VnSteel có thoát vực thẳm thua lỗ?

Sau 4 năm cổ phần hoá (CPH), tình hình kinh doanh của Tổng công ty Thép Việt Nam – Công ty CP (VNSteel) vẫn tiếp tục trong cảnh bết bát, có thời điểm thua lỗ tới gần 1.000 tỷ đồng.
Tổng số lỗ luỹ kế tại thời điểm 30/9/2015 lên tới 626 tỷ đồng, giảm so với mức –821 tỷ đồng hồi đầu năm nay.
Tổng số lỗ luỹ kế tại thời điểm 30/9/2015 lên tới 626 tỷ đồng, giảm so với mức –821 tỷ đồng hồi đầu năm nay.

Hiện, VNSteel đang rục rịch chuẩn bị đưa cổ phiếu VNS lên giao dịch trên sàn UPCoM dù vẫn đang bị thua lỗ triền miên. Tổng số lỗ luỹ kế tại thời điểm 30/9/2015 lên tới 626 tỷ đồng, giảm so với mức –821 tỷ đồng hồi đầu năm nay. Và số lỗ có thể chưa dừng lại nếu doanh nghiệp quyết toán cổ phần hóa xong.

Nguy cơ tăng lỗ luỹ kế?

Vốn điều lệ của VnSteel hiện đạt 6.780 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 93,93% cổ phần. Năm 2011, VNSteel tiến hành chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) với khối lượng 66,4 triệu cổ phần, giá bán 10.101 đồng/CP. Nhưng tổng công ty chỉ bán được 39,15 triệu đơn vị, bằng 59% tổng khối lượng chào bán.

Từ đó đến nay, VNSteel vẫn chậm trễ thực hiện quyết toán CPH dù đã hoạt động theo mô hình công ty cổ phần suốt 4 năm qua.

Trong báo cáo tài chính, đơn vị kiểm toán liên tục đưa ra ý kiến ngoại trừ cho rằng: Nếu không được quyết toán CPH, doanh thu và lợi nhuận của VNSteel sau khi doanh nghiệp IPO có thể thay đổi. Khi đó, việc định giá cổ phiếu hiện tại sẽ không phù hợp.

Có thể thấy, nếu thực hiện quyết toán CPH làm giảm kết quả kinh doanh thì sẽ làm thay đổi tính toán về giá cổ phiếu VNS hiện tại khi lên sàn UPCoM. Các tính toán về tỷ suất lợi nhuận ROA, ROE… cũng sẽ “biến động” tương ứng.

Về hoạt động kinh doanh, trong 9 tháng đầu năm 2015, VNSteel đạt tổng doanh thu hợp nhất 14.052 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù, VNSteel đang ghi nhận giá trị đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết tới 4.419 tỷ đồng, song hoạt động này bị lỗ 32,6 tỷ đồng. Các chi phí bán hàng, chi phí tài chính bất ngờ tăng mạnh 45 tỷ đồng, lên tới 548 tỷ đồng.

Chi phí lãi vay giảm một nửa, xuống còn 244 tỷ đồng so với mức 409,5 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Nhưng các chi phí khác lại tăng gấp 3 lần, lên tới gần 34 tỷ đồng mà VNSteel không thuyết minh cụ thể.

Lợi nhuận trước thuế đạt gần 339 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 249,5 tỷ đồng, tăng gần 72% so với cùng kỳ năm trước.

Với lợi nhuận thuần sau thuế 205,7 tỷ đồng, lãi cơ bản trên cổ phiếu VNS tăng gấp đôi, lên 303 đồng/CP so với mức 176 đồng/CP của cùng kỳ năm trước.

Nhờ 9 tháng qua có lãi nên số lỗ luỹ kế của VNSteel mới giảm, từ mức lỗ 832 tỷ đồng xuống còn lỗ 626 tỷ đồng. Do đó, vốn chủ sở hữu liên tục bị “hao hụt”, hiện chỉ còn 6.811 tỷ đồng. Sau 4 năm cổ phần hóa, “ông lớn” ngành thép này vẫn chưa thoát khỏi vực thẳm thua lỗ, đầu tư vốn nhà nước kém hiệu quả…

Thu hút cổ đông chiến lược

Hiện tại, Bộ Công thương là đại diện cổ đông nhà nước, sở hữu tới 636,84 triệu cổ phần VNSteel, chiếm tỷ lệ chi phối 93,93%. Khoảng 6,07% vốn cổ phần còn lại đang nằm trong tay của các cổ đông tổ chức tín dụng (TCTD) và các quỹ, công đoàn, người lao động, nhà đầu tư ngoài…

Đáng chú ý, nhóm cổ đông tổ chức tín dụng và các quỹ đang nắm tới 4,711% vốn điều lệ, bao gồm: công ty TNHH MTV Quản lý Quỹ NHTMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank Capital nắm 25 triệu cổ phần, tỷ lệ 3,687%), công ty CP Quản lý quỹ Tín Phát nắm 4,950 triệu cổ phần, tỷ lệ 0,73%, công ty Chứng khoán VPBank (VPBS) nắm 2 triệu đơn vị, tỷ lệ 0,294%, công ty CP Tài chính Sông Đà nắm 1 triệu cổ phần, tỷ lệ 0,147%.

Cơ cấu cổ đông này cho thấy VNSteel gần như vẫn chịu sự chi phối của nhóm cổ đông nhà nước dù đã khoác “chiếc áo cổ phần hóa”, hoạt động dưới mô hình công ty cổ phần.

Trong mối quan hệ thân thiết với các cổ đông tổ chức tín dụng, VNSteel đã huy động được nguồn vốn rất lớn để phục vụ đầu tư các dự án gang thép, bất động sản, đầu tư tài chính…

Tại thời điểm 1/1/2015, VNSteel vay nợ ngắn hạn tại ngân hàng tới 7.222 tỷ đồng, sau đó giảm xuống còn 5.038 tỷ đồng (tại ngày 30/9/2015). Còn nợ vay ngắn hạn ngân hàng ở mức khiêm tốn, chỉ hơn 7,2 tỷ đồng ở cuối kỳ. Do vay nợ lớn, tổng công ty đã phải trả lãi tiền vay hàng trăm tỷ đồng cùng các khoản lỗ chênh lệch tỷ giá khi vay vốn ngoại tệ…

Theo Đề án “Tái cấu trúc Tổng công ty Thép Việt Nam giai đoạn 2015 – 2016 và giai đoạn 2016 – 2020” vừa được Đại hội cổ đông năm 2015 thông qua, công ty mẹ VNSteel sẽ cần thu hút cổ đông chiến lược nước ngoài tham gia. Trong đó, cổ đông nhà nước sẽ thoái dần vốn, đa dang hoá sở hữu vốn để tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Mục tiêu đặt ra là tăng vốn điều lệ lên 8.000 tỷ đồng, khi đó, cổ đông Nhà nước chỉ nắm 35%, cổ đông chiến lược nắm 35%, các cổ đông tổ chức nắm 20%, các cổ đông khác 10%.

Với tình cảnh làm ăn bết bát, thua lỗ triền miên hiện nay, liệu VNSteel có hấp dẫn được cổ đông chiến lược nước ngoài mua cổ phần, góp thêm vốn không?

Hơn nữa, các ý kiến ngoại trừ của đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính đặt ra câu hỏi về những số liệu kinh doanh được công bố lại chưa phản ánh chính xác hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo TBKD