Vụ thử tên lửa của Triều Tiên: Thông điệp đáng sợ, được tính toán “đến từng li”!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Triều Tiên phóng thử một tên lửa hành trình hồi cuối tuần trước, một động thái đã được tính toán kỹ lưỡng về mặt thời gian và rất thông minh.
Cuộc thử nghiệm tên lửa mới nhất là động thái được tính toán cực kỳ thông minh của Triều Tiên (Ảnh: KCNA)
Cuộc thử nghiệm tên lửa mới nhất là động thái được tính toán cực kỳ thông minh của Triều Tiên (Ảnh: KCNA)

Tên lửa được Triều Tiên đem ra thử nghiệm là “một vũ khí chiến lược có tầm quan trọng lớn”, và bay được quãng đường 1.500 km trước khi đáp trúng các mục tiêu và rơi xuống vùng biển thuộc chủ quyền của họ trong cuộc thử nghiệm diễn ra trong hai ngày, 11 và 12/9, theo hnagx thông tấn nhà nước Triều Tiên, KCNA.

Cũng trong hôm đầu tuần này, các nhà ngoại giao cấp cao đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ dự kiến họp ở Tokyo để thảo luận về vấn đề Triều Tiên.

Nhiều nhà phân tích đánh giá rằng, vụ phóng thử nghiệm hồi cuối tuần trước là một hành động “bán khiêu khích” được tính toán một cách thông minh.

Vũ khí chiến lược nào?

Các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ cấm Triều Tiên sở hữu hay thử nghiệm công nghệ tên lửa – đây là một khái niệm rộng lớn, bao gồm cả các phương tiện dùng để phóng vệ tinh – thế nhưng tên lửa hành trình thì lại…được phép. Các tên lửa đạn đạo bay theo đường parabol trong khi các tên lửa hành trình bay theo đường ngang, thường là bám lấy địa hình hoặc đại dương.

Những hình ảnh mà KCNA công bố cho thấy một tên lửa hành trình được phóng từ một phương tiện trên mặt đất, thay vì từ một cơ sở phóng hay bệ phóng. Tính cơ động của các loại vũ khí sẽ làm tăng khả năng sống sót của chúng. Tầm bắn (theo tuyên bố) của nó có thể đặt toàn bộ Hàn Quốc và Nhật Bản – bao gồm cả các căn cứ quan trọng của Mỹ như Pyongytaek ở Hàn Quốc và Yokohama, Okinawa ở Nhật Bản – trong tầm bắn.

Nhưng cụm từ “chiến lược” ở đây nằm ở chỗ khác.

Các tên lửa hành trình là các vũ khí chiến thuật của quân đội một nước, được sử dụng để tấn công các mục tiêu quân sự nhỏ gọn. Chúng có thể được sử dụng để tải các vũ khí hủy diệt hàng loạt – như một đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ - tới một mục tiêu.

Chính bởi một tên lửa hành trình có thể được “hạt nhân hóa” mà các nhà hoạch địch quốc phòng phải đau đầu tính toán, đặc biệt là khi xét tới kho đạn dược lớn đầy các loại tên lửa đủ kích cỡ, loại và tầm bắn đa dạng của Triều Tiên.

Dù cho ý định của Triều Tiên là gửi đi một tín hiệu chính trị, để thử nghiệm một loại vũ khí hoặc (có khả năng cao) là cả hai, “thì đối với tôi cũng không phải điều cần bàn, mà vấn đề là khả năng uân sự mới của họ”; Chun In-bum, tướng Hàn Quốc nghỉ hưu, nói với Asia Times.

“Các tên lửa hành trình này có một chức năng khác, bởi chúng có thể đóng giả máy bay hay sở hữu các tính năng đánh lừa khác, nên thực sự là thách thức đối với hệ thống phòng thủ của chúng ta” – ông Chun cảnh báo – “Đây là những khả năng mới của Triều Tiên”.

Và nếu xét về nhiều khía cạnh, không chỉ về an ninh mà cả về ngoại giao, thì thời điểm mà Bình Nhưỡng thực hiện vụ thử nghiệm trên là không thể chê vào đâu được.

Thời điểm được tính toán khéo léo

Vụ thử nghiệm vừa qua không chỉ gips cho Triều Tiên một lần nữa lọt vào tầm chú ý của Washington – sau màn rút quân đáng hổ thẹn ở Afghanistan – mà còn khiến cộng đồng quốc tế chú ý tới việc một quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ tham gia nhiều cuộc họp được tổ chức tại Nhật Bản.

Theo một tuyên bố mà Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra ngày 10/9, ông Sung Kim – đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên – sẽ tới Nhật Bản từ ngày 13 đến 15/9 để tham dự cuộc họp ba bên với Vụ trưởng Vụ châu Á và châu Đại dương Nhật Bản Funakoshi Takehiro và Đặc phái viên về Hòa bình và An ninh trên bán đảo Triều Tiên của Hàn Quốc, ông Noh Kyu-duk.

