Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Theo cổng thông tin Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), ngày 16/9/2019 vừa qua, NHNN đã có văn bản số 89/GP-NHNN về việc cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho CTCP VinID Pay (VinID Pay).
Cụ thể, dịch vụ trung gian thanh toán được cấp phép là Dịch vụ Ví điện tử. Giấy phép sẽ có hiệu lực kể từ ngày ký đến ngày 03/8/2027.
VinID Pay sẽ chỉ được cung ứng các dịch vụ trung gian thanh toán quy định trong giấy phép. Khi triển khai cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được cấp phép, công ty phải thực hiện theo đúng phạm vi, đối tượng, bản chất dịch vụ được cấp phép theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, VinID Pay phải kết nối với một tổ chức cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính và dịch vụ bù trừ điện tử (được NHNN cấp phép) khi cung ứng dịch vụ hỗ trợ dịch vụ thanh toán cho các khách hàng có tài khoản tại nhiều ngân hàng.
Khi có nhu cầu và đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chuẩn của Bộ tiêu chuẩn kỹ thuật do tổ chức đã được NHNN cấp giấy phép cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính và dịch vụ bù trừ điện tử ban hành, VinID Pay được thực hiện kết nối với tổ chức này theo quy định của pháp luật. Cùng với đó, VinID Pay có trách nhiệm bổ sung bản sao văn bản (tài liệu) hợp tác kết nối giữa công ty với tổ chức này gửi NHNN để quản lý, theo dõi, giám sát.
Trong quá trình cung ứng các dịch vụ trung gian thanh toán được cấp phép, VinID Pay phải tuân thủ một loạt các quy định về thanh toán không dùng tiền mặt, yêu cầu kỹ thuật và an toàn bảo mật đối với trang thiết bị phục vụ thanh toán thẻ ngân hàng, đảm bảo an toàn hệ thống công nghệ thông tin trong hoạt động ngân hàng.
Đáng chú ý, đây là lần thứ 2 NHNN cấp lại giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho VinID Pay.
Trước đó, NHNN đã cấp Giấy phép số 47/GP-NHNN (ngày 3/8/2017) về hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho CTCP People Care - chủ sở hữu ví điện tử MonPay. Công ty này đã được CTCP Tập đoàn Vingroup (Mã CK: VIC) thâu tóm và đổi tên thành CTCP VinID Pay.
Mặt khác, giấy phép cũ sẽ hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Giấy phép số 89/GP-NHNN cấp cho VinID Pay nêu trên có hiệu lực.
Tính đến ngày 30/6/2019, Tập đoàn Vingroup hiện đang nắm giữ 80% tỷ lệ biểu quyết và 40,8% tỷ lệ lợi ích tại VinID Pay. Ngoài ra, tập đoàn này còn đang nắm giữ 51% cổ phần tại CTCP VinID hoạt động trong lĩnh vực trung gian tiền tệ khác.
Ngoài ra, theo số liệu từ NHNN, tính đến ngày 26/8/2019, hiện đang có 31 tổ chức không phải là ngân hàng được cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Về mặt thị phần, tính tới hết Quý 1/2019, có 90% thị phần rơi vào tay của 5 tổ chức trung gian thanh toán và từ 30% đến hơn 90% vốn của các “ông lớn” này thuộc sở hữu của nước ngoài/.