Kết thúc phiên giao dịch hôm nay (23/6), chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1.188,88 điểm, tăng gần 20 điểm so với tham chiếu. Diễn biến tích cực góp phần củng cố khả năng tạo hai đáy ngắn hạn và đi lên của VN-Index trước ‘mùa’ báo cáo kết quả kinh doanh Quý 2/2022.
Đầu tư vào cổ phiếu nhóm ngành nào để đón nhịp phục hồi của thị trường chứng khoán (TTCK) đang là câu hỏi lớn đối với nhiều nhà đầu tư.
Và cuộc trao đổi sau đây giữa VietTimes và ông Lê Minh Hoàng – Trưởng phòng nghiên cứu CTCP Chứng khoán Everest (Mã CK: EVS) có thể sẽ mang tới nhiều gợi ý…
- PV VietTimes: Chỉ số VN-Index đã để mất mốc 1.200 điểm, giảm hơn 20% kể từ đầu tháng 4/2022. Ông có thể cho biết đâu là những nguyên nhân chính khiến TTCK có nhịp điều chỉnh mạnh như vậy?
Ông Lê Minh Hoàng: Yếu tố đầu tiên có thể kể đến là rủi ro địa chính trị Nga – Ukraine kéo dài hơn dự đoán đã tác động trực tiếp lên nguồn cung hàng hóa toàn cầu, giá các loại hàng hóa neo ở mức cao trong thời gian dài khiến lạm phát các quốc gia lớn trên thế giới tăng mạnh.
Hệ quả, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới bắt buộc phải đẩy nhanh tiến độ tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, bất chấp đà tăng trưởng kinh tế còn mong manh. Điều này đã tác động tiêu cực đến tâm lý các nhà đầu tư và chứng khoán toàn cầu phải gánh chịu những đợt điều chỉnh mạnh và Việt Nam không nằm ngoài những ảnh hưởng đó.
Mặc dù các chỉ báo vĩ mô ở Việt Nam vẫn duy trì ở mức tốt (tăng trưởng GDP quý 1 đạt 5.03%, CPI bình quân 5 tháng chỉ tăng 2.25%), tuy nhiên dưới áp lực đồng USD tăng giá, mặt bằng lãi suất huy động có xu hướng tăng trở lại dường như báo hiệu thời kỳ “tiền rẻ” đang đi tới hồi kết và các kênh tài sản có mức độ rủi ro cao như TTCK là những nơi bị tác động tiêu cực đầu tiên.
Thực vậy, xét về dòng tiền trên thị trường, mặc dù khối ngoại có xu hướng bắt đầu mua ròng trở lại bất chấp hiệu ứng “taper tantrum”, song, sự tham gia của nhóm nhà đầu tư cá nhân – vốn là động lực chính giúp VN-Index tăng trưởng trong năm 2021 - không còn mạnh mẽ như trước.
Thanh khoản sụt giảm gần một nửa so với thời kỳ đỉnh điểm tháng 11/2021 sau những đợt điều chỉnh mạnh phản ánh thực tế khá nhiều các nhà đầu tư đã trở nên thận trọng hơn đáng kể trong quyết định giải ngân của mình và chúng tôi cho rằng đây cũng là nguyên nhân chính khiến TTCK diễn biến không được tích cực trong thời gian qua.
VN-Index hình thành mô hình hai đáy và sẽ hồi phục trong nửa sau của năm 2022? |
Cơ hội ‘hiếm có’?
- Theo ông, xu hướng giá xuống của TTCK sẽ kéo dài trong bao lâu? Nhà đầu tư nên hành động như thế nào?
Về cơ bản, sau những đợt điều chỉnh lớn thị trường đã quay trở lại mức P/E trượt hấp dẫn 12.5 lần – thấp hơn đáng kể so với trung bình 10 năm là 15 lần. Tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp trên toàn thị trường hết quý 1/2022 là hơn 31% - mức tăng ấn tượng nếu so sánh với kế hoạch kinh doanh các doanh nghiệp đặt ra cho cả năm 2022 trung bình chỉ tăng khoảng 25% - và triển vọng các năm sau vẫn duy trì ở mức quanh 20%.
Điều này càng khiến TTCK trở nên hấp dẫn trong dài hạn. Đây rõ ràng là cơ hội “hiếm có” đối với các nhà đầu tư có tầm nhìn từ 3-5 năm để tích lũy các cổ phiếu có nền tảng cơ bản vững vàng.