Ông Sung Kim cũng sẽ gặp gỡ nhiều quan chức cấp cao khác của Nhật Bản để thảo luạn về nhiều vấn đề, không chỉ về cam kết của Mỹ với tiến trình giải giáp hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên mà cả về việc Triều Tiên bắt cóc công dân Nhật Bản.

Và ở thời điểm hiện tại, sau khi Triều Tiên thử nghiệm ten lửa xong, 3 vị quan chức cấp cao này đã có vấn đề mới để thảo luận.

“Điều khiến cho cuộc thử nghiệm này mang tính chất khiêu khích nằm ở chỗ, Triều Tiên đưa ra tuyen bố công khai rằng những tên lửa hành trình này là một vũ khí “chiến lược”, ngầm nói đến ý định thu nhỏ các đầu đạn hạt nhân của họ để lắp vừa trên các tên lửa này” – Leif-Eric Easley, Giáo sư nghiên cứu quốc tế tại ĐH Nữ sinh Ewha ở Seoul, nhận định.

“Nếu đúng như vậy, vụ thử nghiệm này xứng đáng bị cộng đồng quốc tế áp đòn trừng phạt” – Easley nói thêm – “Tuy nhiên, Bình Nhưỡng có thể đáng tính toán rằng, Washington sẽ chỉ đưa ra phản ứng nhẹ nhàng, bởi do mối quan hệ căng thẳng với Trung Quốc và Nga nên hai nước này sẽ phản đối Mỹ tăng thêm lệnh trừng phạt”.

Động thái của Bình Nhưỡng xuất hiện chỉ 4 ngày sau khi họ tổ chức lễ diễu binh ban đêm, và 6 ngày sau khi Hàn Quốc thử nghiệm thành công một tên lửa đạn đạo sản xuất trong nước, phóng từ tàu ngầm.

Chạy đua tên lửa và thế bế tắc chiến lược

Động thái này cũng cho thấy Hàn Quốc – mới được Mỹ nhất trí gỡ bỏ hạn chế về chương trình phát triển tên lửa sau khi Tổng thống Moon Jae-in tổ chức hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Joe Biden ngày 21/5 – giờ thực chất là đã bước vào một cuộc chạy đua tên lửa với phía Triều Tiên.

Ngày 2/9, trong một bản kế hoạch ngân sách, Seoul tuyên bố là đang phát triển một tên lửa đạn đạo đất-đối-không có thể mang theo đầu đạn nặng 3 tấn. Mặc dù người Hàn Quốc rêu rao rằng khả năng tải này khiến nó không khác gì một vũ khí nguyên tử chiến lược, nhưng thực tế là không phải. Và xét về khả năng tải đầu đạn, dù cho loại tên lửa là gì, Triều Tiên – đã thực hiện tới 6 vụ thử nghiệm hạt nhân và sở hữu số lượng đầu đạn nguyên tử chưa rõ – vẫn áp đảo Hàn Quốc, nước vẫn đang phải núp dưới “cái ô chắn nguyên tử” của nước Mỹ.

Những vũ khí hủy diệt hàng loạt cũng tạo sức mạnh răn đe đáng gờm cho Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, các chương trình vũ khí này tính đến thời điểm hiện tại lại không mang lại những chiến thắng về mặt ngoại giao/chính trị cho họ.

Mối quan hệ Mỹ-Triều – và cả mối quan hệ liên Triều – phần lớn là bị “đóng băng” kể từ sau hội nghị thượng đỉnh giữa Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump tổ chức tại Hà Nội năm 2019.

Tình trạng “đóng băng” này đã đẩy ông Kim vào thế tiến thoái lưỡng nan trong chiến lược. Do không thể đạt được một thỏa thuận nào với vị Tổng thống Mỹ giờ đã rời nhiệm sở, đất nước Triều Tiên một lần nữa bị cô lập và hứng chịu những đòn trừng phạt khắc nghiệt.

Và kể từ năm 2020, đại dịch COVID-19 đã buộc Triều Tiên phải đóng cửa biên giới để ngăn chặn sự lây lan, tạm ngừng thương mại với Trung Quốc. Điều này càng gây sức ép về mặt kinh tế và xã hội đối với ông Kim. Hiện vẫn chưa rõ chiến lược ngoại giao sắp tới của ông là gì, theo giới chuyên gia.

Theo KCNA, ông Kim Jong-un – người luôn có mặt trong các vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo trước đây – đã không tham dự vụ thử hồi cuối tuần trước. Đây cũng là một tín hiệu đáng chú ý.

“Ông Kim Jong-un không tham dự, đó cũng là một tuyên bố chính trị” – ông Chun nói – “Ông ấy đang muốn nói rằng: “Tôi cở mở với đàm phán, nhưng phải theo các điều kiện của tôi – bởi tôi đang sở hữu khả năng quân sự mạnh mẽ này””.