Vụ đắm tàu lịch sử của ngành hàng hải Việt Nam

VietTimes – Đó là vụ gặp nạn “tập thể” của 10 tàu hàng trên biển Quy Nhơn trong bão số 12 đầu tháng 11/2017. Lịch sử của ngành hàng hải Việt Nam từ năm 1954 tới nay chưa từng ghi nhận nhiều tàu hàng đắm trong một thiên tai như vậy. Và là đắm trong điều kiện đã có chuẩn bị phòng chống bão.
Một tàu bị chìm ở Quy Nhơn trong cơn bão. Ảnh: Zing
Một tàu bị chìm ở Quy Nhơn trong cơn bão. Ảnh: Zing

Đúng một tháng trước, tối 4/11, Trung tâm tìm kiếm cứu nạn khu vực II gửi báo cáo nhanh tới các cơ quan quản lý. Theo đó, tính tới 20h47’ ngày 4/11, đã có 9 tàu biển đỗ tại vùng biển Quy Nhơn (Bình Định) gặp nạn trong bão số 12.

Số liệu từ báo cáo này đầy giông bão, hệt như cơn bão đang hoành hành trên khu vực miền Trung khi ấy.

Trong số 9 tàu gặp nạn này, có 7 tàu được ghi nhận “chìm tại chỗ”, 2 tàu lên cạn. Trong số 83 người thống kê được chỉ trên 8 tàu, có 34 người liệt kê trong cột “mất tích”.

Ngày 5/11, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão tỉnh Bình Định, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - ông Hồ Quốc Dũng – yêu cầu tiến hành điều tra vụ việc này. Đến thời điểm đó, thống kê xác nhận có 10 tàu, với 99 người, đã gặp nạn. Các lực lượng cứu hộ đã cứu được 74 người, có 4 người đã chết, 21 người khác vẫn mất tích.

“Tại sao đã được thông báo bão nhưng các tàu hàng không vào cảng Quy Nhơn neo đậu, mà phải neo ở phao số 0, khiến thiệt hại về người và tài sản như vậy?” – Chủ tịch tỉnh Bình Định gay gắt hỏi.

Ngày 6/11, trong cuộc họp trực tuyến về khắc phục hậu quả bão số 12, ông Hồ Quốc Dũng báo cáo Thủ tướng, có 10 tàu biển chìm tại vùng biển Quy Nhơn.

Đây là sự cố hàng hải lớn nhất từ trước đến nay trên vùng biển Quy Nhơn – người đứng đầu tỉnh Bình Định xác nhận.

Đó có thể coi là xác nhận cay đắng, nhưng cần thiết. Đáng tiếc là không có ý kiến nào từ cơ quan chức năng của Bộ GTVT xác nhận, rằng đây cũng là sự cố hàng hải có số lượng tàu chở hàng gặp nạn, số thủy thủ mất tích, lớn nhất từ trước đến nay xảy ra trên vùng biển Việt Nam.

Lịch sử ngành hàng hải Việt Nam, kể cả trong giai đoạn chiến tranh phá hoại, chưa từng chứng kiến vụ đắm nhiều tàu chở hàng đến vậy.

Cần lưu ý là, những tàu hàng này đều gặp nạn trong điều kiện vào vùng biển Quy Nhơn tránh bão số 12, và đều có chuẩn bị để tránh bão. Vì sao vậy ?

Hãy lần lại những thông tin sau đó được công bố, để có thể hình dung phần nào về nguyên nhân thảm họa này. Theo Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Định, thời điểm chuẩn bị chống bão số 12, đã có 104 tàu hàng neo đậu ở khu vực Cảng Quy Nhơn và khu vực phao số 0.

Theo ông Liễu Minh Hoài - Phó Giám đốc Cảng vụ hàng hải Quy Nhơn – thời điểm này luồng cảng Quy Nhơn đã có 53 tàu neo đậu tránh trú bão. “Không còn chỗ để một lượng lớn tàu vận tải hàng vào sâu bên trong để neo nữa, do đó những tàu đến sau phải sắp xếp cho họ neo ở phao số 0. Hầu hết các tàu neo ở phao số 0 đều có báo cho cảng vụ, nhưng cũng có tàu không báo" – ông Hoài báo cáo.

Xác nhận thông tin này của ông Hoài, là thông tin của Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ khi trả lời báo Tuổi trẻ. Ông Thọ cho biết: "Các tàu trú bão thì phải bố trí ra ngoài phao số 0 vì tàu hàng to, không thể neo hết trong luồng, va đập hư hỏng hết. Việc neo đậu ngoài phao số 0 là đúng quy định vì vị trí cách bờ không xa lắm, các tàu này cũng được cảng vụ hàng hải hướng dẫn cả rồi”.

Đặc biệt, Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định, “theo dự báo, Bình Định chỉ bị ảnh hưởng nhẹ của bão số 12, chẳng ai ngờ bão vào mạnh như vậy, nên có thể các tàu cũng chủ quan khi dừng Quy Nhơn trú bão".

