Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm phê duyệt phương án lựa chọn nhà đầu tư, đảm bảo tính khả thi, chất lượng, hiệu quả và tiến độ triển khai hạng mục theo quy định của pháp luật.
Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tổ chức xây dựng, thẩm định và phê duyệt Phương án cho thuê khai thác, đồng thời, tổ chức ký kết Hợp đồng cho thuê khai thác kết cấu hạ tầng khu bến cảng theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, dự án cảng nước sâu Lạch Huyện đang được xây dựng. Dự án được chia thành hai hợp phần, trong đó hợp phần A (gồm luồng tàu, vũng quay tàu, đê chắn sóng, đê chắn cát, đường ngoài cảng…) đã được khởi công vào tháng 4-2013. Tổng mức đầu tư của hợp phần A là 18.600 tỷ đồng, bằng nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản và vốn ngân sách nhà nước.
Còn hợp phần B gồm việc đầu tư hai bến tàu có chiều dài 750 mét và các trang thiết bị khai thác, xếp dỡ, cho tàu container trọng tải đến 100.000 tấn vào cảng đã được khởi công vào tháng 5-2016 với tổng mức đầu tư 6.600 tỷ đồng và sẽ hoàn thành vào quý 1-2018. Hợp phần B do Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, đối tác Molnykit Nhật Bản và Công ty TNHH Cảng container quốc tế Hải Phòng thực hiện.
Đây không phải là lần đầu tiên Chính phủ cho thuê khai thác hạ tầng cảng biển sau khi nhà nước đầu tư xong.
Trước đó, vào năm 2003, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có quyết định cho Công ty TNHH MTV Cảng Quảng Ninh thuê cảng Cái Lân với thời hạn thuê là 25 năm từ năm 2004 đến năm 2026, trong đó hai năm đầu 2005, 2006 ân hạn tiền thuê.
Năm 2013, Chính phủ đã cho thuê cảng An Thới, Phú Quốc với thời hạn 30 năm.
Đến năm 2014, Chính phủ tiếp tục cho doanh nghiệp thuê cảng tổng hợp Thị Vải và cảng container quốc tế Cái Mép tại Bà Rịa-Vũng Tàu cũng với thời gian thuê là 30 năm.