Quay trở lại với câu chuyện ngắn hạn, chúng tôi cho rằng những đợt điều chỉnh lớn thời gian qua đã phần nào phản ánh những lo ngại về rủi ro trên thị trường. Mọi thứ sẽ tốt dần lên khi tăng trưởng vĩ mô quý 2/2022 được dự báo sẽ duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát nhờ các chính sách điều tiết phù hợp của Chính phủ.
Bên cạnh đó, tháng 7 cũng là thời điểm nhiều doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2022 – dự kiến vẫn tăng trưởng rất tốt sẽ là động lực chính giúp thị trường vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Với quan điểm lạc quan, chúng tôi cho rằng thị trường có thể tạo đáy 2 quanh vùng 1.140 điểm và sẽ bắt đầu từ từ đi lên trong nửa cuối năm nay.
- Liệu TTCK có chứng kiến sự phân hoá mạnh mẽ khi bước vào ‘mùa’ kết quả kinh doanh quý 2? Và những nhóm ngành nào sẽ có kết quả kinh doanh ấn tượng?
Chúng tôi tin rằng sự phân hóa sẽ diễn ra rất rõ ràng với các nhóm cổ phiếu trên thị trường. Ở các báo cáo quan điểm đầu tư định kỳ của EVS trước đó, chúng tôi dự báo các nhóm ngành hàng hóa xuất khẩu như thuỷ sản, phân bón, hóa chất,… sẽ có kết quả kinh doanh quý 2/2022 với tăng trưởng ấn tượng.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư cần duy trì sự thận trọng đối với nhóm các cổ phiếu chu kỳ này khi khả năng cao đỉnh lợi nhuận những nhóm ngành này đã/sẽ xảy ra trong 1-2 quý sắp tới.
Tương tự, nhóm dầu khí vốn chịu ảnh hưởng rất lớn từ giá dầu thế giới cũng sẽ có một quý 2 khả quan. Nhóm ngân hàng, bán lẻ tiếp tục có kết quả kinh doanh tốt.
Ở chiều ngược lại, nhóm thép và bất động sản gặp nhiều khó khăn trong nửa đầu năm 2022, kết quả kinh doanh có dấu hiệu chững lại và giá cổ phiếu đã phần nào phản ánh trước những kỳ vọng tiêu cực đó.
Sức hấp dẫn của cổ phiếu ngành điện…
- Báo cáo quan điểm đầu tư tháng 6/2022 của EVS có khuyến nghị các cổ phiếu ngành điện (bao gồm: REE, VSH, CHP, POW, NT2). EVS Research kỳ vọng gì ở cổ phiếu nhóm ngành này?
Nhóm ngành điện được hưởng lợi lớn từ việc Việt Nam chính thức mở cửa lại nền kinh tế, hoạt động sản xuất phục hồi mạnh mẽ (chỉ số Sản xuất công nghiệp - IIP 5 tháng đầu năm tăng 8,3% yoy và sẽ tiếp tục đà tăng trưởng tốt trong phần còn lại của năm 2022) cùng với nhu cầu tiêu thụ điện của các hộ gia đình tăng cao khi bước vào mùa nắng nóng là động lực chính toàn ngành. Chỉ tính riêng đến hết tháng 5/2022, tổng sản lượng điện tiêu thụ đạt 108,59 tỷ kWh (+4,1% yoy).
Xét về nhóm ngành Điện khí, việc thiếu hụt nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện than là nguyên nhân giúp các nguồn điện khác được huy động nhiều hơn (tỷ trọng điện huy động từ khí 5 tháng đầu năm tăng lên 11.9%). Nhờ việc ký kết các hợp đồng mua bán điện PPA giúp các nhà máy điện khí duy trì được lợi nhuận bất chấp việc giá khí đầu vào tăng cao trong thời gian qua. Bên cạnh đó, theo dự thảo của Quy hoạch điện VIII, trong kịch bản phụ tải cao thì tổng công suất điện khí sẽ ghi nhận mức tăng trưởng kép 8% từ nay đến 2045 (đạt 73,630MW).
Đối với Thủy điện, tình hình thủy văn ủng hộ (pha La Nina với mưa nhiều sẽ kéo dài đến hết năm 2022) giúp sản lượng điện sản lượng điện huy động từ nguồn thủy điện trong 5 tháng đầu năm đạt 30.53 tỷ kWh (+27% YoY). Một điểm thuận lợi khác cần chú ý khi giá bán điện toàn phần (FMP) đang ở mức cao đạt 1,792 đồng/kWh (+62.39% YoY) trong khi thủy điện là nguồn năng lượng có chi phí sản xuất rẻ nhất, do đó chúng tôi kỳ vọng các doanh nghiệp trong ngành sẽ có kết quả kinh doanh ấn tượng./.