại học Occidental ở Los Angeles, nói: “Điều này sẽ cho phép Trung Quốc triển khai lực lượng không quân trong khu vực và nó sẽ thay đổi toàn bộ quy tắc trò chơi”.
Các quan chức quân đội Mỹ nói rằng Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận với Campuchia để giành độc quyền mở rộng căn cứ hải quân hiện có ở Campuchia trên bờ biển phía nam Dara Sakor, nhưng Bắc Kinh đã phủ nhận việc có căn cứ quân sự nước ngoài ở Campuchia.
Hãng Reuters ngày 1/7 đưa tin, Hoa Kỳ đã đề nghị giúp Campuchia sửa chữa nâng cấp một căn cứ hải quân, nhưng bị phía Campuchia bất ngờ từ chối. Bộ Quốc phòng Mỹ đã yêu cầu Campuchia giải thích điều này, nói rằng quyết định này làm gia tăng suy đoán rằng Trung Quốc có thể lên kế hoạch đóng quân ở đó.
Lễ đón tàu chiến của Hải quân Trung Quốc thăm cảng Ream hồi tháng 1/2019.
|
Trung Quốc và Campuchia cùng phủ nhận
Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen đã bác bỏ việc cho phép quân đội Trung Quốc xây dựng căn cứ ở Campuchia. Chính phủ của Thủ tướng Hun Sen nói rằng, sân bay và cầu cảng Dara Sakor sẽ biến khu rừng nhiệt đới xa xôi này thành một trung tâm logistics toàn cầu.
Người phát ngôn của chính phủ Campuchia Pay Siphan nói: “Campuchia sẽ không có quân đội Trung Quốc, hoàn toàn không có! Những người nói có quân đội nước ngoài đồn trú là bịa đặt”, “Có lẽ người da trắng muốn cản trở Campuchia bằng cách không cho chúng tôi phát triển kinh tế”. Bộ Quốc phòng Campuchia cũng phủ nhận những tin liên quan và nhấn mạnh rằng Hiến pháp Campuchia cấm Trung Quốc thiết lập căn cứ hải quân ở đó.
Đây không phải là lần đầu tiên truyền thông Mỹ cảnh báo về việc Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự ở Campuchia. The Wall Street Journal ngày 21/7 từng đưa tin rằng Trung Quốc đã ký một thỏa thuận với Campuchia cho phép Trung Quốc có được độc quyền sử dụng một phần của căn cứ hải quân Ream gần cảng Sihanoukville của Campuchia.
Chính phủ và quân đội Campuchia đều bác bỏ thông tin nói Campuchia cho phép Trung Quốc đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ nước này.
|
Trong một cuộc họp báo do Văn phòng Thông tin Quốc Vụ viện Trung Quốc tổ chức hôm 24/7 tại Bắc Kinh, Ngô Khiêm (Wu Qian), người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã bác bỏ tin nói rằng Trung Quốc sẽ thiết lập một căn cứ quân sự ở Campuchia. Ngô Khiêm nói: “Cái gọi là việc Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự ở Campuchia là không đúng sự thật. Quân đội Trung Quốc và Campuchia luôn tiến hành trao đổi và hợp tác tốt trong các mặt huấn luyện quân sự, đào tạo nhân viên và trang thiết bị hậu cần; sự hợp tác này không nhằm vào bên thứ ba”.
Ông Trương Dục Tài (Zhang Yucai), Giáo sư Đại học Quốc phòng Trung Quốc, cũng phản bác và nói, Trung Quốc là một quốc gia kiểu phòng ngự chiến lược và thực hiện chiến lược phòng thủ trong phạm vi khu vực; các biện pháp được tiến hành chủ yếu để triển khai chiến lược phòng thủ. Ông nói: “Trung Quốc không có chiến lược nào đe dọa các quốc gia khác, cũng không triển khai chiến lược quân sự tấn công và chưa từng có lịch sử đe dọa các quốc gia khác” (!).
Ông ta còn nhấn mạnh: “Trung Quốc phải đối mặt với mối đe dọa quân sự mới là hiện thực và điều cấp bách là nếu không có khả năng đối phó nhất định, e rằng một cuộc chiến tranh cục bộ quy mô lớn chống lại Trung Quốc và một số nước ở Đông Á sẽ sớm xảy ra”.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu