1. Sky Mavis: 150 triệu USD
Tháng 4, Sky Mavis - công ty đứng sau trò chơi Axie Infinity công bố huy động được 150 triệu USD để hoàn trả người chơi trong vụ tấn công mạng blockchain. Dẫn đầu vòng này là Binance, bên cạnh đó còn có sự tham gia của nhiều tên tuổi lớn trong cộng đồng blockchain như Animoca Brands, a16z, Dialectic, Paradigm và Accel.
Định giá của Sky Mavis trong vòng gọi vốn mới không được tiết lộ. Trước đó, startup này được đầu tư 152 triệu USD trong vòng Series B vào tháng 10 năm ngoái với định giá 3 tỷ USD.
Axie Infinity là game NFT nổi tiếng thế giới trong thời gian qua. Cuối tháng 3, Ronin Network, mạng lưới blockchain kết nối Axie Infinity với Ethereum thông báo bị hacker tấn công, chiếm đoạt lượng tiền số trị giá hơn 600 triệu USD. Đây là một trong những vụ tấn công lớn nhất lịch sử ngành tiền mã hóa. (Ảnh: Nikkei)
2. Con Cưng: 90 triệu USD
Quỹ đầu tư tư nhân châu Á Quadria Capital thông báo đầu tư 90 triệu USD vào thương hiệu mẹ và bé Con Cưng hồi đầu năm nay. Nguồn vốn này sẽ được sử dụng để mở rộng quy mô và mạng lưới cửa hàng của Con Cưng tại thị trường Việt Nam, đặt mục tiêu khai trương 2.000 siêu thị mẹ và bé vào năm 2025.
Bên cạnh đó, khoản đầu tư cũng được dùng vào hạng mục phát triển ứng dụng chuyên cung cấp sản phẩm và dịch vụ cá nhân hóa "tất cả trong một" (all-in-one), dựa trên nhu cầu khách hàng.
Được thành lập năm 2011, Con Cưng bán lẻ hơn 2.000 mặt hàng hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, phát triển của mẹ và bé bao gồm sữa bột, tã giấy, thực phẩm dinh dưỡng, vitamin, đồ dùng và sản phẩm thời trang trẻ em. (Ảnh: Con Cưng)
3. OnPoint: 50 triệu USD
OnPoint, công ty cung cấp các giải pháp hỗ trợ phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam vừa công bố huy động được 50 triệu USD từ SeaTown Private Capital Master Fund. Đây là quỹ đầu tư trực thuộc SeaTown Holdings International, một thành viên của Temasek Holdings. Khoản vốn rót vào OnPoint được xem là lớn nhất trong vòng 5 năm qua trong lĩnh vực phát triển thương mại điện tử tại Đông Nam Á.
Thành lập năm 2017, OnPoint cung cấp các giải pháp cho phép các nhãn hàng thúc đẩy tăng trưởng doanh thu trực tuyến trên nhiều kênh, bao gồm các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội hoặc các trang web riêng của nhãn hàng.
Năng lực phục vụ bao gồm tất cả khía cạnh của chuỗi giá trị thương mại điện tử, từ thiết lập, vận hành gian hàng trực tuyến đến quản lý các chiến dịch tiếp thị số, dịch vụ khách hàng, kho bãi và đóng gói hoàn thiện đơn hàng. (Ảnh: OnPoint)
4. Entobel: 30 triệu USD
Hồi tháng 5, Entobel thông báo hoàn thành đợt gọi vốn trị giá 30 triệu USD, trong đó 25 triệu USD từ quỹ Mekong Enterprise Fund IV và 5 triệu USD từ Dragon Capital.
Entobel là công ty công nghệ sinh học, chuyên sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi từ côn trùng, đặc biệt là ruồi lính đen, cho các ngành công nghiệp khác nhau bao gồm thức ăn gia súc, thức ăn cho vật nuôi và ngành công nghiệp phân bón. Công ty này do hai doanh nhân người Bỉ, Gaëtan Crielaard và Alex de Caters đồng sáng lập.
Năm 2013, Gaëtan Crielaard và Alex de Caters bắt đầu hành trình đến Việt Nam sau khi nhận thấy tiềm năng to lớn của protein côn trùng đối với thức ăn dinh dưỡng cho động vật trong những năm học thạc sỹ. Họ nhanh chóng xác định Việt Nam sẽ là một trong những thị trường trọng điểm để thành lập mô hình kinh doanh này. Hiện Entobel có 3 sản phẩm chính là thức ăn chăn nuôi, dầu ăn cho động vật và phân hữu cơ. (Ảnh: Entobel)
5. Finhay: 25 triệu USD
Sau khi mua lại công ty chứng khoán Vina, Finhay công bố huy động được 25 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B được dẫn dắt bởi Openspace Ventures. Các nhà đầu tư tham gia vào vòng này còn có VI Group, Insignia, TVS, Headline, TNBAura và IVC.
Được thành lập vào năm 2017, Finhay là ứng dụng đầu tư cá nhân với hơn 2,7 triệu người dùng. Bắt đầu với chứng chỉ quỹ là sản phẩm duy nhất, sau 5 năm hoạt động, Finhay đã mở rộng phạm vi dịch vụ và cung cấp cho người dùng các giải pháp tài chính toàn diện, bao gồm chứng chỉ quỹ, giao dịch vàng, tích lũy, giao dịch cổ phiếu.
Công ty dự định sẽ sử dụng nguồn vốn mới cho việc tăng quy mô doanh nghiệp, mở rộng các mảng kinh doanh và tuyển dụng những nhân sự hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ. (Ảnh: Finhay)
6. Jio Health: 20 triệu USD
Đầu tháng 3, Jio Health - startup trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe có trụ sở tại Việt Nam công bố hoàn tất vòng gọi vốn series B trị giá 20 triệu USD do quỹ đầu tư Heritas Capital có trụ sở tại Singapore dẫn đầu. Các nhà đầu tư khác bao gồm Fuchsia Ventures, Kasikorn Bank Group và nhà đầu tư hiện hữu Monk's Hill Ventures.
Jio Health thành lập năm 2014 với vai trò sử dụng công nghệ hiện đại để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe theo yêu cầu với chi phí phải chăng. Qua ứng dụng trên smartphone, nền tảng này giúp hỗ trợ các y bác sĩ thăm khám và chăm sóc bệnh nhân mọi lúc mọi nơi một cách thuận tiện hơn. (Ảnh: Jio Health)
7. Timo: 20 triệu USD
Ngay đầu năm 2022, ngân hàng số Timo đã công bố huy động được 20 triệu USD trong vòng gọi vốn mới, dẫn đầu bởi Square Peg. Quỹ đầu tư mạo hiểm này từng đầu tư vào một số startup kỳ lân như Canva, FinAccel và AirWallex. Vòng gọi vốn còn có sự tham gia của Jungle Ventures, Granite Oak, FinAccel, Phoenix Holdings và một số nhà đầu tư khác.
Được thành lập vào năm 2015, Timo là một trong những nền tảng ngân hàng số đầu tiên tại Việt Nam. Năm 2019, Timo công bố quan hệ đối tác chiến lược với Ngân hàng Bản Việt. (Ảnh: Timo)
8. POC Pharma: 10,3 triệu USD
Nền tảng SaaS trong lĩnh vực dược phẩm có trụ sở tại Việt Nam và Hong Kong là Pharmacy Online Concierge (POC Pharma) đã gọi vốn được 10,3 triệu USD trong vòng Series A do quỹ Alven dẫn đầu, cùng Picus Capital, FEBE Ventures và FJ Labs.
Nguồn vốn mới sẽ được POC Pharma sử dụng để đẩy nhanh việc triển khai các giải pháp tiếp thị kỹ thuật số cho ngành dược phẩm, đồng thời mở rộng thị trường sang các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, Nam Á, Trung Đông và châu Phi.
POC Pharma được thành lập bởi Thomas Miklavec – người có bằng MBA của Harvard, cựu nhân viên McKinsey và là một doanh nhân chuyên sáng lập các startup trong lĩnh vực dược. (Ảnh: POC Pharma)
9. Mio: 8 triệu USD
Mio, nền tảng thương mại xã hội Việt Nam đã huy động được 8 triệu USD trong vòng gọi vốn Series A - chưa đầy một năm sau khi công bố vòng hạt giống. Vòng đầu tư do Jungle Ventures dẫn đầu, với sự tham gia của Patamar Capital và Oliver Jung. Các nhà đầu tư hiện tại GGV, Venturra, Hustle Fund, iSEED SEA và Gokul Rajaram cũng tham gia vòng này.
Trước đó, hồi tháng 5/2021, Mio công bố gọi vốn 1 triệu USD trong vòng hạt giống. Như vậy, tổng số tiền startup này huy động được đến nay là 9,1 triệu USD.
Được thành lập vào năm 2020, Mio là một nền tảng mua theo nhóm tập trung vào các mặt hàng tươi sống và hàng tạp hóa tại các thành phố cấp 2 và 3 ở Việt Nam. Công ty có thể cung cấp dịch vụ giao hàng ngay ngày hôm sau nhờ việc xây dựng mạng lưới hậu cần cho phép gửi trực tiếp sản phẩm từ các trang trại đến khách hàng. (Ảnh: Mio)
10. OpenCommerce Group: 7 triệu USD
Hồi tháng 2, công ty thương mại điện tử xuyên biên giới OpenCommerce Group (OCG) công bố huy động 7 triệu USD trong vòng gọi vốn Series A dẫn dắt bởi kỳ lân công nghệ VNG cùng sự tham gia của quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures.
Đặt trụ sở chính tại Hà Nội với văn phòng đại diện ở San Francisco (Mỹ) và Thâm Quyến (Trung Quốc), OCG cung cấp dịch vụ hỗ trợ trọn gói cho những người bán hàng trực tuyến với chi phí thấp và hạn chế rủi ro. Hơn hai năm sau khi ra mắt, nền tảng này đã giúp hơn 86.700 người đến từ 195 quốc gia kinh doanh thương mại điện tử trên phạm vi toàn cầu, với GMV (tổng lượng hàng hóa) đạt 670 triệu USD.
Tầm nhìn của OCG là cung cấp một giải pháp công nghệ toàn diện hỗ trợ các cá nhân và SME đưa sản phẩm Việt Nam đến với người tiêu dùng toàn cầu.
Hệ sinh thái công nghệ của công ty hiện bao gồm ba sản phẩm chính, ShopBase, PrintBase và PlusBase. Tất cả các sản phẩm đều đi kèm các công cụ tự động hóa giúp người bán quản lý đơn hàng, marketing, vận chuyển, thanh toán và mọi công đoạn cần có để công việc kinh doanh trực tuyến phát triển. (Ảnh: OCG)
Theo NDH