Vụ Giang Kim Đạt: Trưởng phòng sao tham nhũng được gần 19 triệu USD?

"Phải kiểm soát cho chặt chẽ chứ một trưởng phòng kinh doanh không lớn mà tham ô dễ dàng 18,6 triệu USD, một số tiền lớn có thể xóa đói giảm nghèo, làm bao nhiêu việc có ích cho xã hội", ông Phạm Anh Tuấn nói.
Tội đồ Giang Kim Đạt
Tội đồ Giang Kim Đạt

Phó trưởng Ban Phạm Anh Tuấn đánh giá cao việc cơ quan an ninh điều tra bắt được Giang Kim Đạt, nguyên quyền Trưởng phòng Kinh doanh của công ty TNHH Một thành viên Vận tải Viễn Dương Vinashin, người đã tham ô 18,6 triệu USD rồi bỏ trốn sang Singpore.

"Nếu các cơ quan tố tụng không kiên trì, kiên quyết làm vụ này thì xã hội sẽ không biết, không ai nghĩ một cán bộ rất ít tuổi, cấp trưởng phòng, sống chìm như thế mà dễ dàng tham nhũng, tham ô một khối lượng tài sản quá lớn, không thể chấp nhận được", ông Tuấn lo rằng đây không phải trường hợp duy nhất.

Vụ Giang Kim Đạt: Trưởng phòng sao tham nhũng được gần 19 triệu USD? ảnh 1
Phó trưởng Ban Nội chính TƯ Phạm Anh Tuấn

Hy vọng đây sẽ là tiền đề, phát súng đột phá trong thu hồi tài sản tham nhũng, Phó trưởng Ban Nội chính TƯ cũng chỉ ra "cái mắc" hiện nay là thu hồi tài sản của kẻ tham nhũng người VN nhưng mua ở nước ngoài.

"Mắc ở chỗ giữa VN và quốc gia đó có ký kết hiệp định tương trợ tư pháp không, trong đó có nội dung kê biên, phong tỏa tài sản, tài khoản, mỗi nước lại có pháp luật riêng", ông Phạm Anh Tuấn nói.

"Nhưng cũng rất may là hiện số quốc gia tham gia Công ước LHQ về chống tham nhũng tương đối đông, mà Công ước này cũng có nội dung về thu hồi tài sản. Ví dụ kê biên tài sản của người tham nhũng theo yêu cầu của quốc gia có người tham nhũng chạy đến, hoặc phong tỏa tài sản ở các ngân hàng của người đó hoặc người thân của họ theo yêu cầu của quốc gia đó".

Việc kê biên hoặc phong tỏa tài sản của Giang Kim Đạt ở Singapore, theo ông Tuấn là không khó, thuận lợi là có sự đồng tình, giúp đỡ của Singapore và sự vào cuộc của Interpol.

Nhiều cách biến hóa tài sản

Phó trưởng Ban Nội chính TƯ cũng đồng tình rằng thủ đoạn chuyển hóa tài sản tham nhũng qua tên bố mẹ như trường hợp Giang Kim Đạt là tương đối phổ biến.

"Họ chẳng dại gì trực tiếp đứng ra giao dịch, hay đứng tên mình trong giao dịch, vì là người có chức vụ, quyền hạn, hàng năm họ đều phải kê khai tài sản. Nếu đứng tên mình với những tài sản lộ liễu thì sẽ bị đặt câu hỏi về thu nhập chính thức".

Ông Phạm Anh Tuấn thừa nhận những kẻ tham nhũng có nhiều hình thức pháp lý khác nhau để tẩu tán, biến hóa tài sản tham nhũng.

"Về mặt chủ quan chúng ta đều cảm nhận được, nhưng để kết luận có đúng tài sản này được hình thành từ tham nhũng không thì phải có quy định pháp lý rất chặt chẽ. Chống tham nhũng quyết liệt nhưng cũng phải thận trọng, tránh oan sai".

Nhưng từ chuyện Giang Kim Đạt là cán bộ bình thường mà tài sản khủng, Phó trưởng Ban Nội chính TƯ nhìn nhận cơ chế kiểm soát từ hai góc độ: Thứ nhất, phải xem lại cơ chế quản lý kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp.

Thứ hai là xem lại cơ chế kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn một cách minh bạch, công khai, đã đi vào cuộc sống nhưng chưa phát huy hiệu quả.

"Phải kiểm soát cho chặt chẽ chứ một trưởng phòng kinh doanh không lớn mà tham ô dễ dàng 18,6 triệu USD, một số tiền lớn có thể xóa đói giảm nghèo, làm bao nhiêu việc có ích cho xã hội", ông Phạm Anh Tuấn nói.

Ông khẳng định vụ Vinashin vẫn nằm trong diện Ban chỉ đạo TƯ phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.

*Bên hành lang hội nghị phổ biến và nhân rộng sáng kiến phòng, chống tham nhũng (PCTN) do Thanh tra Chính phủ tổ chức ngày 16-7 tại TP.HCM, Pháp Luật TP.HCM có cuộc trao đổi với ông Phí Ngọc Tuyển, Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ), về vụ án cố ý làm trái, tham ô tài sản do Giang Kim Đạt - nguyên quyền trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH một thành viên Vận tải Viễn dương Vinashin (Vinashinlines) gây ra.

