Vuột cơ hội từ sự yếu kém của hệ thống HOSE

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tình trạng treo cứng ở nhiều công ty chứng khoán lớn xảy ra từ 13h08 chiều nay. Ghi nhận trên thị trường, nhiều nhà đầu tư đã phản ứng mạnh vì vuột cơ hội trên thị trường chứng khoán và e ngại về những hệ lụy có thể xảy ra.

Ảnh: Dũng Minh

Ảnh: Dũng Minh

Chỉ sau ít phút giao dịch đầu phiên chiều, thanh khoản nhanh chóng vọt lên hơn 13.000 tỷ đồng và hiện tượng nghẽn mạng lập tức lặp lại.

Ở một công ty chứng khoán trong top 10 thị phần HOSE, lãnh đạo Công ty cho biết, trong những ngày gần đây bị khách hàng "la hét om sòm". 2 phiên giao dịch ngày 23/12 và 24/12, mỗi phiên không dưới 5.000 lệnh không được đẩy vào hệ thống. Phiên ngày 24/12, tình trạng ùn ứ ở công ty này cũng diễn ra từ 13h08.

Còn tại một công ty chứng khoán lớn khác, lãnh đạo doanh nghiệp vô cùng lo lắng về tình trạng, nhiều nhà đầu tư lớn không cover được trạng thái tài khoản như kế hoạch do không thể đặt lệnh vào phiên chiều.

Chẳng hạn, họ bán phiên sáng, có kế hoạch mua lại hàng vào phiên chiều nhưng không thể đặt lệnh hoặc ngược lại. Nếu như thông thường, nhà đầu tư đạt được trạng thái cân bằng về tiền và chứng khoán vào cuối phiên, thì nay hoặc họ thiếu tiền trong tài khoản, hoặc thiếu chứng khoán. Với các nhà đầu tư lớn, đây có thể là những cú sốc lớn trong kế hoạch đầu tư, còn với công ty chứng khoán, họ lo lắng vì có thể rơi vào tình trạng cho nhà đầu tư mua chứng khoán khi chưa đủ tiền trong tài khoản, vi phạm quy định về giao dịch chứng khoán trên thị trường.

Trong phiên ngày 24/12, theo vị lãnh đạo này có điểm đáng chú ý, ngoài việc tiếp tục tái diễn tình trạng lệnh của nhiều công ty chứng khoán lớn bị chặn lại, thì lệnh của công ty chứng khoán nhỏ lại lọt qua cửa HOSE (!?)

Ghi nhận trên khắp các diễn đàn chứng khoán, nhiều nhà đầu tư đang tỏ ra rất bức xúc.

“Có tiền mà không mua được”, “có cổ phiếu mà không bán được”, “ùn tắc không lối thoát”, “cơ hội đang vuột qua” đang là những chủ đề nóng được bàn luận.

Nhiều nhà đầu tư còn e ngại về việc, nhà đầu tư nước ngoài thường có thói quen giao dịch vào các phiên buổi chiều, đặc biệt đặt giá hợp lý vào phiên ATC chiều. Nay không giao dịch được, sẽ ảnh hưởng lớn tới tâm lý nhà đầu tư.

Thị trường còn e ngại về sự bất nhất trong phát ngôn của lãnh đạo HOSE. Tại cuộc họp của Câu lạc bộ nhà báo chứng khoán chiều 23/12, Báo Đầu tư Chứng khoán đã chuyển tới câu hỏi về việc liệu hệ thống của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) bị lỗi trong các phiên vừa qua?

Trả lời câu hỏi này, ông Lê Hải Trà, phụ trách HĐQT HOSE khẳng định: “Những phiên giao dịch gần đây không phát sinh lỗi trong tiến trình khớp lệnh dẫn tới sai sót trong việc khớp lệnh giữa hệ thống của Sở với các công ty chứng khoán”.

Vậy nhưng, ông Nguyễn Vũ Quang Trung, khi trao đổi với Thời báo Tài chính lại thừa nhận, có hiện tượng nhiều lệnh chưa vào được hệ thống của HOSE; do đó, hệ thống chưa ghi nhận và xử lý được. Đó là lý do các CTCK và tiếp đó là các nhà đầu tư không nhận được thông tin xác nhận.

Nghẽn lệnh truyền từ các CTCK vào hệ thống của HOSE, theo ông Trung là do số lượng lệnh giao dịch tăng nhanh khi số nhà đầu tư tăng, số tài khoản tăng, số cổ phiếu và chứng khoán mới gia nhập thị trường lớn, cùng với khả năng các robot được sử dụng để đặt lệnh. Đây là hiện tượng khá bất ngờ, khó dự kiến chính xác khi tốc độ tăng trưởng tính bằng lần của TTCK Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Quan điểm của cơ quan quản lý thị trường cao nhất là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cũng như ứng xử của các nhà tổ chức thị trường ra sao để đảm bảo giao dịch được thông suốt?

Báo Đầu tư Chứng khoán đã đặt ra vấn đề với lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đồng thời gửi câu hỏi tới cơ quan quản lý thị trường. Tuy vậy, đến cuối ngày 24/12, Đầu tư Chứng khoán chưa nhận được phản hồi, trong khi đó các thành viên thị trường đang “sốt sình sịch” về vấn đề này.

Theo Đầu tư chứng khoán