Ảnh chụp về tinh Trung tâm Khoa học Nguyên tử Yongbyon ngày 22/8 (Ảnh: AFP) |
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) không được quyền tiếp cận Triều Tiên kể từ sau khi Bình Nhưỡng trục xuất các thanh tra viên của cơ quan này vào năm 2009. Triều Tiên sau đó tiếp tục thúc đẩy chương trình vũ khí nguyên tử trong nước và sớm nối lại các vụ thử nghiệm hạt nhân. Vụ thử gần đây nhất của họ là vào năm 2017.
IAEA giờ phải theo dõi Triều Tiên từ xa, chủ yếu là nhờ các bức ảnh chụp từ vệ tinh.
“Không có tín hiệu cho thấy lò phản ứng hoạt động từ đầu tháng 12/2019 cho tới thời điểm đầu tháng 7/2021” – báo cáo của IAEA nói về lò phản ứng 5 megawatt ở Yongbyon, khu phức hợp nguyên tử được cho là “trái tim” của chương trình hạt nhân của Triều Tiên – “Tuy nhiên, kể từ đầu tháng 7/2021, đã có nhiều tín hiệu như vậy, trong đó có hoạt động xả nước làm mát”.
IAEA công bố bản báo cáo thường niên của họ ngay trước thềm một cuộc họp các nước thành viên, đăng tải báo cáo này lên Internet mà không có tuyên bố đi kèm.
IAEA hồi tháng 6 cho hay có những dấu hiệu về khả năng diễn ra hoạt động tái chế để tách plutonium dùng cho vũ khí hạt nhân từ nhiên liệu lò phản ứng đã qua sử dụng tại Yongbyon. Theo báo cáo mới nhất, thời gian diễn ra quá trình này trong 5 tháng, từ giữa tháng hai đến đầu tháng 7, cho thấy một lô nhiên liệu đã được xử lý, nhiều hơn so với thời gian cần thiết để xử lý chất thải hay bảo dưỡng.
"Những dấu hiệu mới nhất về hoạt động tại lò phản ứng 5 megawatt và Phòng thí nghiệm (tái xử lý) Hóa chất phóng xạ là rất đáng lo ngại" – báo cáo nhấn mạnh.