Quản lý rất lỏng lẻo

. Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về vụ việc này?

+ Ông Phí Ngọc Tuyển: Đánh giá ban đầu là khâu quản lý của Vinashin trước đây rất lỏng lẻo, đó cũng là một cảnh báo rất lớn… Tôi không hiểu thực tiễn quản lý ở Vinashin thế nào mà để cho một ông cấp phòng có thể chiếm đoạt được một lượng tài sản lớn như thế. Tôi cũng xin lưu ý cần phải chờ kết luận của công an điều tra mới biết thực tế thế nào. Chúng tôi cũng chưa nhận được kết luận cụ thể từ cơ quan công an điều tra.

. Như ông nói, trong vụ án này dư luận đặt nhiều câu hỏi là tại sao một chức danh như ông Đạt mà lại chiếm đoạt được số tiền lớn đến thế? Điều này, theo nhiều độc giả, với vị trí đó một mình Đạt khó có thể thực hiện trót lọt?

+ Chuyện đặt ra nghi vấn thì mọi người cứ đặt thôi, tùy theo suy nghĩ của từng người chứ còn kết luận cụ thể thì phải do cơ quan điều tra. Nhưng có thể chắc chắn ở đây có vấn đề về mặt sơ hở trong quản lý kinh tế nói chung cũng như các khâu quản lý các doanh nghiệp nhà nước nói riêng.

Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) Phí Ngọc Tuyển đang trả lời phỏng vấn của PV báo Pháp Luật TP.HCM sáng 16-7. Ảnh: CTV

Đẩy mạnh thu hồi tài sản tham nhũng

. Thưa ông, từ vụ án này ông đưa ra những lưu ý gì đến công tác PCTN?

+ Vụ Vinashin nói chung là một bài học đích đáng rồi. Bài học này đã thúc đẩy cho Nhà nước nhìn nhận vấn đề quản lý đối với doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhà nước nói riêng. Để PCTN tốt hơn cũng như để giúp cho quản lý doanh nghiệp tốt hơn, một trong các giải pháp là thúc đẩy cổ phần hóa.

Trong Bộ luật Hình sự sửa đổi (đang đưa ra lấy ý kiến nhân dân), vấn đề xử lý đối với hành vi tham nhũng có hai điểm nổi lên: Một là trách nhiệm hình sự của pháp nhân; hai là câu chuyện sẽ xử lý thu hồi tài sản, thay vì chúng ta chú ý quá vào biện pháp giam giữ. Thật ra phải thay đổi quan niệm để người dân thấy rõ xử lý hình sự không phải chỉ là giam giữ mà còn phải là thu hồi tài sản, trừng phạt bằng tiền mới có tác dụng ngăn ngừa tệ nạn tham nhũng.

Đánh giá lại hệ thống thanh tra, kiểm tra

. Thưa ông, trước khi Vinashin bị phát hiện ra các sai phạm đã có rất nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra vào cuộc nhưng không phát hiện ra. Vì sao thế?

+ Nhìn toàn cục có thể coi là có vấn đề trong hệ thống kiểm tra. Ở mỗi giai đoạn với mỗi nội dung rất khác nhau, có thể không bao quát hết và còn có những trường hợp đặc biệt. Chẳng hạn như chỗ Giang Kim Đạt - nguyên quyền trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH một thành viên Vận tải Viễn dương Vinashin (Vinashinlines) liên quan đến yếu tố nước ngoài rất nhiều. Trong khi đó những chế định thanh tra, kiểm toán không thể nào bao quát hết được yếu tố nước ngoài ấy. Hiện nay chúng ta làm gì có cái quyền đi ra nước ngoài để xác minh một tài sản bất minh nào đó. Đó có thể coi là hệ thống pháp luật đang có lỗ hổng. Mà thực tế có cho cái quyền ấy cũng không phải là dễ thực hiện vì còn liên quan đến hợp tác quốc tế nữa.

Nhưng cũng cần phải có đánh giá lại cả hệ thống. Chính vì thế hiện nay Thanh tra Chính phủ cũng đang đề nghị Chính phủ đưa vào chương trình làm việc của Quốc hội là phải sửa Luật Thanh tra để làm sao cho hệ thống thanh tra có thể tham gia xử lý được vấn đề có yếu tố nước ngoài.

Theo thông tin ban đầu từ Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an), Giang Kim Đạt đã tham ô, trục lợi hơn 18,6 triệu USD (400 tỉ đồng) và chuyển số tiền này cho cha là ông Giang Văn Hiển. Ông Hiển đã dùng tiền này mua bán nhà cửa, đất đai và nhiều tài sản khác. Ông Hiển cũng đã bị khởi tố, bắt tạm giam về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Liên quan đến vụ này, đến nay cơ quan an ninh điều tra kê biên khoảng 40 biệt thự, căn hộ, đất nền ở nhiều nơi, trong đó có cả căn hộ ở Singapore. Những căn hộ này do ông Hiển và người thân hoặc người khác đứng tên. Hiện vụ án đang được mở rộng điều tra.

Theo PLTP/VNN