Như vậy, thông tin từ hai quan chức ngành GTVT cho thấy họ dựa vào dự báo Bình Định – mà trực tiếp là Quy Nhơn – chỉ bị “ảnh hưởng nhẹ” của bão để bố trí điểm tiếp nhận tàu vào tránh trú. Nhưng thông tin thứ 2, quan trọng hơn, là chưa bao giờ Quy Nhơn tiếp nhận lượng tàu biển vào lớn như vậy.  

Hai thông tin này cho thấy dường như đã có sự dễ dãi đến khó hiểu trong kế hoạch chống bão số 12 đối với các tàu biển tại Bình Định. Cần nhắc lại là, trước đó, tháng 7/2017, tàu VTB 26 chở 4.600 tấn than đã chìm tại Đảo Ngư (Nghệ An) trong bão cấp 10, làm 2 người chết, 4 người mất tích.

Trả lời sau đó, đại diện cảng vụ Nghệ An cho biết đã lệnh cho chiếc tàu này chạy ra điểm tránh trú bão tại Quảng Ninh, tuy nhiên “không hiểu sao chiếc tàu vẫn đỗ ở vị trí này” – đại diện cảng vụ Nghệ An phân trần. Cảnh báo về sự tùy tiện trong đậu đỗ tránh bão đã được phát ra từ vụ đắm tàu tại Nghệ An, nhưng lại không được ngành hàng hải đánh giá đúng đắn.

Vì tới cơn bão số 12, cơ quan quản lý hàng hải cũng vẫn không làm chủ được việc chỉ định, tiếp nhận tàu đậu đỗ tránh bão. Do đó mà mới có chuyện, 104 tàu đỗ chen chúc, kéo dài từ luồng cảng ra tới phao số 0, ngay bên cạnh rìa “tưởng tượng” của cơn bão.

Đã không ai chú ý tới việc quy hoạch neo đậu tránh trú bão chỉ có 7 điểm đỗ, nhưng Quy Nhơn đã tiếp nhận tới 104 tàu biển vào trú bão, và bố trí khối tàu này đỗ kéo dài tới phao số 0.

Nếu – chỉ là nếu thôi – có một cơ quan kiên quyết không tiếp nhận thêm, mà chỉ định bớt số tàu này chạy thêm vài chục hải lý nữa sang vùng biển tỉnh bạn, tránh xa khu vực ảnh hưởng của bão số 12, thì có thể màn đắm tàu tập thể đã không xảy ra.

Nếu – chỉ là nếu thôi – có một cơ quan tin vào sự bất trắc của thiên tai, mà chịu khó đẩy đuổi bớt những tàu phải neo ngoài luồng, ngoài khơi Quy Nhơn với lý do để tránh bão, thì có thể không ít tàu đã phải sang nơi khác đậu đỗ, tai họa có thể đã được ngăn chặn.

Một nghiên cứu tổng hợp từ các thống kê chỉ ra rằng, có đến 80% sự cố trên biển là do sai lầm của đội thuyền viên trên tàu.

Nhưng, trong vụ đắm tàu xảy ra tại biển Quy Nhơn, sẽ thật bất công nếu chỉ đổ lỗi cho những người có mặt trên những con tàu gặp nạn khi ấy. 10 chiếc tàu hàng đã gặp nạn trong cách không thể oái oăm hơn, là đắm tại chính nơi neo đậu tránh trú bão.

Nơi an toàn hóa ra lại là nơi rủi ro nhất, vụ đắm tàu lịch sử của ngành hàng hải Việt Nam đã được “xây dựng”, từ những quyết định trên bờ như thế.

Theo Quyết định số 2494/QĐ-BGTVT ngày 30/6/2014 của Bộ GTVT về Phê duyệt Quy hoạch các khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu biển đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, khi xảy ra bão tại khu vực Nam Trung bộ, các tàu vận tải có trọng tải lớn được điều động tránh bão ra các vùng neo khu vực phía Bắc (Quảng Ninh, Hải Phòng) hoặc phía Nam (Quy Nhơn, Phú Yên, Khánh Hòa), ngoài vùng tâm bão phù hợp với phân cấp tàu

Tại Khu vực đầm Thị Nại (Quy Nhơn), Bộ GTVT quy hoạch 07 điểm neo cho tàu trọng tải đến 5.000 DWT. Ngoài ra, tàu thuyền còn có thể neo đậu tránh bão hoặc tránh gió mùa tại một số khu vực được che chắn một phần như vịnh Làng Mai (Quy Nhơn - Bình Định), Cà Ná (Ninh Thuận) và vịnh Phan Thiết (Bình Thuận) theo sự điều động của Cảng vụ hàng hải khu vực.

Trong cơn bão số 12 vừa qua, có 104 tàu biển đã neo tránh trú bão tại Quy Nhơn – Bình Định. Lý do sự nhiều vượt cả điểm đỗ theo quy hoạch này, có thể sẽ được “kết luận” là dự báo bão không vào Quy Nhơn, Bình Định. Kết luận sau đó nữa là khi bão vào khu vực này, thuyền viên các tàu đã bối rối không xử lý hết các tình huống phát sinh trong bão.